Đường dẫn truy cập

Văn hoá khẩu trang thời COVID-19: Người Mỹ sẽ theo chân người Việt?


Một người dân đi bộ qua một chiếc khẩu trang dùng để bảo vệ khỏi virus corona rơi trên đường phố New York ngay bên ngoài Toà tháp Trump, hôm 14/3. Trong khi đeo khẩu trang là điều bắt buộc ở Việt Nam thì điều này không được khuyến khích ở Mỹ trong thời gian dịch COVID-19.
Một người dân đi bộ qua một chiếc khẩu trang dùng để bảo vệ khỏi virus corona rơi trên đường phố New York ngay bên ngoài Toà tháp Trump, hôm 14/3. Trong khi đeo khẩu trang là điều bắt buộc ở Việt Nam thì điều này không được khuyến khích ở Mỹ trong thời gian dịch COVID-19.

Trong khi đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng là điều bị bắt buộc ở Việt Nam thời gian này thì ở Mỹ, đeo khẩu trang khi hoàn toàn khoẻ mạnh lại không được khuyến khích và thậm chí trở thành hành động không được chấp nhận trong xã hội.

Dù Mỹ còn đang xem xét liệu đeo khẩu trang có giúp giảm thiểu lây nhiễm virus corona trong cộng đồng hay không thì chính phủ Việt Nam coi đây là biện pháp bắt buộc, cùng với khai báo y tế, cách ly tập trung hoặc tại nhà, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Từ 16/3, mọi người dân và cả các khách du lịch ở Việt Nam phải đeo khẩu trang tại nơi đông người. Mức phạt cho những người không thực hiện chỉ thị này của chính phủ có thể lên tới hàng trăm nghìn đồng.

VOA chứng kiến một phụ nữ bị giới chức quận Hoàn Kiếm phạt 200.000 đồng vì không đeo khẩu trang và một người đàn ông bị tài xế và phụ xe buýt trên một tuyến đường ở Hà Nội từ chối không cho lên xe vì không đeo khẩu trang.

Công ty chứng khoán Ngân hàng Quân Đội ở Hà Nội đã khuyến khích nhân viên đeo khẩu trang bằng cách trừ thưởng những người không thực hiện việc này tại nơi làm việc, theo Nguyễn Thanh Hương, một nhân viên của công ty cho biết.

Các điểm giao dịch ngân hàng, hiệu thuốc và nhiều cửa hàng ở Hà Nội, theo quan sát của VOA trong những tuần qua, đều dán biển yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang trước khi vào giao dịch.

Việt Nam là một trong số những quốc gia có mức lây nhiễm virus corona thấp nhất thế giới, với 207 người tính đến ngày 1/4, và theo Bộ Y tế ở Hà Nội cho biết, không có ca tử vong nào liên quan đến căn bệnh này.

Trong khi đó Mỹ, nơi đã trở thành tâm dịch của thế giới với gần 190.000 ca nhiễm và gần 4.000 người tử vong, đeo khẩu trang có thể là một hành động bị kỳ thị. Theo truyền thông Mỹ, nhiều người gốc Á ở Mỹ đã bắt gặp những cái nhìn thiếu thiện cảm, bị tránh xa hoặc thậm chí bị nhổ nước bọt khi họ đeo khẩu trang nơi công cộng.

“Tôi hoàn toàn không nghi ngờ về việc một số người châu Á gặp phải thái độ thù địch vì đeo khẩu trang vì nhiều người Mỹ rất thiếu hiểu biết, mù quáng, đề cao chủ nghĩa dân tộc, và hành xử đáng hổ thẹn,” Kim Fellner, một cư dân ở Washington DC nói với VOA. “Việc Tổng thống Trump gọi virus này là ‘virus Trung Quốc” càng làm cho những người đó thấy được phép hành xử như vậy.”

Quan niệm khác biệt

Theo truyền thống, các xã hội phương Tây tin rằng chỉ những người bị nhiễm bệnh mới đeo khẩu trang vì họ có thể phát tán vi khuẩn, còn người khoẻ mạnh thì không cần thiết làm như vậy,” Phó giáo sư Xi Chen của khoa Y đại học Yale nói với Nikkei Asian Review.

Trước khi có dịch COVID-19, người Việt Nam, và châu Á nói chung, thường đeo khẩu trang để tránh khói bụi và ô nhiễm cũng như bảo vệ mình và người xung quanh khi bị bệnh. Trong thời gian bùng phát dịch, đây là biện pháp mà Việt Nam cho là hiệu quả để tránh lây nhiễm được nhiều lãnh đạo và truyền thông trong nước tuyên truyền. Các quan chức Việt Nam thường được thấy xuất hiện đeo khẩu trang trong các cuộc họp mà báo chí đưa tin.

Còn ở Mỹ, Tổng Y sỹ Jerome Adams từng khuyến cáo trên Twitter rằng: “Mọi người hãy ngừng mua khẩu trang đi!” và ông cho rằng nó “không có hiệu quả trong việc phòng ngừa cộng đồng nhiễm virus.”

Bà Fellner nói với VOA rằng những khuyến cáo về việc đeo khẩu trang của các giới chức và chuyên gia Mỹ “không nhất quán” và theo bà gần đây đã có những tin tức tên truyền thông Mỹ cho rằng đeo khẩu trang có thể giúp bảo vệ khỏi lây nhiễm virus.

Bà Kim và ông Ron Caver, một cư dân của Maryland, đều nói rằng họ thấy không cần thiết phải đeo khẩu trang khi đi bộ ngoài đường và không tiếp xúc với ai nhưng họ thấy đeo khẩu trang khi vào những nơi như siêu thị, cửa hàng, và trên các phương tiện công cộng nơi có thể tiếp xúc gần với mọi người.

Tờ Washington Post có trụ sở ở Washington DC hôm 30/3 đưa ra câu hỏi rằng “Liệu chúng ta có nên đeo khẩu trang?” và câu hỏi này đang được các giới chức Mỹ xem xét.

Giữa lúc con số ca lây nhiễm tăng chóng mặt ở Mỹ trong thời gian gần đây thì theo truyền thông Mỹ, Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh (CDC) đang cân nhắc để trong những ngày tới có thể khuyến cáo người dân có các biện pháp che mặt khi đi ra đường giữa mùa dịch virus corona.

Robert Redfield, giám đốc CDC, từng nói rằng: “Không” khi được hỏi liệu người dân có nên đeo khẩu trang không tại một buổi họp với các nhà lập pháp Mỹ, nay đã không chắc chắn về điều đó. Ông nói với đài NPR rằng CDC đang xem lại các hướng dẫn và có thể khuyến cáo công chúng sử dụng khẩu trang để tránh lây nhiễm cộng đồng.

Việc đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm COVID-19 đã được áp dụng ở hầu hết các nước châu Á – gồm cả Hong Kong, Đài Loan và Nhật Bản, nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp trên thế giới. Và ông Redfield nói rằng một trong những lý do mà CDC xem xét khuyến cáo người dân Mỹ đeo khẩu trang là vì đã có sự lây nhiễm từ những người không có triệu chứng bệnh.

Sự khác biệt về nhận thức trong việc đeo khẩu trang giữa phương đông và phương tây còn bắt nguồn một phần từ các chuẩn mực văn hoá trong việc che mặt, theo một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nhân văn và Y học thuộc trường Đại học Hong Kong, Ria Shinha, cho tạp chí TIME biết. “Trong các tương tác xã hội ở phương Tây, bạn cần phải thể hiện danh tính và giao tiếp bằng mắt. Các biểu cảm trên khuôn mặt là rất quan trọng.”

Được hỏi liệu văn hoá đeo khẩu trang của người châu Á, bao gồm cả Việt Nam, có nên được phổ biến ở Mỹ trong thời gian dịch bệnh này hay không, ông Caver nói rằng “Chắc chắn là nên.” Còn bà Kim cho rằng ở Mỹ, mọi người chưa có thói quen đeo khẩu trang để phòng tránh nhưng điều này có thể thay đổi sau dịch bệnh COVID-19.

VOA Express

XS
SM
MD
LG