Đường dẫn truy cập

Trung Quốc bắt ký giả Cao Du về tội tiết lộ bí mật nhà nước


Bà Cao Du, một trong những nhà báo nổi tiếng ở Trung quốc
Bà Cao Du, một trong những nhà báo nổi tiếng ở Trung quốc
Hôm nay, giới hữu trách ở Trung Quốc cáo buộc ký giả và cũng là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Cao Du đã tiết lộ bí mật nhà nước. Quyết định này được đưa ra vài tuần trước kỷ niệm 25 năm ngày 4 tháng 6 năm 1989, khi chính phủ ra lệnh bắn người biểu tình ở trung tâm thành phố Bắc Minh. Các chuyên gia phân tích nói vụ bắt giữ này là để trả đũa cho các nhận định thẳng thừng của bà Gao về chính sự Trung Quốc và cuộc tranh đấu của bà nhân danh các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Rebecca Valli gửi về bài tường thuật sau đây.

Hôm thứ bảy tuần trước ở Bắc Kinh, bà Cao Du, 70 tuổi đã không có mặt tại một cuộc họp bà được trông đợi sẽ tham dự trong dịp kỷ niệm ngày 4 tháng 6.

Trong khi mối quan ngại gia tăng về tung tích của bà, đài truyền hình nhà nước sáng nay loan báo bà đã bị truy tố về tội tiết lộ bí mật quốc gia và chiếu những đoạn phim về lời thú nhận của bà.

Bà Cao ngồi ở một cái bàn mặc chiếc áo khoác màu cam của nhà tù và gương mặt bà bị cố tình làm cho mờ đi.

Bà thú nhận đã gây phương hại cho lợi ích quốc gia Trung Quốc.

“Tôi đã có hành vi rất sai trái. Tôi thành khẩn và nghiêm túc chấp nhận bài học và nhận tội.”

Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc nói bà Cao đã tiết lộ các tài liệu mật cho các chủ biên báo chí nước ngoài. Nhà chức trách không tiết lộ thông tin về nội dung các tài liệu này và ai là người nhận chúng.

Các quan sát viên suy đoán là vụ tiết lộ có thể liên can đến một tài liệu về chính sách của đảng có tên là “Văn kiện số 9” mà bà Cao đã tường thuật vào mùa hè năm ngoái.

Theo giới truyền thông nước ngoài tiếp cận được với tài liệu vừa kể, đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc để đòi các giới chức Cộng sản phải bác bỏ các giá trị chính trị Tây phương như dân chủ, tự do truyền thông và xã hội dân sự.
Việc bắt giữ bà Cao Du diễn ra chỉ vài tuần trước kỷ niệm vụ đàn áp đẫm máu 1989 nhắm vào người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn
Việc bắt giữ bà Cao Du diễn ra chỉ vài tuần trước kỷ niệm vụ đàn áp đẫm máu 1989 nhắm vào người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn

Ông Ôn Vân Siêu, một blogger và là nhà hoạt động Trung Quốc, nói rằng chính quyền có thể dùng “Văn kiện số 9” làm cái cớ để trừng phạt các bài tường thuật thẳng thắn của bà Cao Du về các vụ đấu đá chính trị ở Trung Quốc.

“Sau khi văn kiện được công bố, bà Cao Du tiếp tục viết các bài báo và công bố các cuộc phỏng vấn tiết lộ những vụ đấu đá nội bộ bên trong các nhóm quyền lực Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là điều khiến những người có chức quyền tức giận.”

Theo luật của Trung Quốc, có 7 loại vấn đề thuộc bí mật nhà nước, từ thông tin về các quyết định quan trọng về chính sách cho đến các vấn đề khoa học, kỹ thuật hay quân sự.

Giới chỉ trích nói các thể loại rất rộng lớn, khiến nhà chức trách tha hồ định nghĩa bí mật nhà nước là gì.

Hồi đầu tuần này một công nhân di trú sống ở thành phố Quảng Châu miền nam Trung Quốc đã bị tuyên án tù 10 năm vì tiết lộ thông tin quân sự để nhận tiền.

Theo các bản tin, người đàn ông chỉ được biết là mang họ Lý, đã đăng ký mua các tạp chí quân sự bí mật và chuyển các hình ảnh và thông tin về các bài có liên quan đến quân sự cho một người mang quốc tịch nước ngoài.

Vẫn chưa rõ người đàn ông này làm thế nào để tiếp cận được thông tin được coi là bí mật.

Bà Maya Wang là một nhà khảo cứu thuộc tổ chức Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở ở Hong Kong.

“Những vụ việc này nêu ra nhiều nghi vấn về các luật lệ có liên quan đến bí mật nhà nước Trung Quốc, và sự kiện ác luật về bí mật nhà nước thường bị lạm dụng hay sử dụng không đúng chỗ để ngăn dân chúng phân phối hay bàn bạc về thông tin mà công chúng có thể có được.”

Việc bắt giữ bà Cao Du diễn ra chỉ vài tuần trước kỷ niệm vụ đàn áp đẫm máu năm 1989 nhắm vào người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn, một thời điểm thường mang tính nhạy cảm ở Trung Quốc nơi chính quyền thường xuyên trấn át các mưu toan làm lễ kỷ niệm ngày này.

Bà Cao đã mất tích vài ngày trước khi khoảng 15 người, trong đó có các luật sư, học giả và các nhà hoạt động, tổ chức một cuộc hội thảo về ngày 4 tháng 6 tại Bắc Kinh hôm thứ bảy tuần trước.

Sau đó công an đã bắt giữ ít nhất 5 người trong số những người dự cuộc họp, kể cả luật sư nhân quyền nổi tiếng Phố Chí Cường.

Những người tham dự khác sau đó đã bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia.

Hội Ân Xá Quốc tế gọi các cáo trạng đối với bà Cao là “một màn hỏa mù để đàn áp các nhà hoạt động.” Tổ chức này gợi ý rằng bà Cao đã thú tội trên truyền hình như một cách để bảo vệ người con trai đã mất tích cùng ngày với bà và được cho là bị công an câu lưu.

Nhà hoạt động và làm phim độc lập Ngải Hiểu Minh nói sự nghiêm khắc mà chính quyền sử dụng nhắm vào các nhà hoạt động năm nay là một dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo mới quyết tâm loại bỏ những thành phần bất đồng.

“Ðó là một cách để họ điều chỉnh các chính sách trong nước. Họ tin rằng họ cần phải sử dụng những phương pháp cực kỳ gay gắt này để chận đứng mọi quan điểm khác với họ.”

Năm 1989, bà Cao Du đã bị giam giữ 14 tháng sau khi bà viết các bài báo ủng hộ phong trào sinh viên.

Năm 1994, bà bị kết án 6 năm tù vì tiết lộ bí mật nhà nước cho giới truyền thông Hong Kong.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG