Đường dẫn truy cập

Châu Âu khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh giảm thiểu carbon để vào thị trường EU


Một công nhân làm việc tại nhà máy thép của Công ty Hoà Phát ở Hải Dương. Sản xuất thép là một trong ngành công nghiệp gây ra lượng khí thải cao theo tiêu chuẩn của châu Âu.
Một công nhân làm việc tại nhà máy thép của Công ty Hoà Phát ở Hải Dương. Sản xuất thép là một trong ngành công nghiệp gây ra lượng khí thải cao theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Việt Nam phải bắt đầu giám sát và cấp chứng chỉ carbon cho các nhà xuất khẩu và nhà bán lẻ để đáp ứng với thuế carbon vừa được thông qua của EU, các nhà hoạch định chính sách của châu Âu đưa ra khuyến nghị được truyền thông trong và ngoài nước đưa tin hôm 2/2.

Trước đó, trong tháng 12/2022, EU thông báo thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), và EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu được nhập khẩu vào thị trường này, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại.

Nghị viện châu Âu (EP) nói cơ chế trên nhằm “khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU”.

Ngoài ra, nó cũng giúp bảo đảm đối xử công bằng với các doanh nghiệp và bảo vệ cho những doanh nghiệp thực hiện đúng tiêu chí bảo vệ môi trường và bảo vệ việc làm cho người lao động.

Theo đó, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, phân bón, nhôm, điện và hydro, là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu.

Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của châu Âu, doanh nghiệp đó bắt buộc phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại châu Âu.

Đối với Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị thay vì mua chứng chỉ carbon của EU, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện các bước để giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất của họ.

Ông Andrew Wyatt, Phó Chủ tịch Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, kêu gọi chính phủ Việt Nam thiết lập chính sách giám sát và cấp chứng chỉ carbon cho các nhà xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam vào năm 2025.

CBAM được cho là sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu và bán lẻ lớn của Việt Nam trước tiên, đặc biệt là các nhà sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có lượng khí thải carbon cao.

Châu Âu là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu, đây được xem là một bước trụ cột trong chính sách về khí hậu của EU nhằm khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG