Đường dẫn truy cập

TT Biden: Chính sách đối ngoại thay đổi mạnh mẽ so với thời ông Trump


Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, 4/2/2021.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, 4/2/2021.

Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm 4/2 cam kết bắt đầu một kỷ nguyên mới về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh truyền thống và khẳng định rằng các hoạt động của Mỹ với các nước khác cần bắt đầu bằng nền ngoại giao có gốc rễ là “các giá trị dân chủ được trân trọng nhất” của Mỹ, USA Today và CNN tường thuật.

Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại trên cương vị tổng thống, theo USA Today và CNN, ông Biden nói rằng bảo vệ tự do, thúc đẩy cho cơ hội, duy trì các quyền phổ quát và tôn trọng pháp quyền là những yếu tố không thể thiếu được đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ và mang lại cho Mỹ "lợi thế vững chắc" trên vũ đài quốc tế.

“Tuy rằng khá nhiều trong số những giá trị đó đã chịu áp lực mạnh mẽ trong những năm gần đây, thậm chí bị đẩy đến bờ vực trong vài tuần qua, song người dân Mỹ sẽ quy tụ lại sau thực trạng đó và trở nên mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn và được trang bị tốt hơn để đoàn kết thế giới trong cuộc chiến đấu bảo vệ dân chủ - bởi vì chính chúng ta đã tự đấu tranh để giành được điều đó”, ông Biden nói tại Bộ Ngoại giao Mỹ, USA Today và CNN cho hay.

Cùng có mặt với ông Biden là Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Anthony Blinken.

Tổng thống Biden cảnh báo rằng Hoa Kỳ phải đối mặt với thời điểm đang có “sự gia tăng các thách thức toàn cầu” - từ đại dịch, đến khủng hoảng khí hậu, đến phổ biến hạt nhân - tất cả những điều này, theo lời ông Biden, sẽ chỉ có thể giải quyết được bằng cách là các quốc gia hợp tác với nhau, vẫn theo USA Today và CNN.

"Chúng ta không thể làm điều đó một cách đơn độc", ông nói.

Bài phát biểu của ông Biden đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ , rời khỏi học thuyết “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền của ông Donald Trump theo đuổi. Học thuyết đó đã tạo ra những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với một số đồng minh lâu năm.

David A. Andelman, nhà báo kỳ cựu và tác giả sách, viết trên CNN: “Những phác thảo đầu tiên về chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông Biden bắt đầu hiện ra. Nó hoàn toàn đảo ngược so với các chính sách của người tiền nhiệm”.

Khi còn là ứng cử viên, ông Biden thường nói về sự cần thiết phải thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới song song với việc xây dựng lại các liên minh truyền thống. Mới nhậm chức được hai tuần, ông đã thực hiện các bước để khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên trường quôc tế bằng cách tham gia hiệp định khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới, USA Today và CNN tường thuật.

Điều này thể hiện sự chuyển hướng đáng kể so với người tiền nhiệm. Ông Trump đã tìm cách loại bỏ hoàn toàn, hoặc ít ra cũng làm vô hiệu hóa, bất kỳ nỗ lực nào nhằm duy trì sự hiện diện của nước Mỹ dân chủ và nhất quán trên trường quốc tế, David A. Andelman, nhà báo kỳ cựu và tác giả sách, viết trên CNN.

Tuy nhiên, một cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar hồi đầu tuần này và việc lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny ở Nga kết án tù hơn hai năm sẽ thử thách vai trò lãnh đạo của chính quyền mới của Mỹ trên trường quốc tế.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực mà họ đã giành lấy và hãy trả tự do cho những nhà tranh đấu và nhà hoạt động mà họ giam giữ. Ông Biden cũng thúc giục Nga thả ông Navalny "ngay lập tức và không kèm theo điều kiện".

Từ phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden phát biểu về vấn đề di dân, 2/2/2021
Từ phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden phát biểu về vấn đề di dân, 2/2/2021

Trong bài phát biểu hôm thứ 4/2, Tổng thống Mỹ Biden nói thêm rằng "đã qua rồi những ngày tháng mà nước Mỹ làm ngơ đi khi đối mặt với việc Nga có những hành động gây hấn, can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, tấn công trên mạng, đầu độc công dân của họ".

Cũng trong bài phát biểu, ông Biden đề cập rằng ông sẵn sàng làm việc với Trung Quốc "khi việc đó phục vụ cho lợi ích của Mỹ". Tuy nhiên, chỉ có mỗi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo lớn trên thế giới mà ông Biden chưa liên lạc riêng.

Một ngày trước bài diễn văn của ông Biden, vào ngày 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chìa ra cành ô liu với lời phát biểu rằng chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục hướng đi căn cứ vào chính sách một Trung Quốc.

Điều này được xem là khó có thể làm cho Đài Loan hài lòng, ở đó, các nhà lãnh đạo Đài Loan hy vọng tiếp tục khẳng định một mức độ độc lập khỏi Trung Quốc đại lục và họ đã được lên tinh thần nhờ một món quà tặng sớm và có phần vội vã của ông Trump khi ông gọi điện thoại đến lãnh đạo Đài Loan ngay cả trước khi ông nhậm chức, một điều chưa từng có với các tổng thống Mỹ khác.

Ông Biden lưu ý trong bài diễn văn của mình rằng trong hai tuần qua, ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của nhiều đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, bao gồm Canada, Mexico, Vương quốc Anh, Đức và Pháp, để bắt đầu xây dựng các mối quan hệ mà theo ông là đã bị tổn hại do bốn năm bị bỏ bê và xem thường.

Ông Biden nói: “Các liên minh của Mỹ là một trong những tài sản lớn nhất của chúng ta, và lãnh đạo bằng ngoại giao có nghĩa là sát cánh cùng các đồng minh và đối tác quan trọng của chúng ta”.

Nhưng “lãnh đạo bằng ngoại giao cũng phải đồng nghĩa với việc là cùng hoạt động, tương tác với các địch thủ và các đối thủ của chúng ta về mặt ngoại giao ở những nơi, những lĩnh vực phục vụ cho lợi ích của chúng ta và nâng cao an ninh của người dân Mỹ”, Tổng thống Biden nói.

Ông Biden cũng tìm cách khích lệ tinh thần cho các công chức, viên chức dân sự của Mỹ, những người thường bị chính quyền trước đó công kích. Ông Trump chế nhạo nhiều công chức, viên chức dân sự, gọi họ là thành viên của "Nhà nước ngầm", mà ông Trump cho là luôn cố gắng làm suy yếu nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Trong một bài phát biểu riêng với các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng ông coi trọng công việc chuyên môn của họ và hứa sẽ luôn tin tưởng là họ sẽ làm tốt công việc của mình.

Ông nói: “Nước Mỹ đã quay trở lại, ngoại giao đã quay trở lại. Các bạn là trung tâm của tất cả những gì tôi định làm. Các bạn ở chính giữa”.

Ông cũng nói thêm: “Tôi tin tưởng vào các bạn. Chúng tôi rất cần các bạn. Tôi sẽ hỗ trợ các bạn".

Trong một động thái khác cho thấy bước ngoặt khỏi chính quyền tiền nhiệm, ông Biden dự kiến sẽ ký một loạt sắc lệnh mà trong đó có sắc lệnh sẽ bắt đầu quá trình tăng số lượng người tị nạn được phép nhập cư vào Mỹ và chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ đối với hoạt động quân sự do Ả rập Xê út đứng đầu ở Yemen.

"Cuộc chiến này phải kết thúc", ông Biden nói, đây là một sự đoạn tuyệt nữa đối với chính sách của ông Trump, người đã hết lòng ủng hộ các đồng minh Ả rập Xê út. Ông Trump đã chống lại những nỗ lực nhằm ngăn chặn vai trò của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến ở Yemen.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden lưu ý rằng việc tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở nước ngoài cũng đòi hỏi phải đối mặt trực tiếp với các vấn đề trong nước, bao gồm nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và "tai họa từ tư tưởng da trắng thượng đẳng".

Ông Biden nói Mỹ sẽ cạnh tranh từ vị thế có sức mạnh bằng cách xây dựng lại từ ngay ở trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đổi mới vai trò của mình trong các thể chế quốc tế và giành lại “uy tín và thẩm quyền đạo đức của chúng ta”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG