Đường dẫn truy cập

Trung Quốc báo cáo quá thấp lượng cá đánh bắt xa bờ


Nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, và nhu cầu hải sản đã tạo ra đội tàu đánh cá viễn dương lớn nhất thế giới.
Nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, và nhu cầu hải sản đã tạo ra đội tàu đánh cá viễn dương lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia ngư nghiệp cho biết Trung Quốc đã báo cáo quá thấp lượng cá mà tàu đánh cá viễn dương của họ đánh bắt ở các vùng biển trên thế giới. Một cuộc nghiên cứu mà kết quả được công bố hồi tháng 3 cho thấy lượng cá mà tàu Trung Quốc đánh bắt trên thực tế cao hơn gấp 12 lần con số chính thức. Từ Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, và nhu cầu hải sản của họ, đã tạo ra đội tàu đánh cá viễn dương lớn nhất thế giới.

Các số liệu chính thức của năm 2011, là năm mới nhất có thể có, cho thấy Trung Quốc có hơn 1.600 chiếc tàu đánh cá hoạt động bên ngoài khu vực mà họ cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Bắc Kinh báo cáo rằng từ năm 2000 đến năm 2011 những chiếc tàu đó đánh bắt trung bình 368.000 tấn cá mỗi năm.

Nhưng cuộc nghiên cứu của Đại học British Columbia và Quỹ Từ thiện Pew ước tính là lượng cá mà Trung Quốc đánh bắt trên thực tế cao hơn con số chính thức rất nhiều - khoảng 4 triệu 600 ngàn tấn mỗi năm.

Giáo sư Daniel Pauly, một chuyên gia ngư nghiệp của Đại học British Columbia, là người cầm đầu cuộc nghiên cứu vừa kể. Ông nói với Đài VOA như sau.

Một số tàu cá Trung Quốc còn mang cờ nước ngoài để che giấu xuất xứ.
Một số tàu cá Trung Quốc còn mang cờ nước ngoài để che giấu xuất xứ.
Ông Pauly nói: "Ngư nghiệp Trung Quốc, ngư nghiệp viễn dương, không công bố những dữ liệu về những gì mà họ đánh bắt. Thống kê ngư nghiệp Trung Quốc rất có vấn đề."

Kết quả cuộc nghiên cứu, có nhan đề “Ngư nghiệp viễn dương Trung Quốc trong thế kỷ 21” được Quốc hội Âu Châu tài trợ, đã được công bố hồi tháng 3.

Các nhà nghiên cứu đã ước tính số lượng hải sản đánh bắt trên thực tế bằng cách xem xét các tin tức đăng tải trên báo chí và trên internet để xác định những chiếc tàu nào đánh bắt ở đâu và trong khoảng thời gian bao lâu. Sau đó họ dựa vào kích cỡ của chiếc tàu để ước tính mỗi tàu có thể đánh bắt được bao nhiêu.

Cuộc nghiên cứu cho thấy hầu hết số lượng hải sản bị báo cáo thấp, khoảng 3 triệu 100 ngàn tấn, xảy ra trong những vùng biển có nhiều cá ở ngoài khơi Tây Phi.

Cơ quan Lương Nông Liên hiệp quốc, gọi tắt là FAO, ấn hành các số liệu ngư nghiệp của Trung Quốc.

Ông Richard Grainger là Giám đốc Phòng Thống kê và Thông tin của Sở Ngư nghiệp thuộc FAO. Ông thừa nhận rằng có “những khiếm khuyết lớn” trong các dữ liệu về ngư nghiệp viễn dương của Trung Quốc, nhưng con số mà cuộc nghiên cứu ước tính là quá cao.

Ông Grainger nói: "Con số ước tính là khoảng 3 triệu tấn và con số đó gần bằng 3 triệu 800 ngàn tấn mà 22 nước ven biển ở Tây Phi sản xuất cộng chung với 38 nước đánh bắt xa bờ."

Các nhà nghiên cứu thừa nhận là sai số của sự ước tính của họ khá cao vì sự khó khăn của việc tính toán lượng cá bắt được dựa vào phương pháp nghiên cứu của họ.

Bất chấp sự khác biệt ý kiến về mức độ báo cáo thấp, ông Grainger thừa nhận rằng con số báo cáo quá thấp phát sinh một phần từ việc một số tàu cá Trung Quốc trực tiếp bán cá cho các nước Phi châu và không tính số cá đó vào lượng cá mà ngư nghiệp viễn dương của họ thu hoạch được.

Chuyên gia ngư nghiệp Daniel Pauly nói rằng một số tàu cá Trung Quốc còn mang cờ nước ngoài để che giấu xuất xứ. Ông nói rằng các tàu Âu Châu cũng có vấn đề báo cáo thấp nhưng với tầm mức nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.

Lượng cá mà tàu Trung Quốc đánh bắt trên thực tế cao hơn gấp 12 lần con số chính thức.
Lượng cá mà tàu Trung Quốc đánh bắt trên thực tế cao hơn gấp 12 lần con số chính thức.
Ông Pauly nói: "Đội tàu các nước Âu Châu, gộp chung với nhau, cùng lắm là chỉ bằng phân nửa đội tàu Trung Quốc. Và bây giờ họ đã bị thay thế…giống như một cuộc chơi kẻ được người mất. Và tại một số quốc gia, các tàu Trung Quốc đã thay thế các tàu Âu Châu."

Và không giống như các nước Âu Châu, Trung Quốc không công khai các hiệp định ngư nghiệp mà họ ký với các nước khác.

Ông Pauly cho biết những thỏa thuận bí mật - cộng với vấn đề báo cáo thấp, đe dọa tới các nỗ lực bảo vệ nguồn cá.

Ông Pauly nói: "Vấn đề là quí vị không thể đánh giá tình trạng của một ngư trường nếu quí vị không biết được lượng cá đánh bắt ở đó là bao nhiêu. Và, từ các nguồn độc lập, chúng tôi biết rằng các ngư trường ở Tây Phi không được bảo vệ một cách thỏa đáng. Đó là điều chúng tôi biết rõ."

Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc cho biết tuy có những khiếm khuyết về dữ liệu, trong những năm qua Trung Quốc đã cải thiện mức độ chính xác của các số liệu thống kê ngư nghiệp của mình, đặc biệt là về sản lượng của ngư nghiệp nội địa.

Trong một thời gian rất lâu Trung Quốc đã nâng khống sản lượng ngư nghiệp trong nước vì các giới chức chính quyền địa phương của nước này thường tìm cách chứng tỏ cho chính phủ trung ương thấy là họ làm việc có kết quả tốt trong lãnh vực kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG