Đường dẫn truy cập

Mỹ lo ngại các công ty TQ hỗ trợ chương trình hạt nhân của Iran


Nhân viên làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr gần thành phố cảng Bushehr ở miền nam Iran
Nhân viên làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr gần thành phố cảng Bushehr ở miền nam Iran

Báo Washington Post số ra ngày chủ nhật loan tin chính quyền của Tổng thống Obama đã trao cho Trung Quốc một danh sách quan trọng gồm các công ty và ngân hàng mà Hoa Kỳ cho là đang trợ giúp Iran cải tiến kỹ thuật phi đạn và các chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Diễn biến tiếp theo sự kiện hồi tuần trước một công ty thăm dò dầu khí của Nhật Bản được chính phủ hỗ trợ quyết định rút ra khỏi một dự án giếng dầu của Iran. Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Theo tin của báo Washington Post, Hoa Kỳ nghi ngờ nhiều công ty và các cơ chế cho vay tiền của Trung Quốc đang vi phạm các lệnh chế tài áp dụng đối với Iran. Một giới chức Hoa Kỳ không nêu danh tính nói với báo này rằng ông Robert Eihorn, cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách vấn đề kiểm soát và cấm phổ biến vũ khí, đã cung cấp danh sách vừa kể cho các giới chức Trung Quốc nhân một chuyến thăm Bắc Kinh trong tháng trước. Giới chức này cho biết tình báo Hoa Kỳ tin rằng các công ty và ngân hàng của Trung Quốc có can dự vào kỹ thuật bị hạn chế đối với Iran, nhất là đối với chương trình phi đạn của họ.

Báo Washington Post trích lời một giới chức khác cũng không nêu danh tính nói rằng các công ty Trung Quốc bị phát hiện bán chất liệu cho Iran có thể sử dụng để chế tạo các máy ly tâm tốt hơn. Đó là những máy dùng để tinh chế uranium, một tiến trình có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.

Bản tin được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ P.J. Crowley ca ngợi quyết định hôm thứ sáu tuần trước của công ty Inpex có trụ sở ở Nhật Bản rút khỏi một dự án giếng dầu ở Iran.

Ông Crowley nói: “Các quyết định của công ty nằm trong khuôn khổ một sự đồng thuận mạnh mẽ và đầy hứa hẹn, không những của các chính phủ, mà còn cả của khu vực tư nhân, và đã cùng nhau chuyển đi một tín hiệu quyết liệt và thống nhất cho Iran rằng nước này phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và bắt đầu giao tiếp một cách nghiêm túc về chương trình hạt nhân của họ. Quyết định của Inpex phù hợp với các biện pháp trong Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và các biện pháp chế tài mới đây của Nhật Bản đối với Iran mà, như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đã khẳng định hồi tháng trước, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế chống lại việc phổ biến và ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.”

Hôm 30 tháng 9, Hoa Kỳ đã loan báo rằng 4 công ty của châu Âu là ENI, State Oil, Shell và Total đã rút ra khỏi Iran. Ông Crowley cho biết đó là một dấu hiệu chứng tỏ các biện pháp chế tài đang có tác động lớn đối với Iran. Ông nói chính quyền của Tổng thống Obama tiếp tục theo đuổi một sách lược được gọi là song hành, vừa giao tiếp vừa làm áp lực, để giải quyết các mối quan ngại của toàn thế giới về chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Á châu của trường Đại học Temple ở Tokyo, nói ông không lấy làm lạ về quyết định của công ty Inpex:

Ông Dujarric cho biết: “Chính phủ Nhật Bản tính toán rằng họ không có lực chọn nào khác hơn là nghe theo một yêu cầu của Hoa Kỳ khi vấn đề có liên hệ tới Iran.”

Ông Dujarric coi đây là một sự nhượng bộ quan trọng của Nhật Bản trong tình hình nước này lệ thuộc nặng vào các nguồn dầu khí của nước ngoài cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Ông cũng nói rằng Inpex dứt khoát không có liên hệ gì với các chương trình hạt nhân hay kỹ thuật phi đạn của Iran.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG