Đường dẫn truy cập

Phụ nữ nam Á cần được bảo vệ để tránh bạo hành


Một cô dâu còn trong tuổi vị thành niên ở Ấn Ðộ
Một cô dâu còn trong tuổi vị thành niên ở Ấn Ðộ

Những nhà hoạt động tranh đấu quốc tế nói rằng phụ nữ Nam Á cần phải được luật pháp bảo vệ để tránh khỏi bị những bạo hành từ ngay trong chính gia đình họ. Một phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc cho biết ngay cả ở những quốc gia có sẵn những luật lệ chống bạo hành trong gia đình, công lý vẫn không đến được với hàng triệu phụ nữ.

Bản phúc trình mang tựa đề “Theo đuổi công lý” nêu lên rằng chỉ có 4 quốc gia nam Á là Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh là có những luật lệ cụ thể ngăn cấm bạo hành trong gia đình.

Nhưng ngay cả ở những nước có luật lệ như vậy, theo các học giả cho biết, vì không hiểu rõ, vì cảnh ngộ nghèo khó và vì những thành kiến xã hội, những phụ nữ này thường không tìm đến các phương tiện luật pháp để yêu cầu che chở cho họ.

Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc, tổ chức được thành lập năm ngoái đặt trọng tâm vào việc theo đuổi bình đẳng giới tính và tăng thêm sức mạnh cho phụ nữ, đã nêu lên gần 90.000 vụ bạo hành trong gia đình trong năm 2009, chỉ nội ở Ấn độ không thôi.

Phúc trình cho hay 35% số người Ấn trả lời phỏng vấn nói rằng họ bị người trong gia đình hành hạ, đánh đập.

Bà Madhu Bala Nada là một cố vấn cao cấp về chính sách cho tổ chức Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc, lên tiếng:

”Chúng ta phải xét lại cái phương cách mà chúng ta vẫn theo đuổi từ trước đến nay coi gia đình là đơn vị bảo vệ cho phụ nữ.”

Bà Hina Jilani là một luật sư nổi tiếng và là người đồng sáng lập của Ủy Ban Nhân Quyền Pakistan. Bà đồng ý là các quốc gia Nam Á cần phải ngưng chỉ thái độ coi những vấn đề trong gia đình nằm ngoài hệ thống tư pháp.

Bà nói: ”Giờ đây gia đình đã biến thành nơi chốn của bạo động, nhắm vào phụ nữ và trẻ em nhiều nhất. Và người ta có nhiều nghi vấn về vai trò của gia đình được đề cao như những đơn vị căn bản của xã hội có trong những công cụ quốc tế về nhân quyền cũng như trong nhiều bản hiến pháp. Vì vậy tôi thấy cần phải nói là chúng ta phải xét lại toàn bộ ý nghĩa đó, và ngưng đề cao vai trò của gia đình trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em."

Phúc trình của tổ chức Phụ Nữ Liên Hiệp Quốc cho biết gần một nửa tất cả những phụ nữ được phỏng vấn tại Bangladesh báo cáo về những vụ bạo hành của người chồng. Nhân vật hoạt động tranh đấu cho quyền phụ nữ Bangldesh, bà Sultana Kamal nói rằng luật chống bạo hành trong gia đình của nước này chẳng có mấy hiệu quả trừ phi người ta phải có thái độ.

Bà nói: "Trong xã hội của chúng ta, người ta có thái độ chấp nhận bạo hành đối với phụ nữ, dù ra mặt hay ngấm ngầm. Đó là một thứ văn hóa không trừng phạt kẻ phạm tội. Cả xã hội cần phải đứng dậy và nói rằng không thể cứ tiếp tục tình trạng như thế được nữa."

Nhưng bà Lakshmi Puri, phụ tá Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc đặc trách bình đẳng giới tính và tiếp sức thêm cho nữ giới, nói rằng thông qua những đạo luật chống bạo hành gia đình có thể là một chất xúc tác tốt để thay đổi lề lối suy nghĩ của công chúng đã thành khuôn, thành nếp từ xưa đến nay.

Bà nói: "Khi có một đạo luật chống bạo hành gia đình, thì ngay cả trong gia đình, người ta nhận ra bạo hành không phải là chuyện tự nhiên, điều đó làm mạnh thêm cái ý niệm coi bạo hành trong gia đình nhắm vào phụ nữ và trẻ em là điều sai trái."

Bà Sapana Pradhan Malla, một thành viên trong quốc hội lập hiến Nepa, nói rằng luật lệ đã có để bảo vệ phụ nữ cần phải được thực thi.

Bà phát biểu: "Nói chung điều vẫn xảy ra trong nước chúng ta là chúng ta coi việc lạm dụng quyền bính quá đáng là một tội hình, lạm dụng quyền bính bị coi là một tội hình, nhưng chúng ta không qui kết tội hình sự cho những giới chức công quyền không chịu thực thi luật lệ. Vì thế chúng ta cần phải coi việc không thực thi luật lệ là một tội hình và buộc họ phải chịu trách nhiệm.

Các giới chức Liên Hiệp Quốc nói rằng có thêm nhiều phụ nữ trong hàng ngũ nhân viên thực thi công lực và tư pháp có thể giúp cho các nạn nhân bị bạo hành. Hiện nay tại Nam Á, phụ nữ chiếm 9% con số thẩm phán, 4% các nhân viên công tố và 3% cảnh sát viên.

Theo các chuyên gia thì gia tăng số phụ nữ trong những vị trí như vậy sẽ có hiệu quả hơn trong việc giúp phụ nữ Nam Á hiểu biết và hướng dẫn tiến trình tư pháp.

Rất nhiều phụ nữ ở khu vực này phải sống trong cảnh nghèo khó, mù chữ, không hay biết gì về những luật lệ và chương trình đã có để bảo vệ cho họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG