Đường dẫn truy cập

Mỹ, đồng minh tăng cường các biện pháp chế tài Iran


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton (trái) và Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner nói về lệnh trừng phạt mới đối với Iran tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, ngày 21/11/2011
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton (trái) và Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner nói về lệnh trừng phạt mới đối với Iran tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, ngày 21/11/2011

Hôm qua, Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh chính đã siết chặt thêm các biện pháp chế tài kinh tế đối với Iran nhằm làm áp lực buộc Tehran chấm dứt tham vọng hạt nhân mà nước này bị nghi ngờ. Anh và Canada đã tham gia quyết định của Hoa Kỳ, trong khi các nước châu Âu khác cũng hoạch định các biện pháp trừng phạt. Từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thông tín viên VOA David Gollust ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Các hành động phối hợp là một biểu hiện cho quyết tâm trước một báo cáo hồi đầu tháng này của Cơ quan Hạt nhân Liên Hiệp Quốc nêu ra những quan ngại nghiêm trọng rằng Iran đang mưu tìm thủ đắc vũ khí hạt nhân, mặc dầu vẫn phủ nhận điều đó.

Tại một cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, loan báo một sự tăng cường quan trọng các biện pháp chế tài vốn đã áp dụng trong nhiều lãnh vực có liên quan đến hạt nhân đối với Tehran.

Một sắc lệnh do Tổng thống Obama ký hôm qua siết chặt các biện pháp chế tài đối với công nghiệp hóa dầu của Iran và hạn chế thêm khả năng của Tehran trong việc thủ đắc các thiết bị cần thiết để duy trì sản xuất dầu khí.

Một danh sách đen của Hoa Kỳ liệt kê các công ty và cá nhân của Iran hỗ trợ cho chương trình tinh chế uranium của nước này đang được mở rộng thêm. Và Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định ngân hàng trung ương Iran là “một mối quan tâm chính về rửa tiền” – một quyết định sẽ gây trở ngại lớn cho ngoại thương của Iran.

Bà Clinton nói rằng các biện pháp chế tài hiện hành vốn đã có tác động “đáng kể” đối với nền kinh tế của Iran và xác nhận rằng sẽ vận dụng thêm áp lực.

Bà Clinton nói: “Tác động sẽ chỉ tăng thêm trừ phi các nhà lãnh đạo Iran quyết định chuyển hướng và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. Và tôi xin nói rõ rằng các biện pháp hôm nay sẽ chưa phải là tận cùng của các cơ hội chế tài Iran. Chúng tôi tiếp tục tích cực cứu xét một loạt các biện pháp ngày càng gắt gao hơn.”

Ông Geithner nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc định danh rửa tiền, đã được cho phép theo Bộ luật Yêu nước chống khủng bố do Quốc Hội thông qua sau các vụ tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ năm 2001.

Ông nói mặc dầu không đi đến chỗ cấm chỉ tất cả mọi giao dịch với ngân hàng trung ương của Iran, việc định danh này sẽ tác động đến các giao dịch nước ngoài với Iran trong tất cả mọi lãnh vực.

Ông Geithner nói: “Nếu là một cơ sở tài chính ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà anh tham gia vào bất kỳ giao dịch nào có liên quan đến ngân hàng trung ương Iran hay bất kỳ ngân hàng nào của Iran hoạt động bên trong hay bên ngoài Itan, thì có nguy cơ là anh hỗ trợ cho các hoạt động bất hợp pháp của Iran – theo đuổi vũ khí hạt nhân, ủng hộ khủng bố và cố gắng lường gạt các cơ sở tài chính có trách nhiệm và tránh né các biện pháp chế tài.”

Bà Clinton nói Hoa Kỳ vẫn cam kết với một sách lược “song hành” bao gồm việc tiếp xúc ngoại giao với Iran, như cho đến nay có “rất ít dấu hiệu” cho thấy Iran nghiêm túc trong các cuộc thương nghị về chương trình hạt nhân của họ.

Trong một thông cáo bằng văn bản, Tổng thống Obama lập lại rằng chính quyền của ông “sẵn sàng mở một chương mới” với Iran, nhưng rằng Tehran “đã chọn con đường cô lập đối với quốc tế.”

Vài giờ trước thông báo của Hoa Kỳ, chính phủ Anh đã ra lệnh cho các cơ quan tài chính Anh chấm dứt mọi giao dịch với tất cả các ngân hàng của Iran, kể cả ngân hàng trung ương. Canada cũng áp dụng biện pháp tương tự và loan báo lệnh tức thời cấm nhập khẩu mọi hàng hóa cho công nghiệp dầu khí của Iran.

Liên Hiệp châu Âu đang sẵn sàng loan báo các biện pháp chế tài mới quan trọng đối với Iran ngay từ ngày hôm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG