Đường dẫn truy cập

Quan hệ Việt-Trung và tranh chấp Biển Đông (phần cuối)


Hai tuần qua, chúng ta đã nghe cuộc tranh luận giữa các bạn thanh niên trong và ngoài nước. Phần một, các bạn chia sẻ cảm nghĩ về mối quan hệ các bạn gọi là “bằng mặt không bằng lòng” giữa hai nước Việt-Trung. Và ở phần hai, khi phân tích về tranh chấp chủ quyền căng thẳng tại Biển Đông, các bạn cho là Việt Nam không thể làm phật lòng hoặc thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vì đã bị họ khống chế tất cả mọi mặt. Vậy giới trẻ có thể làm gì để góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước? Nguyện vọng của thanh niên Việt Nam muốn đề đạt tới những người hữu trách ra sao? Mời quý vị nghe phần cuối cuộc trao đổi với Hiếu từ Hà Nội, Thắng đang ở Sài Gòn, và Hồng Thuận, sinh trưởng tại Hoa Kỳ.

Trà Mi: Theo các bạn, nếu Việt Nam không nhân nhượng Trung Quốc, có thể dẫn tới những hậu quả như thế nào giữa bối cảnh Việt Nam không đủ khả năng quân sự so với Trung Quốc. Hơn nữa, về phương diện chính trị-ngoại giao, Việt Nam lại không có một liên minh hay một hiệp ước quân sự nào có thể giúp Việt Nam trước sự tấn công có thể có của Trung Quốc?

Hồng Thuận: Nói đến hậu quả thế nào, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiến đánh Việt Nam. Chính phía Trung Quốc cũng cổ võ cho việc này qua các bài báo họ đăng tải vừa rồi. Xác suất Trung Quốc gây chiến cho Việt Nam có cao hay không? Nhìn vào lịch sử, thực tế của thế giới, và tình hình Trung Quốc hiện nay, riêng mình nghĩ rằng Trung Quốc không có xác suất gây chiến tranh bây giờ. Mình thấy nền kinh tế của Trung Quốc phát triển phụ thuộc 100% vào xuất cảng hàng hóa. 80% nguyên liệu của họ nhập từ nước ngoài. Cho nên nền kinh tế của họ rất phụ thuộc vào thế giới bên ngoài. Nếu gây chiến phần nhiều thì Trung Quốc cũng bị bao vây, cấm vận, kinh tế của họ sẽ sụp đổ. Trong thập niên 80, khi Liên Xô gây chiến chiếm đóng Afghanistan, họ lập tức bị thế giới cô lập, Trung Quốc cũng có khả năng tương tự như vậy, nhất là khi Mỹ đã lên tiếng về vấn đề Biển Đông.

Trà Mi: Ý của Hồng Thuận nói rằng khả năng Trung Quốc có thể tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học” như đã từng xảy ra trong lịch sử không thể xảy ra trong thời gian, bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Ý kiến của anh Thắng thế nào? Nếu Việt Nam có hành động cứng rắn với Trung Quốc, liệu có thể xảy ra một cuộc chiến tranh với người anh em cộng sản như từng xảy ra năm 1979 hay chăng?

Thắng: Tôi nghĩ rằng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng tôi không đồng ý với anh Hiếu (trong phần 2) rằng anh hy vọng điều này có thể xảy ra để mang đến một kết cục tốt đẹp hơn. Tất cả các cuộc chiến tranh không mang lại kết quả nào tốt đẹp cho cả đôi bên. Một trang mạng của Trung Quốc mà tôi có đọc so sánh với việc Nga đánh chiếm Gruzia và nói rằng Việt Nam sẽ bị một bài học đau hơn cả Gruzia. Có nghĩa rằng người Trung Quốc đã sẵn sàng chiến tranh và trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở người dân, ở lớp trẻ. Họ cũng đang tập trung phát triển hai lĩnh vực là hải quân và không gian. Về phát triển hải quân, họ nhắm đến 4 lợi ích cốt lõi của Trung Quốc là Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, và Biển Đông.

Hiếu:
Tôi cho rằng không thể xảy ra chiến tranh trên bộ, có chăng ở ngoài biển thôi, vì trên đất liền mình và Trung Quốc đã rạch ròi về biên giới rồi. Hoa Kỳ cũng không bao giờ can thiệp cho Việt Nam một cách triệt để vì giữa Mỹ-Việt cũng chẳng có gì sâu nặng lắm. Nếu cần, họ giải quyết vấn đề giữa Nam-Bắc Triều Tiên hơn là vấn đề Việt Nam-Trung Quốc. Cho nên, chiều hướng vấn đề Biển Đông, tôi nghĩ, nó cứ giằng co như thế này đến một lúc nào đó họ thỏa thuận với Trung Quốc, phân chia sao gọi là “chấp nhận được” thôi, chứ chẳng thể đánh nhau được.

Trà Mi: Ý của anh Hiếu là cho dù Mỹ có lên tiếng can thiệp đi nữa, cũng không đóng vai trò quan trọng lắm vì Mỹ-Việt không có hợp tác quân sự chiến lược sâu đậm để có thể có một liên minh quân sự cả. Ý anh Thắng?

Thắng: Điều này tôi đồng ý với anh Hiếu. Trên mạng của Trung Quốc, người ta mổ xẻ mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng giống như mối quan hệ giữa Gruzia với Nga và khối NATO. Người ta nói rằng Gruzia cũng đã có tham vọng gia nhập NATO và cũng có nhiều điểm chung với Mỹ, nhưng cuối cùng họ vẫn bị đánh. Khi đó, Mỹ đã không có những biện pháp thực tế cần thiết để cho thấy họ có bảo vệ cho Gruzia. Trước khi Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc năm 1979, Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận với Liên Xô, cùng hỗ trợ trong khi có chiến tranh. Thế nhưng sau khi Trung Quốc tiến đánh Việt Nam, biên bản này trở nên gần như là vô giá trị, vì Liên Xô trong 10 ngày liền không có động thái tích cực cho Trung Quốc thấy rằng họ sẵn sàng có sự yểm trợ cho Việt Nam. Người Trung Quốc cũng nói rằng cho dù Việt Nam có một biên bản thỏa thuận với Mỹ, họ cũng không nghĩ rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Tôi nghĩ nếu xảy ra chiến tranh, các nước ngoài sử dụng biện pháp hỗ trợ quân sự rất là ít. Trong trường hợp có chiến tranh, tôi nghĩ sẽ trên biển. Hiện nay, việc bố trí phòng thủ tên lửa khu vực xung quanh Việt Nam ở Quảng Đông, Quảng Tây, Liễu Châu đều nhằm mục đích tạo sự uy hiếp đối với Việt Nam. Đây là biện pháp răn đe mà người Trung Quốc muốn nhắn với VIệt Nam, nghĩa là họ sẵn sàng tiến hành một loạt các cuộc chiến tranh.

Trà Mi:
Phân tích của các bạn cho thấy Việt Nam hiện nay đang trong tình thế rất dễ bị tổn thương nếu làm phật lòng Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên giữ khoảng cách với người bạn lấn lướt phương Bắc này, đồng thời nên gần gũi hơn với người bạn có thế lực hơn để cân bằng lực lượng và tự vệ trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Theo các bạn, nên chăng?

Thắng: Tôi nghĩ điều đấy là cần thiết, nhưng muốn dựa vào một đất nước khác khi đang ở gần Trung Quốc thế này cũng rất là khó. Chúng ta vẫn phải dựa vào chính mình là chính. Vả lại, người Mỹ khá thực dụng, họ vì lợi ích của họ là chủ yếu.

Trà Mi: Ý anh Thắng là “rất cần thiết”. Còn ý của Thuận và Hiếu thì sao?

Hiếu
: Ý kiến đó thì ai cũng thấy đúng thôi. Có điều các nhà làm chính trị có thực hiện hay không.

Trà Mi: Theo anh có khả thi không trong hoàn cảnh chính trị Việt Nam hiện nay?

Hiếu: Trong khi mình đang nói đây thì lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam vẫn cứ liên tục thắt chặt các quan hệ. Việt Nam còn đưa mấy ngàn thanh niên sang Trung Quốc giao lưu văn hóa và tiếp tục ký các hợp đồng để Trung Quốc đầu tư vào mình. Mình là người dân, nói vậy thôi chứ các nhà lãnh đạo vẫn làm những điều theo ý họ.

Hồng Thuận: Mình nghĩ chúng ta không nên dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào. Chúng ta nên có nội lực riêng dựa trên sức mạnh dân tộc là chính. Có sức mạnh dân tộc mới vận dụng được những ảnh hưởng của quốc tế đối với quyền lợi của đất nước mình. Có vận dụng được sức mạnh của dân tộc, chúng ta mới bảo vệ được đất nước.

Trà Mi: Làm thế nào có thể củng cố được sức mạnh dân tộc dựa vào nội lực của mình trong tình hình hiện nay Việt Nam là một nước cộng sản nhỏ còn lại trong khối cộng sản ít ỏi mà Trung Quốc được cho là hùng mạnh nhất?

Hồng Thuận: Trong lịch sử, chưa bao giờ Việt Nam mạnh hơn Trung Quốc, nhưng tổ tiên ta đã bảo vệ được giang sơn trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Cho nên, sức mạnh dân tộc rất quan trọng. Để phát huy sức mạnh dân tộc, nhà nước Việt Nam phải tôn trọng những quyền căn bản của người dân, không thể coi dân như những kẻ thù để trù dập và đàn áp như hiện nay.

Trà Mi: Còn vai trò đóng góp của giới trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như thế nào?

Hiếu: Bây giờ, thanh niên Việt Nam chỉ có tìm hiểu những bằng chứng lịch sử về Hoàng Sa-Trường Sa và có các cuộc sinh hoạt văn hóa để làm sao cho tinh thần người dân tha thiết với Hoàng Sa-Trường Sa được thể hiện mạnh mẽ hơn để chính phủ cân nhắc.

Trà Mi: Thực tế cho thấy giới trẻ viết blog bày tỏ ý kiến hoặc thể hiện quan điểm bằng các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đều không được chính quyền hoan nghênh. Như vậy, người trẻ có thể làm gì hơn nữa?

Hiếu:
Tôi từng bị bắt giữ về chuyện Hoàng Sa-Trường Sa. Trước khi họ thả tôi về, tôi nói tôi vẫn tiếp tục viết như thế thôi vì đây là chuyện chủ quyền của đất nước. Họ cũng chỉ bảo thôi anh nói thì nói nhưng làm sao đừng kích động quá. Tôi nghĩ, chuyện mình tìm hiểu một cách nghiêm túc về chủ quyền đất nước rồi đưa ra các bài viết kêu gọi tinh thần dân tộc, quan tâm đến biển đảo thì đó là chuyện cực kỳ chính đáng. Không lo sợ gì.

Trà Mi:
Có nhận xét rằng từ sau các cuộc xuống đường của thanh niên phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa bị trấn dẹp, sau hàng loạt các trang blog viết về đề tài này cũng bị chính quyền hỏi thăm, thì phản ứng của giới trẻ về vấn đề này tương đối mờ nhạt, thiếu sức mạnh mẽ quyết liệt như trước. Các bạn đồng ý với nhận xét đó không?

Thắng: Tôi đồng ý. Khi báo Việt Nam phản ánh việc Hoàng Sa-Trường Sa thì Trung Quốc gọi đại sứ Việt Nam lên trách móc. Khi xảy ra các cuộc biểu tình của sinh viên Việt Nam, Trung Quốc cũng gọi Việt Nam lên trách mắng. Cho nên, người ta lập tức sợ và dẹp bớt những vụ đấy. Nhưng tôi nghĩ rằng trong thâm tâm chính quyền không muốn thanh niên giảm bớt khí thế của mình. Bằng chứng là hiện nay họ liên tục tuyên truyền, vận động người dân tìm hiểu biển đảo. Khi mình tìm hiểu, mình bảo vệ cho mình, và tuyên truyền cho nhiều người hiểu thì đó là biện pháp đầu tiên mà người trẻ có thể đóng góp.

Trà Mi:
Tuy nhiên, người trẻ có thể làm gì hơn nữa để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước mà tránh không bị nhà nước “để ý” hoặc không có những hành động “không được nhà nước hoan nghênh”?

Hồng Thuận: Trong thời đại ngày nay, giới trẻ Việt Nam có rất nhiều phương tiện và điều kiện để nói lên thái độ của mình mà chính quyền dù có hoan nghênh hay không cũng khó làm gì được. Chẳng hạn như việc tận dụng internet trong vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa là điều vượt khỏi tầm tay của chính quyền. Viết báo, viết blog, hướng dẫn nhau cách vượt tường lửa để phá vỡ sự bưng bít thông tin, vạch rõ sự sai trái của nhà cầm quyền trong việc nhượng đất đai..v..v..Mình thấy các bạn trẻ ở Việt Nam vừa rồi có một chiến dịch rất hay, mình rất cảm phục. Đó là chiến dịch viết lên ba chữ “HS-TS-VN”, tức “Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam”. Có nhiều bạn đã đi hàng chục tỉnh thành để viết lên những chữ này, phun sơn lên tường, cột điện, hay bất cứ nơi đâu. Mình coi video, mình rất cảm phục các bạn.

Trà Mi: Hiệu quả của các việc làm tương tự như thế là gì?

Hồng Thuận: Hiệu quả là tác động đến nhận thức cho người Việt Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam, về vấn đề này.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của anh Hiếu.

Hiếu: Tôi cho rằng mình càng tỏ ra quan tâm, tha thiết bao nhiêu nó sẽ tác động đến chính sách của nhà nước phục vụ cho việc bảo vệ chủ quyền, kiểu như “Con có khóc mẹ mới cho bú”. Cho nên giới trẻ không nên nản chí. Chúng ta phải tiếp tục hăng say hơn.

Trà Mi:
Đồng ý “Con có khóc mẹ mới cho bú”, nhưng, nếu có người hỏi anh rằng “mẹ” có cho “con” khóc hay không?

Hiếu: Mình phải chọn cách thể hiện sao cho họ không thể có cớ nói mình. Ví dụ mình thành lập hội thanh niên nghiên cứu về Hoàng Sa- Trường Sa trên mạng, mình tìm hiểu chủ quyền đất nước, phổ biến cho nhau, sáng tác những bài hát, những câu chuyện về các chiến sĩ biển đảo, thăm các gia đình chiến sĩ ấy…Tôi nghĩ họ không thể cấm đoán được những việc ấy. Khi mình làm, phải tự tin là mình làm đúng, và không sợ. Chứ nếu cứ nhấp nhó, vừa làm vừa run sợ, mấy ông ấy dọa thêm một câu, sợ hẳn ra thì thôi.

Trà Mi: Nhưng tâm lý chung ở Việt Nam, mọi người luôn e dè trước những vấn đề “nhạy cảm”, phải không?

Hiếu: Mình làm đàng hoàng khi cảm thấy đúng, chứ cứ thập thò với tâm lý như phạm tội, họ “phòng hơn chống”, thì họ dẹp luôn.

Trà Mi: Ý của anh Hiếu là giới trẻ hãy mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình nếu mình cho đó là đúng, vì lợi ích chung của dân tộc. Về mối bang giao Việt-Trung và vấn đề Biển Đông, gút lại một lời vắn tắt, giới trẻ có nguyện vọng gì muốn đề đạt với những người hữu trách?

Thắng: Người Việt Nam, những người trẻ, những nhà nghiên cứu văn hóa-lịch sử, và nhà cầm quyền cần phải tìm hiểu kỹ lịch sử Việt Nam liên quan đến quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa và những luận điệu Trung Quốc đưa ra. Thứ hai, “Con không khóc làm sao bố mẹ cho bú”, mình phải tìm cách khóc và biết khóc làm sao để họ không đánh mình. Khi có nhiều tiếng nói cùng phản ứng thì người ta phải nghĩ đến vấn đề đấy.

Trà Mi: Đó là hy vọng của anh Thắng. Xin mời ý kiến của Thuận hoặc anh Hiếu.

Hiếu: Tôi không có gì phải đề đạt với các cơ quan hữu trách Việt Nam cả. Những gì cần phải làm, nguyện vọng của chúng tôi như thế nào, họ thừa biết. Chúng tôi chỉ đề đạt với anh em trẻ của chúng tôi rằng chúng ta nên có bầu máu thiết tha tâm huyết với đất nước.

Hồng Thuận: Trong mối quan hệ Việt-Trung, chúng ta phải giữ được sự cân bằng trong cách đối xử, không được thiên vị vì vấn đề độc tôn, độc quyền, và quyền lợi cai trị của mình. Trong 20 năm qua, chính quyền Việt Nam đã nghiêng về phía Trung Quốc vì lợi ích riêng tư đó. Thái độ lấn át trắng trợn của Trung Quốc có thể đưa tới nguy cơ mất nước. Giới lãnh đạo Việt Nam phải biết cách “dân tộc hóa” đất nước, dựa vào nội lực của đất nước để giải quyết vấn đề này.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn đã dành thời gian và ý kiến đóng góp cho chương trình.

Các bạn nghe đài ủng hộ hay phản đối quan điểm của các bạn trẻ tham gia chương trình? Xin hãy chia sẻ ý kiến với chúng tôi ngay bên dưới bài này hoặc trên trang Facebook của VOA. Tạp chí Thanh niên xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý thính giả trong một câu chuyện mới vào giờ này, tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG