Đường dẫn truy cập

Ông Cao Quang Ánh ‘buồn vì người Việt mất tiếng nói ở Quốc hội Mỹ’


Ông Cao Quang Ánh cho rằng 'cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, nhất là trên đất Mỹ, đã mất đi tiếng nói trong Quốc hội Hoa Kỳ'.
Ông Cao Quang Ánh cho rằng 'cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, nhất là trên đất Mỹ, đã mất đi tiếng nói trong Quốc hội Hoa Kỳ'.

Thưa quý vị, ông Cao Quang Ánh (Joseph Cao) sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng Giêng tới, sau hai năm trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội Hoa Kỳ. Trong cuộc trao đổi với Nguyễn Trung, ông Ánh cho biết, sau thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, ông sẽ ‘không tái tranh cử’ tại Địa hạt 2 thuộc Louisiana thêm một lần nữa, nhưng cân nhắc khả năng chạy đua cho ‘các chức vụ khác’ ở tiểu bang này. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Sắp rời nhiệm sở vào tháng Giêng này sau hai năm trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên làm việc tại Quốc hội Hoa Kỳ, cảm xúc của ông giờ ra sao?

Ông Cao Quang Ánh: Nói chung, phần lớn thì rất là buồn tại vì có những công việc tôi thấy chưa có đủ thì giờ để làm xong. Một trong các vấn đề mà tôi quan tâm nhất trong hai năm qua là về những sự tranh đấu cho tự do tôn giáo, tự do nhân quyền.

Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, nhất là trên đất Mỹ, đã mất đi tiếng nói trong Quốc hội Hoa Kỳ. Đó là một vấn đề tôi cũng rất là buồn.

VOA: Mới đây, ông đã đưa ra Quốc hội hai dự luật về tình hình nhân quyền Việt Nam, trong đó bao gồm nội dung hỗ trợ tài chính cũng như đào tạo và tái định cư cho người tị nạn. Vì sao ông lại mạnh mẽ thúc đẩy hai dự luật này trong những tuần lễ cuối cùng tại Hạ viện?

Ông Cao Quang Ánh: Đây là những dự luật mà tôi là người chủ bút, cho nên tôi thấy nếu mà được thông qua thì nó cũng hy vọng mang tới một sự thay đổi trong nước Việt Nam, nhất là dự luật Việt Nam Sanctions Bill. Đó là một sự luật mà tôi dựa trên ý kiến của ông Thượng nghị sĩ John McCain và ông Lieberman.

Hai người đã đưa ra một dự luật cũng giống như vậy đối với nước Iran. Thế nên, tôi thấy nếu tôi viết lại để áp dụng cho Việt Nam thì hy vọng nó dễ dàng thông qua Thượng viện hơn là Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam, vốn đã kẹt bao nhiêu năm trong Thượng viện Hoa Kỳ tại vì sự ủng hộ của ông John McCain cũng như ông John Kerry là không có.

VOA: Sau khi rời Quốc hội Hoa Kỳ, điều ông ghi nhớ nhất trong hai năm làm việc tại đây?

Ông Cao Quang Ánh: Điều mà tôi ghi nhớ nhất là những sự làm việc trong cộng đồng Việt Nam. Những vấn đề liên hệ tới tự do tôn giáo, tự do nhân quyền cũng giống như tất cả những việc mà tôi đã làm được để giúp cho những người ở trong địa hạt của tôi ở dưới tiểu bang Louisiana, nhất là việc cải tổ lại hệ thống FEMA (Cơ quan Quản lý Khẩn cấp liên bang) để phân phát tiền để xây dựng lại những cơ quan bị thiệt hại bởi trận bão Katrina. Ngoài ra, còn là những việc làm tôi giúp cho cộng đồng chúng ta liên quan tới vụ dầu loang ở ngoài biển do BP gây ra.

VOA: Thưa ông, công việc sắp tới của ông sẽ là gì, và liệu ông có tái tranh cử không?

Ông Cao Quang Ánh: Nếu mà để giành cái ghế của Địa hạt Hai lại thì có thể là không vì địa hạt này được luật pháp nó ‘vẽ’ cho một người da màu. Cho nên, nếu tôi có tranh cử lại, thì tôi nghĩ sẽ không có trong Địa hạt Hai.

Có thể là trong một địa hạt hoặc chức vụ nào khác như chức vụ Thượng nghị sĩ hay chức vụ cho tiểu bang. Nhưng mà tôi nghĩ (sẽ thực hiện những điều đó) vài năm nữa trong tương lai, chứ không ngay lập tức.

VOA: Được biết, hồi đầu năm 2010, ông đã có chuyến đi trở về Việt Nam. Chính quyền Hà Nội đón tiếp ông, một dân biểu Hoa Kỳ gốc Việt đầu tiên, ra sao, thưa ông?

Ông Cao Quang Ánh: Nói chung, chính phủ Việt Nam đón tiếp tôi cũng giống như đón tiếp những người dân biểu khác vì tôi có đi cùng ông dân biểu Mike Honda và ông Eni Faleomavega.

Chúng tôi cũng ngồi xuống nói chuyện về những vấn đề mà tôi quan tâm tới, nhất là về tự do tôn giáo và tự do nhân quyền. Và trong những buổi họp đó, cũng giống như những buổi họp mà chính quyền Mỹ có với quan chức Việt Nam, thì nhiều lúc cũng căng thẳng tại vì nói chung về tự do tôn giáo, tự do nhân quyền, thì chính quyền Việt Nam hiện tại chưa có muốn thay đổi. Đó là một sự tôi không đồng ý tới. Cho nên chắc chắn là trong những vấn đề bàn luận, nói chuyện, ở Việt Nam cũng có căng thẳng.

VOA: Là một người rời Việt Nam khi lên 8 lúc kết thúc Chiến tranh Việt Nam, ông nghĩ sao về tiến trình hòa giải dân tộc hậu chiến?

Ông Cao Quang Ánh:
Đối với vấn đề hòa giải dân tộc, đối với tôi, tôi không hiểu điều đó nghĩa là làm sao. Tôi chỉ biết là hiện tại, ở trong nước Việt Nam, cần nhiều sự thay đổi, nhất là về vấn đề tự do tôn giáo, tự do nhân quyền.

Tôi nghĩ là một ngày nào đó mà nước Việt Nam trở thành một nước tự do, tôn trọng hệ thống luật pháp, tôn trọng quyền lợi của người dân, thì ngày đó mọi người sẽ được một cái sự vui vẻ, và tôi thấy cái đó là cái sự tốt mà mọi người chúng ta phải chú ý tới.

VOA: Hồi tháng Sáu, ông đã lên tiếng khước từ đề nghị từ chính phủ Việt Nam về việc tổ chức một cuộc gặp với cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Khi nhận định về điều này, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Pete Peterson cho rằng ông làm như vậy vì một mục đích chính trị nào đó. Ông có đồng ý với quan điểm này không, thưa ông?

Ông Cao Quang Ánh: Việc làm chính trị thì đó là điều tôi cần phải nghĩ tới vì tôi là một chính trị gia. Tôi là người đại diện cho tiếng nói của 1,5 triệu người Mỹ gốc Việt trên đất Mỹ.

Cho nên đối với tôi, trong cái sự mà làm việc cùng với chính quyền Việt Nam thì chắc chắn cần phải có một sự chú ý tới môi trường chính trị ở trong cộng đồng Việt Nam của chúng ta ở đây cũng như là ở trong nước Việt Nam.

Cám ơn ông Cao Quang Ánh. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG