Đường dẫn truy cập

Một năm đầy xáo trộn gây căng thẳng cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Pakistan


Người Pakistan biểu tình lên án vụ sát hại nhà lãnh đạo al-Qaida Osama bin Laden ở Multan, Pakistan, 6/5/2011
Người Pakistan biểu tình lên án vụ sát hại nhà lãnh đạo al-Qaida Osama bin Laden ở Multan, Pakistan, 6/5/2011

Pakistan và Hoa Kỳ giữ được mối quan hệ đối tác chiến lược trọng yếu trong 10 năm qua dù có những căng thẳng về cuộc chiến tại Afghanistan và việc Hoa Kỳ nghi ngờ Islamabad có quan hệ với những tổ chức chủ chiến.

Tuy nhiên năm qua là năm đặc biệt khó khăn đối với hai nước đồng minh này.

Sự suy thoái trong mối liên hệ vốn dĩ đã mong manh bắt đầu vào tháng Giêng năm nay khi cảnh sát Lahore bắt giữ ông Raymond Davis, một nhân viên khế ước dân sự làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ vì đã giết hai người Pakistan.

Ông Davis cho rằng ông hành động để tự vệ và cuối cùng ông được trả tự do. Tuy nhiên, biến cố này làm dấy lên những chỉ trích của công chúng đối với chính phủ Pakistan về việc giám sát những nhân viên khế ước của CIA.

Trước khi nứt rạn được hàn gắn, lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ thực hiện một cuộc đột kích đơn phương và hạ sát trùm khủng bố al-Qaida Osama bin Laden đang lẩn trốn tại Abbottabad, một thành phố có nhiều căn cứ quân sự của Pakistan.

Cuộc đột kích bí mật vào tháng Năm đã làm cho mối liên hệ giữa hai nước xuống tới một mức thấp mới. Những nhà lãnh đạo của Pakistan đã phẫn nộ, như Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Salman Bashir, chỉ trích cuộc đột kích này như là một vụ tấn công vào chủ quyền của Pakistan.

Ông Bashir nói: “Sự kiện cho thấy là quân đội Pakistan không được tham khảo ý kiến, không được biết gì cả.”

Về phần Hoa Kỳ, các giới chức Mỹ nêu nghi vấn làm thế nào kẻ bị truy nã hàng đầu trên thế giới lại không bị phát hiện trong nhiều năm, sống khơi khơi gần một căn cứ quân sự rộng lớn của Pakistan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton thăm Islamabad vài ngày sau vụ đột kích của Hoa Kỳ tại Abbottabad để nói với Pakistan về phương thức tiến tới cho hai quốc gia tăng cường những nỗ lực chung chống lại khủng bố.

Bà Clinton nói: “Hoa Kỳ và Pakistan đã làm việc với nhau để giết và bắt nhiều phần tử khủng bố trên đất Pakistan. Việc này không thể nào thực hiện được nếu không có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai chính phủ chúng ta, quân đội chúng ta và các cơ quan tình báo của chúng ta. Tuy nhiên cả hai nước đều công nhận là vẫn còn nhiều điều cấp bách cần làm.”

Quân đội Pakistan đầy quyền lực đã phải chịu áp lực mãnh liệt trong nước vì đã không phát hiện được lãnh tụ al-Qaida cũng như vụ đột kích của Hoa Kỳ hạ sát ông ta.

Đáp lại, quân đội Pakistan ra lệnh cho các huấn luyện viên quân sự Hoa Kỳ rời khỏi Pakistan và thắt chặt những hạn chế visa đối với nhân viên Hoa Kỳ. Đổi lại, Hoa Kỳ liên kết hàng tỉ đô la viện trợ tài chánh với việc cải thiện sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Vào cuối tháng 11, mối quan hệ giữa hai nước lại bị giáng thêm một đòn nữa khi những cuộc không kích của NATO vào những đồn bót trên biên giới Pakistan làm 24 binh sĩ nước này thiệt mạng. Pakistan đóng cửa biên giới, không cho các đoàn xe tiếp tế cho lực lượng quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo vào Afghanistan, trục xuất các nhân viên Hoa Kỳ tại một căn cứ không quân được sử dụng cho các cuộc tấn công của máy bay không người lái, và tẩy chay một hội nghị quốc tế tổ chức tại Đức để thảo luận về tương lai Afghanistan.

Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Hina Rabbani Khar nói Quốc hội hiện đang duyệt xét lại sự hợp tác của Pakistan với Hoa Kỳ.

Bà Khar nói: “Tôi nghĩ một trong những lý do chính tại sao năm nay là một năm xấu vì có nhiều điểm không minh bạch, thiếu thành thật trong mối quan hệ này.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan Cameron Munter đồng ý với nhận xét của bà Khar là năm 2011 là một năm rất khó khăn.

Đại sứ Munter nói: “Cách hay nhất đối với chúng ta là đối phó với những khó khăn bằng cách thành thật với nhau và nỗ lực tiếp xúc nhiều hơn chứ không phải ít hơn, làm việc với nhau để thảo luận về những vấn đề chúng ta gặp phải và sẽ chứng kiến một năm 2012 tốt đẹp hơn.”

Dù có những tình huống chính trị căng thẳng trong suốt năm, những chương trình giáo dục và văn hoá được tiếp tục để nỗ lực hàn gắn những khác biệt xuyên qua những tiếp xúc cá nhân nhiều hơn.

Tuy nhiên người ta vẫn chưa biết được là áp dụng loại chính sách ngoại giao quần chúng này có thể nào giúp hai quốc gia vượt qua được những tranh chấp chính trị sâu sắc giữa 2 nước hay không.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG