Đường dẫn truy cập

Giới chức Mỹ gặp lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi


Bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia trong phần lớn khoảng thời gian 20 năm qua
Bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia trong phần lớn khoảng thời gian 20 năm qua

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á đã hội kiến lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi của Miến Điện để thảo luận về kế hoạch bầu cử gây nhiều tranh cãi của chính quyền quân nhân. Từ Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf của đài chúng tôi tường thuật rằng ông Kurt Campbell cũng gặp gỡ các thành viên cao cấp của Liên minh Dân chủ Toàn quốc, là đảng vừa mới giải thể, cùng với các đại diện của chính phủ Miến Điện.

Ông Kurt Campbell đã gặp bà Aung San Suu Kyi tại một nhà khách chính phủ ở Rangoon. Người phụ nữ đoạt giải Nobel hòa bình này đã bị quản thúc tại gia trong phần lớn khoảng thời gian 20 năm qua.

Đôi bên đã thảo luận về cuộc bầu cử đầu tiên trong vòng 20 năm ở Miến Điện, dự kiến sẽ được tổ chức trong năm nay.

Những người chỉ trích nói rằng cuộc bầu cử này là một sự giàn dựng với mục đích để cho quân đội tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, một số nhân vật tranh đấu ở Miến Điện và các nhà phân tích tình hình khu vực nói rằng cuộc đầu phiếu này có thể là một bước tiến hướng tới cải cách chính trị.

Cuộc gặp gỡ hôm nay diễn ra vài ngày sau khi đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Suu Kyi bị giải tán dựa theo những luật lệ bầu cử khắc khe. Trước đó, ông Campbell đã họp với khoảng 10 thành viên của Liên minh Dân chủ Toàn quốc và những người này đã hối thúc Washington có thái độ cứng rắn đối với chính quyền Miến Điện.

Một thành viên cao cấp của nhóm này, ông Win Tin, nói rằng bà Suu Kyi ủng hộ lập trường của nhóm ông.

Ông Win nói: "Chúng tôi và bà Aung San Suu Kyi có quan điểm hầu như hoàn toàn giống nhau về tình hình chính trị Miến Điện lúc này. Vì vậy tôi nghĩ rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề là có những hoạt động chính trị và kinh tế cứng rắn chống lại chính quyền. Bà Suu Kyi chắc chắc là có quan điểm giống như chúng tôi."

Luật lệ mới về bầu cử đòi hỏi các đảng chính trị phải khai trừ những thành viên bị cầm tù, kể cả bà Aung San Suu Kyi, và phải tham gia cuộc bầu cử, nếu không sẽ bị giải tán.

Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã bác bỏ các yêu cầu đó và bị giải thể hôm thứ 6 vừa qua.

Một số cựu thành viên của đảng này đã lập một đảng mới, lấy tên là Lực lượng Dân chủ Toàn quốc, để dự tranh trong cuộc bầu cử sắp tới.

Một thành viên của Lực lượng, ông Maung Swe, nói với ông Campbell rằng đảng của ông nghĩ rằng cuộc bầu cử này tuy có khiếm khuyết nhưng là cách tốt nhất để thực thi thay đổi dân chủ.

Ông Swe cho biết: "Nếu chúng tôi không dự tranh trong cuộc bầu cử này, thì sẽ không có một lực lượng dân chủ trong quốc hội để xây dựng sức mạnh đối lập. Và như thế thì họ sẽ có thể làm tất cả mọi thứ mà họ muốn. Vì vậy cho nên chúng tôi chọn lựa việc tham gia bầu cử. Đây là cách duy nhất để chúng tôi dọn đường cho sự chuyển đổi sang thể dân chủ. Nhưng việc này không thể hoàn tất trong một sớm một chiều."

Đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã thắng trong cuộc bầu cử lần chót vào năm 1990, nhưng quân đội làm ngơ kết quả đó và bỏ tù hàng ngàn thành viên của đảng này. Chính quyền quân nhân cũng không ngớt sách nhiễu và đàn áp những người thuộc phe đối lập.

Ông Campbell cũng đã gặp gỡ các đại diện của chính phủ Miến Điện, tuy không gặp được người đứng đầu chính quyền quân nhân là Tướng Than Shwe.

Các giới chức quân đội chưa loan báo ngày bầu cử, nhưng quân đội đã được dành riêng hơn 1/4 số ghế đại biểu ở quốc hội, dựa theo hiến pháp mà họ ban hành năm 2008.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG