Đường dẫn truy cập

Vấn nạn ‘đặc sản tiểu hổ’ ở Việt Nam: Lo ngại nguy cơ nguồn dịch như Vũ Hán


Một nhà hàng bán thịt chó, mèo ở Việt Nam. Đặc sản thịt mèo, còn gọi là "tiểu hổ" đã khiến hoạt động buôn bán mèo trở nên lan rộng trên khắp Việt Nam, gây lo ngại về việc trở thành nguồn lây nhiễm những đại dịch như COVID-19 trong tương lai. (Photo by FOUR PAWS)
Một nhà hàng bán thịt chó, mèo ở Việt Nam. Đặc sản thịt mèo, còn gọi là "tiểu hổ" đã khiến hoạt động buôn bán mèo trở nên lan rộng trên khắp Việt Nam, gây lo ngại về việc trở thành nguồn lây nhiễm những đại dịch như COVID-19 trong tương lai. (Photo by FOUR PAWS)

Một báo cáo mới của FOUR PAWS và Change For Animals Foundation tiết lộ quy mô buôn bán thịt mèo lớn ở Việt Nam, với số lượng lên tới khoảng một triệu con mèo bị giết mổ mỗi năm. Đại dịch COVID-19 hiện đang hoành hành trên toàn thế giới cho thấy một thực tế về sự nguy hiểm của việc buôn bán động vật sống và hoạt động này đang lan khắp Việt Nam, gây lo ngại về nguy cơ trở thành nguồn gốc cho những đại dịch như virus corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Mèo, dù đang trở thành những con thú cưng được yêu thích ở Việt Nam, lại là một món ăn được ưa chuộng và vấn nạn “đặc sản tiểu hổ” trên khắp Việt Nam đang khiến nhiều người ngày càng lo sợ những ‘người bạn đồng hành’ yêu quý của họ sẽ bị đánh cắp và bị giết lấy thịt phục vụ cho các món ăn trong các nhà hàng.

“Mèo bị đánh cắp trên đường phố và thậm chí từ các nhà dân, sau đó bị buôn bán trên khắp đất nước (Việt Nam) trước khi bị giết một cách dã man,” Josef Pfabigan, CEO của tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu, FOUR PAWS có trụ sở ở Áo, cho biết. “Hàng nghìn con mèo biến mất mỗi ngày do bị đánh cắp tràn lan và các gia đình có mèo bị đánh cắp thường tìm kiếm thú cưng của họ một cách vô vọng trong các nhà giết mổ bẩn thỉu và trong các nhà hàng.”

Nhiều người ở Việt Nam nuôi mèo rất lo ngại thú cưng của mình sẽ bị đánh cắp để giết thịt khi nhiều nhà hàng phục vụ các món làm từ thịt mèo.
Nguyễn Thanh Giang, người dân


Cuộc điều tra của hai tổ chức, gồm cả quỹ thay đổi vì động vật Change For Animals Foundation (CFAF) có trụ sở ở Anh, vừa được công bố trong tháng 8 cho biết có đến khoảng 1 triệu con mèo bị buôn bán mỗi năm ở Việt Nam, và theo ông Pfabigan, việc đánh cắp và giết mổ mèo gây nên làn sóng phản đối ngày càng tăng cao ở quốc gia Đông Nam Á đối với việc buôn bán thịt mèo.

“Nhiều người ở Việt Nam nuôi mèo rất lo ngại thú cưng của mình sẽ bị đánh cắp để giết thịt khi nhiều nhà hàng phục vụ các món làm từ thịt mèo,” chị Nguyễn Thanh Giang, một chủ nhân nuôi mèo làm thú cưng trong nhà cho biết.

‘Đặc sản’ và ‘chữa bệnh’

Thực đơn thịt mèo tại một nhà hàng ở Việt Nam. (Photo by FOUR PAWS)
Thực đơn thịt mèo tại một nhà hàng ở Việt Nam. (Photo by FOUR PAWS)

Việc giết mổ và tiêu thụ mèo là bất hợp pháp ở Việt Nam cho đến đầu năm nay. Luật cấm giết mổ và tiêu thụ mèo bị thu hồi vào tháng 1 vừa qua, cộng với như cầu thịt mèo tăng cao đã khiến món ‘đặc sản tiểu hổ’ vốn phổ biến ở miền Bắc lan rộng ra các vùng khác và đến tận TP Hồ Chí Minh, theo điều tra của FOUR PAWS và CFAF.

Các cuộc điều tra này cho thấy Hà Nội và Thái Bình là những điểm nóng về thịt mèo ở Việt Nam, với mạng lưới rộng lớn bao gồm hàng trăm nhà hàng, khu vực nuôi nhốt và lò mổ.

Theo các tổ chức này, ở Việt Nam không có trang trại nào nuôi mèo để chuyên lấy thịt.

“Tại các cửa hàng, chúng tôi phát hiện ra nhiều con mèo có đeo vòng cổ, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng là vật nuôi,” theo Tiến sỹ Khatherin Polak, bác sỹ thú y và là người dẫn đầu Chiến dịch Chăm sóc Động vật đi lạc của FOUR PAWS ở Đông Nam Á. “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đã gặp nhiều chủ vật nuôi đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng những con mèo bị đánh cắp của họ.”

Hà Nội và Thái Bình là những điểm nóng về thịt mèo ở Việt Nam, với mạng lưới rộng lớn bao gồm hàng trăm nhà hàng, khu vực nuôi nhốt và lò mổ.
Báo cáo của FOUR PAWS và CFAF


Kinh doanh thịt mèo được cho là luôn có lãi. Một con mèo sống được bán với giá khoảng 150.000 đồng/kg nhưng một kg thịt của chúng có giá lên tới 260.000 đồng.

Theo báo cáo vừa được công bố của FOUR PAWS và CFAF, mèo đen còn có giá cao hơn nhiều vì được cho là có tác dụng chữa bệnh. Các thương nhân bán mèo đen sống với giá 200.000 đồng/kg và thịt sống của chúng được bán với giá 500.000 đồng/kg. Một số người tin rằng ăn thịt mèo đen có tác dụng chữa bệnh, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào cho việc này.

Việc tiêu thụ mèo cũng tăng cao trong thời gian đại dịch COVID-19 thông qua các ứng dụng giao hàng thực phẩm trên điện thoại ở Việt Nam và theo điều tra của FOUR PAWS, nhiều người được khuyến khích ăn thịt mèo vì cho rằng nó giúp ngăn ngừa virus corona.

Một đại diện của tổ chức World Protection for Dogs and Cats in the Meat Trade có trụ sở ở Anh, không muốn nêu tên, nói với VOA rằng những nhà hoạt động và các nhân viên tình nguyện tham gia chiến dịch bảo vệ chó mèo của họ ở Việt Nam báo cáo và gửi cho họ các hình ảnh và thông tin về nhiều trường hợp giết mổ mèo nấu cao và làm thuốc bổ. Những thương nhân đã giao bán các sản phẩm cao và thuốc bổ từ thịt mèo, nhất là mèo đen, trên mạng ở Việt Nam với “nhiều lợi ích cho sức khoẻ” bao gồm “chữa virus corona.” Tổ chức này nói đây “chắc chắn là một huyền thoại khác được quảng bá bởi những thương nhân vô đạo đức” tìm cách làm giàu từ hoạt động buôn bán này.

Nguy cơ đại dịch tương lai

Những tấm thông báo tìm mèo bị mất của các chủ nhân ở Việt Nam. (Photo by FOUR PAWS)
Những tấm thông báo tìm mèo bị mất của các chủ nhân ở Việt Nam. (Photo by FOUR PAWS)

Dù vẫn còn là một món ăn đặc sản ở Việt Nam, nhưng hồi tháng 9/2018 lãnh đạo thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân thủ đô từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo. Văn bản mà UBNDTP Hà Nội đưa ra cho rằng việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo “gây ra những hình ảnh phản cảm” đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội.

Những thương nhân đã giao bán các sản phẩm cao và thuốc bổ từ thịt mèo, nhất là mèo đen, trên mạng ở Việt Nam với “nhiều lợi ích cho sức khoẻ” bao gồm “chữa virus corona.”
Đại diện của World Protection for Dogs and Cats Meat Trade


Báo cáo của FOUR PAWS và CFAF cho biết 90% khách du lịch được hỏi cho rằng việc các công ty lữ hành nghiêm túc đối với phúc lợi của động vật là quan trọng đối với họ. Nhưng hơn thế, báo cáo này đưa ra cảnh báo về những lo ngại cho sức khoẻ từ các hoạt động buôn bán mèo và nguy cơ trở thành nguồn lây nhiễm các đại dịch tương tự như COVID-19 trong tương lai.

“Đại dịch COVID-19 gần đây đã trở thành một hiện thực rõ ràng về sự nguy hiểm của việc buôn bán động vật sống,” báo cáo nói và nhận định rằng các điều kiện nuôi giữ động vật “chật chội và mất vệ sinh” được thấy ở Vũ Hán, nơi có thể là nguồn gốc của COVID-19, là “môi trường lý tưởng cho sự xuất hiện của virus mới” và nó tương đồng với những gì được ghi nhận trong các hoạt động buôn bán thịt mèo ở Việt Nam.

Cho đến nay nguồn gốc thực sự của đại dịch virus corona vẫn chưa được tìm ra nhưng ban đầu nó được cho là lây lan từ động vật hoang dã, xuất phát từ một chợ bán động vật tươi sống ở Vũ Hán.

“Đáng buồn thay, bất chấp những nguy hiểm và rủi ro cho sức khoẻ mà việc buôn bán thịt mèo có thể gây ra, cuộc điều tra của chúng tôi đã cho thấy rằng việc buôn bán này đang lan rộng khắp Việt Nam,” CEO của FOUR PAWS nói.

Hai tổ chức phúc lợi động vật quốc tế FOUR PAWS và CFAF kêu gọi chính phủ Việt Nam khôi phục các luật trước đây, nghiêm cấm việc buôn bán thịt mèo, đồng thời thực thi và củng cố các luật hiện hành để bảo vệ sức khoẻ con người và động vật, cũng như bảo vệ vật nuôi của người dân không bị đánh cắp.

Tháng 9/2018, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm giết mổ chó, mèo để ăn thịt dù tập tục này vẫn còn hợp pháp tại 44 tiểu bang của Hoa Kỳ. Theo luật này, người vi phạm sẽ bị phạt tối đa 5.000 USD. Bên cạnh đó, Hạ viện Mỹ cũng thông qua một nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam, chấm dứt tình trạng mua bán thịt chó, mèo.

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất ở châu Á và ngành buôn bán động vật hoang dã ở quốc gia Đông Nam Á này – cả hợp pháp và bất hợp pháp – được cho là trị giá hàng tỷ đô la.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, để giảm thiểu nguy cơ bùng phát các đại dịch tương tự trong tương lai, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành một chỉ thị hồi tháng trước trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã cho đến khi có chỉ thị mới và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật.

VOA Express

XS
SM
MD
LG