Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘giáng cú mạnh’ vào G7 khi thúc đẩy kế hoạch sử dụng than đến năm 2030


Mạng lưới điện sản xuất từ than ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.
Mạng lưới điện sản xuất từ than ở tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.

Hãng thông tấn của Anh hôm 23/11 nói rằng Việt Nam vừa đánh “một cú giáng mạnh” vào các sáng kiến tài trợ cho năng lượng sạch hơn của các quốc gia giàu có khi đưa ra kế hoạch thúc đẩy gia tăng mục tiêu điện than đến năm 2030 trong lúc thu hẹp các mục tiêu về năng lượng tái tạo, theo một dự thảo kế hoạch năng lượng sửa đổi của chính phủ Việt Nam mà Reuters đọc được.

Bản dự thảo cập nhật vào ngày 11/11, được Bộ Công thương Việt Nam lưu hành giữa bối cảnh các nhà đàm phán về khí hậu từ Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) không đạt được thỏa thuận tài chính với Việt Nam về “Quan hệ Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng” (JETP) tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP27, kết thúc ở Ai Cập hôm Chủ nhật.

Bộ Công thương Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về thông tin này.

Kế hoạch mới nhất đã kéo lùi mục tiêu trong bản dự thảo vừa được công bố vào tháng trước vốn có thể làm chậm tốc độ gia tăng sử dụng than vào cuối thập niên này. Theo Reuters, chuyện sụt giảm đáng kể công suất than sẽ chỉ có thể đến vào năm 2045.

Hãng tin dẫn lời các nhà đầu tư có trụ sở tại Việt Nam cho biết Việt Nam, một trong 20 nước sử dụng than hàng đầu thế giới, đã chứng kiến ​tình trạng tranh cãi kéo dài giữa các lợi ích cạnh tranh của chính phủ về các kế hoạch phát triển điện trong thập niên này và có thể sẽ có những thay đổi tiếp theo trong những tuần và tháng tới.

Điều này làm phức tạp nhiệm vụ của các nhà đàm phán về khí hậu, dẫn đầu bởi các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu, những người đang nuôi hy vọng đạt được thỏa thuận với Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng tới.

NỀN KINH TẾ ‘KHÁT’ THAN

Theo kịch bản sơ khởi mới nhất của chính phủ Việt Nam mà Reuters đọc được, than sẽ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng nhất của Việt Nam cho đến năm 2030 với hơn 36 gigawatt (GW) công suất lắp đặt và có tới 11 nhà máy nhiệt điện than mới sẽ được xây dựng trong những năm tới, tăng lên vào khoảng 21GW vào năm 2020 và 30GW vào năm 2025.

Tuy nhiên, tỷ trọng năng lực sản xuất điện của than sẽ giảm xuống dưới 28% vào cuối thập niên từ mức 34% vào năm 2020.

Trong bản dự thảo hồi tháng 10, chính phủ đặt mục tiêu giới hạn công suất than xuống khoảng 30GW vào cuối thập niên này, theo các tài liệu mà Reuters có được.

Vietnamnet hôm 22/11 dẫn một báo cáo của Bộ Công thương Việt Nam nói rằng hiện nay nhu cầu cung cấp than cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là “rất lớn và cấp bách”.

Vì vậy, từ đầu năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tăng công suất năm 2022 thêm vượt dưới 15% công suất, được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chấp thuận yêu cầu này.

Hiện giờ, TKV tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tăng lượng khai thác năm 2022 vượt dưới 15% với các mỏ Vàng Danh (lên 225.000 tấn/năm), Bắc Cọc Sáu (lên 800.000 tấn/năm) và khai thác tối đa theo công suất với mỏ Cao Sơn (3,5 triệu tấn/năm).

Việc sử dụng than đã gia tăng trên toàn cầu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai khiến giá các loại nhiên liệu hóa thạch khác tăng vọt.

Bộ Công Thương Việt Nam hồi tháng 9 nói rằng giá than thế giới tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường than Việt Nam cũng như việc cung ứng than cho điện.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho biết trong dự thảo kế hoạch mới nhất, sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam chỉ tăng lên 21GW vào năm 2030, so với 26GW đến 39GW dự kiến trong dự thảo tháng 10, mặc dù dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân vào giữa thế kỷ với công suất lắp đặt hơn 200GW của các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời và hydro. Các con số này không bao gồm thủy điện, vốn là nguồn điện truyền thống của Việt Nam.

Tài liệu nói rằng “Năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã phát triển quá nhanh ở Việt Nam, và điều này đã gây ra nhiều vấn đề do lưới điện của đất nước còn hạn chế”.

Đến năm 2050, than sẽ không còn là một phần trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam, trong khi khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ tăng từ lượng không đáng kể hiện nay lên khoảng 44 GW.

ĐỀ XUẤT ƯU ĐÃI VỀ KHÍ HẬU

Lượng khí thải carbon của Việt Nam dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân khi quốc gia 100 triệu dân phát triển nhanh chóng, trừ khi Việt Nam gấp rút chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng ít ô nhiễm khác.

Các quan chức EU và các nhà đàm phán phương Tây khác đã hy vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ hai đồng ý về kế hoạch tài trợ để đẩy nhanh việc giảm sử dụng than, sau khi một thỏa thuận tương tự đã đạt được vào năm ngoái với Nam Phi.

Theo các tài liệu nội bộ được Reuters đọc được cho thấy EU, nơi đang dẫn đầu các cuộc đàm phán thay mặt cho các quốc gia G7 cùng với Anh, đã xem xét một thỏa thuận có thể đạt được tại hội nghị thượng đỉnh COP27.

Nhưng một loạt đề nghị nâng cấp trị giá hàng tỷ đô la của nhóm G7, chủ yếu là các khoản vay, đã không thuyết phục được các nhà đàm phán Việt Nam, những người mà các theo nguồn tin ngoại giao và công nghiệp nói với Reuters rằng họ muốn có thêm tài trợ và kiểm soát nhiều hơn cách thức giải ngân vốn.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa nhúc nhích gì trong khi Indonesia đang tiến tới công bố thỏa thuận với các quốc gia giàu có về việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi khỏi than tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tuần trước.

Một số quan chức EU đã đặt mục tiêu mới cho một thỏa thuận với Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào giữa tháng 12 tại Brussels.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và nhà ngoại giao tại Việt Nam nghi ngờ việc có thể đạt được một thỏa thuận nào đó, trừ khi nó trở nên hấp dẫn đáng kể, trong khi những bất đồng trong chính phủ Việt Nam về phát triển điện sẽ vẫn là một trở ngại lớn, vẫn theo Reuters.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG