Đường dẫn truy cập

Giới chức Hoa Kỳ: ‘Việt Nam đóng vai trò quan trọng tại châu Á’


Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun nói rằng 'một cột trụ rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là nhân quyền'.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun nói rằng 'một cột trụ rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là nhân quyền'.

Thưa quý vị, năm 2010 đánh dấu 15 năm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ trong bối cảnh Washington mạnh mẽ tăng cường ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương. Năm nay, Hoa Kỳ được đánh giá đã thể hiện vai trò ngoại giao của mình ở khu vực này với khẳng định của Ngoại trưởng Hillary Clinton về ‘quyền lợi quốc gia’ của Mỹ trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông. Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Joseph Yun, cho rằng tuyên bố từng khiến Trung Quốc mạnh mẽ phản ứng của bà Clinton đã ‘dẫn tới các cuộc họp mang tính đa phương’. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Ngoại trưởng Hillary Clinton hai lần công du tới Việt Nam trong năm 2010. Những chuyến thăm đó mang ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun:
Tôi đã tháp tùng bà Ngoại trưởng cả hai lần tới Hà Nội tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng Bảy và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á hơn hai tháng trước. Trong cả hai chuyến công du, bà đều dành thời gian đáng kể để trao đổi về các vấn đề liên quan tới Việt Nam. Bà đã gặp Thủ tướng và dĩ nhiên cả Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam để trao đổi về mối quan hệ Hà Nội – Washington.

Tôi cho rằng đó là chuyến công tác quan trọng, và cả bất thường nữa vì Ngoại trưởng Hoa Kỳ công du tới một địa điểm hai lần. Điều đó cho thấy chúng tôi đánh giá cao mối bang giao với Việt Nam, cũng như mong mỏi cải thiện mối quan hệ của chính phủ hai phía.

VOA: Hoa Kỳ đang mạnh mẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Á nhằm duy trì ảnh hưởng ở khu vực này. Vậy Washington nhận thấy Việt Nam có thể đóng vai trò gì trong tiến trình đó?

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun: Việt Nam đóng vai trò quan trọng ở châu Á. Đây là một đất nước nằm giữa khu vực chúng tôi gọi là Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Việt Nam cũng có đường lãnh hải dài và chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào hay Campuchia. Tôi cho rằng Việt Nam nằm ở một vị trí chiến lược.

Ngoài ra, quốc gia này cũng ở vị trí trung tâm của các hoạt động kinh tế diễn ra khắp châu Á. Vậy nên tôi cho rằng Việt Nam đã, đang và sẽ hưởng lợi từ sự trỗi dậy của các nước lớn ở khu vực này cũng như đóng vai trò hữu ích giữa các nước thuộc vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

VOA: Mối quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển nhanh sau 15 năm bình thường hóa quan hệ. Nhưng tại một cuộc hội thảo ở Trung tâm Đông Tây hồi tháng 11, ông nói rằng nhân quyền vẫn là một vấn đề gây trở ngại giữa hai nước. Chủ đề gây tranh cãi này ảnh hưởng ra sao tới mối quan hệ song phương, thưa ông?

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun: Khi phát biểu như vậy, tôi muốn nhấn mạnh rõ rằng một cột trụ rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là nhân quyền. Song hành cùng với yếu tố đó còn là dân chủ, sự tôn trọng và công nhận đối lập chính trị.

Đây là vấn đề chúng tôi không chỉ nêu lên đối với riêng Việt Nam mà còn với các nước khác trên thế giới. Đó là lý do tại sao chúng tôi lại tham gia các cuộc đối thoại về nhân quyền với Việt Nam.

Một trong các đồng nghiệp của tôi, ông Michael Posner, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động tới Hà Nội khoảng một tuần trước. Ông Posner cũng từng tham gia các cuộc đối thoại thường niên kiểu như vậy với nhiều nước như Trung Quốc chẳng hạn.

Vậy nên, chuyện đối thoại về nhân quyền không phải là điều gì đó bất thường. Đó là một cột trụ trong chính sách ngoại giao của chúng tôi, và đây là điều không thể bị bỏ qua. Hiện có các tù nhân chính trị ở Việt Nam và chúng tôi cho rằng nước này cần phải cởi mở hơn. Ngoài ra còn có quan ngại về chuyện tự do thờ phượng nữa tại đây.

Vậy nên có thể nói rằng nếu quan hệ cải thiện, thấu hiểu nhau hơn cũng như thực thi tốt hơn về nhân quyền, quyền hoạt động chính trị và không còn tù nhân chính trị thì lúc đó quan hệ song phương sẽ tốt hơn và sâu sắc hơn. Tôi không thấy có điều gì mâu thuẫn trong chuyện đó cả.

VOA: Ông từng nắm giữ vị trí Giám đốc Văn phòng Lãnh hải Đông Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Vậy theo đánh giá của ông, vấn đề tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) khó giải quyết đến mức nào?

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun: Biển Nam Trung Hoa là một vùng đại dương rộng lớn, trải dài từ Đông Bắc Á cho tới eo biển Malacca. Đây là một trung tâm giao thương, và các hoạt động kinh tế diễn ra tại đây là nguồn sống đối với nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc, Việt Nam hay nhiều quốc gia châu Á khác.

Vì thế, nếu xảy ra tình trạng căng thẳng ở biển Nam Trung Hoa, không chỉ có thương mại mà còn cả việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, hay hải sản) sẽ bị ảnh hưởng.

Khi đề cập tới vấn đề biển Nam Trung Hoa, mục tiêu của chúng tôi là muốn nhấn mạnh rằng nếu có các tuyên bố trái ngược về chủ quyền các hòn đảo, các tranh chấp này cần phải được thảo luận tại một diễn đàn đa phương để giải quyết thông qua đường lối ngoại giao, không gây căng thẳng và tránh gây xung đột bạo lực. Đó là mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi.

VOA: Nhưng thưa ông, Trung Quốc đã ‘giận dữ’ phản ứng trước tuyên bố của bà Clinton hồi tháng Bảy vừa qua tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ coi việc giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông là ‘quyền lợi quốc gia’. Ông nghĩ sao về hành động của Bắc Kinh?

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun: Tôi không nghĩ là tôi có cùng quan điểm cho rằng Trung Quốc đã ‘giận dữ’, bởi lẽ sau khi vấn đề này được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn An ninh Khu vực và các hội nghị sau đó như Diễn đàn Các bộ trưởng quốc phòng (ADMM+) cũng ở Hà Nội, tôi cho rằng đã có những tiến triển.

Lấy ví dụ, khi chúng ta đang nói chuyện ở đây, Trung Quốc đang gặp các quốc gia ASEAN tại Côn Minh trong khuôn khổ của hội nghị Trung Quốc – ASEAN về biển Nam Trung Hoa.

Tôi tin rằng việc chúng tôi đề cập tới chủ đề này đã dẫn tới các cuộc họp mang tính đa phương và theo đuổi đường lối giải quyết ngoại giao. Đây là cách thức nên được dùng để giải quyết vấn đề. Chúng tôi nêu lên một vấn đề gây quan ngại đối với chúng tôi và các bên phản ứng bằng cách tổ chức các cuộc họp sau đó. Tôi nghĩ đấy là một dấu hiệu tuyệt vời.

VOA: Thưa ông, mới đây, hãng tin AP của Hoa Kỳ nhận định rằng việc Trung Quốc cương quyết khẳng định chủ quyền lãnh hải đối với vùng biển Nam Trung Hoa và cả vùng biển Đông Trung Hoa đã khiến các nước trong vùng xích lại gần hơn với Washington. Ông nghĩ sao về ý kiến này, thưa ông?

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun: Đó là ý kiến riêng của hãng AP. Chúng tôi muốn có quan hệ tốt đẹp với các nước ASEAN cũng như với cả Trung Quốc nữa. Mối bang giao giữa Washington và Bắc Kinh mang tính đa diện, và không tập trung vào một vấn đề. Có thể thấy chúng tôi còn bất đồng về vấn đề tiền tệ, thương mại, sở hữu trí tuệ hay dân chủ và nhân quyền. Rất nhiều chuyện cùng lúc xảy ra.

Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc để đôi bên có thể trao đổi một cách cởi mở và thoải mái. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng muốn phát triển và tăng cường vị thế ở Đông Nam Á, mà minh chứng là Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tới đây sáu lần trong vòng hai năm qua, còn Tổng thống Obama cũng đã công du khu vực hai lần.

Tôi không cho rằng vấn đề tôi vừa nói không thể tương thích với nhau. Có đúng là vấn đề biển Đông đã đưa các nước ASEAN lại gần hơn với chúng tôi hay không, tôi không rõ. Có thể đúng, nhưng mục tiêu ở đây không phải là một cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà chúng tôi muốn bảo vệ lợi ích của mọi phía tại vùng biển tranh chấp này.

VOA: Trong một phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ về vấn đề phát triển bền vững và bảo đảm an ninh cho sông Mekong, ông nhận định rằng, xin trích, ‘thực tế không thể phủ nhận được rằng sẽ luôn có các tranh chấp quanh vấn đề nguồn nước’. Vậy Hoa Kỳ sẽ làm gì để giúp các nước trong khu vực hóa giải các căng thẳng có thể có trong tương lai?

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun: Tôi vẫn duy trì quan điểm đó, trong trường hợp nguồn nước đó được chia sẻ giữa hai nước trở lên. Rõ ràng, việc một nước quản lý vùng nước của riêng mình, một cái hồ trong lãnh thổ của mình, thì đó là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu lại phải dùng chung một cái hồ, một dòng sông hay một vùng đại dương nào đó, sẽ luôn nảy sinh tranh chấp.

Quan điểm của Hoa Kỳ là, các tranh chấp luôn xảy ra nhưng chúng cần phải được giải quyết hòa bình thông qua đường lối ngoại giao với trọng tâm là giữ vững ổn định. Đấy là chính sách kiên định của chúng tôi đối với các vấn đề như biển Nam Trung Hoa hay sông Mekong. Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ đóng vai trò hữu ích để giải quyết trong trường hợp xảy ra tranh chấp, nếu không điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới dân chúng. Đây là điều chúng tôi muốn tránh.

Cám ơn ông Joseph Yun. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG