Đường dẫn truy cập

Trump nên ‘lắng nghe các nhà khoa học’ về biến đổi khí hậu


Giới trẻ toàn cầu đã có đợt vận động rầm rộ để yêu cầu hành động về biến đổi khí hậu
Giới trẻ toàn cầu đã có đợt vận động rầm rộ để yêu cầu hành động về biến đổi khí hậu

Tổng thống Mỹ Donald Trump nên đáp ứng thông điệp của giới trẻ về biến đổi khí hậu là ‘lắng nghe lời khuyên của các nhà khoa học’ để có những thay đổi trong chính sách nhằm đưa nước Mỹ trở lại mục tiêu chung của thế giới là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một số người Mỹ gốc Việt chia sẻ cảm nhận nhân phong trào xuống đường của giới trẻ toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Trump hôm 24/9 đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhưng trong đó ông không đề cập gì đến mục tiêu cắt giảm khí thải mặc dù kỳ họp Liên Hiệp Quốc năm nay tập trung vào chủ đề đối phó với biến đổi khí hậu.

Cũng tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg đã có bài phát biểu nảy lửa mà trong đó cô gay gắt chỉ trích các nhà lãnh đạo quốc tế là ‘đánh cắp tuổi thơ và ước mơ của thế hệ trẻ bằng những ngôn từ rỗng tuếch’.

Trước đó vài ngày, giới trẻ khắp thế giới, trong đó có ở Mỹ, dưới sự dẫn đầu của Greta Thunberg đã có cuộc biểu dương rầm rộ ở nhiều thành phố lớn cuối tuần trước để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phải có hành động khẩn cấp về khí hậu để đảm bảo tương lai của thế hệ trẻ.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thì để khí hậu Trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ trước khi phát triển công nghiệp, thì con người cần phải giảm 45% lượng phát thải carbon trước năm 2030 và đến năm 2050 lượng phát thải này phải về mức 0.

Tổng thống Trump sau khi lên nắm quyền đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mà chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ký kết, qua đó rút ra khỏi các cam kết về cắt giảm khí carbon mà ông Trump cho rằng khiến Mỹ trả giá quá lớn về kinh tế.

Hành động này đã khiến Mỹ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới không tham gia vào Hiệp định Paris. Bản thân ông Trump, vốn chủ trương mở rộng khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gọi biến đổi khí hậu là ‘trò lường gạt’.

‘Khí hậu rất thất thường’

Trao đổi với VOA, cô Phan Thùy Lan ở Hạt Fairfax, tiểu bang Virginia, nói cô tin biến đổi khí hậu là có thật.

“Có người cho rằng từ xưa đến giờ Trái đất đã có những lần biến đổi khí hậu như vậy. Nhưng trong thời gian gần đây thì Trái đất biến đổi nhanh hơn bình thường,” cô giải thích. “Đó là do hoạt động sản xuất, đô thị hóa của con người nên biến đổi khí hậu nhanh hơn bình thường.”

Cô nói rằng bản thân cô đã chứng kiến khí hậu biến đổi thất thường trong thời gian gần đây.

“Thời tiết mấy năm gần đây rất bất thường, nóng bất thường, lạnh bất thường. Mùa hè năm nay rất nóng. Bão lụt rất nhiều,” cô nói.

“Nếu năm 2019 đã như vậy thì khoảng vài chục năm sau nữa thì mình sẽ nhìn thấy những hậu quả của biến đổi khí hậu.”

Cô Lan nói cô đồng ý với thông điệp của Greta Thunberg tại Liên Hiệp Quốc và nói rằng nhiều quốc gia ‘quan tâm đến đồng tiền nhiều hơn là coi trọng thiên nhiên’.

“Kinh tế là lợi ích trước mắt trong khi hậu quả môi trường là lâu dài,” cô phân tích. “Nếu một đất nước không coi trọng môi trường thì hậu quả sẽ làm cho con người sống trong xã hội dễ bị bệnh hơn, thở bầu không khí ít trong lành hơn.”

“Điều đó tai hại hơn nhiều những đồng tiền mình có ngày hôm nay,” cô nói.

Tuy nhiên, cô Lan thừa nhận cái giá về kinh tế ‘là rất lớn’ nếu thực hiện các mục tiêu về môi trường, và cô cho rằng ‘hậu quả về môi trường lớn hơn’ nên ‘cái giá phải trả cao hơn’.

“Nếu xảy ra giông bão, sập trường học thì cũng phải trả giá vậy,” cô lập luận.

‘Đừng tiêu thụ quá nhiều’

Về chính sách môi trường của chính quyền Trump, cô Lan nói rằng chính quyền ‘có những nhu cầu khác hơn ngoài vấn đề môi trường’ và rằng cô hy vọng chính quyền sẽ để ý đến những bằng chứng, những hậu quả để quan tâm đến môi trường nhiều hơn.

Cô đề xuất chính quyền nên chi tiền cho các khoa học gia để nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải carbon.

Về hành động cá nhân, cô kêu gọi mọi người ‘đừng tiêu thụ quá nhiều những gì mình không cần’.

“Nếu có thể thì nên dùng xe chạy bằng năng lượng tái sinh hay sử dụng năng lượng mặt trời trong sinh hoạt. Nên giảm bớt đi xe, chuyển sang đi chung xe hay đi quá giang xe người khác,” cô nói.

Theo lời cô thì việc chuyển sang năng lượng mặt trời không tốn kém vì ở nơi cô ở thuộc bang Virginia những hộ gia đình nào chuyển sang lắp tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được chính quyền tài trợ một phần và về lâu dài họ tiết kiệm được chi phí trả tiền điện.

“Chính phủ nên giúp người dân trang trải một phần chi phí chuyển đổi sang xe điện,” cô nói và cho biết bang California ‘giảm thuế cho những ai đổi từ xe chạy xăng sang xe chạy điện’.

Cô đồng ý với việc giảm ăn thịt để giảm phát thải carbon (chăn nuôi là một trong những ngành công nghiệp thải khí CO2 và methane nhiều nhất) và cho rằng điều này ‘vừa tốt cho môi trường vừa tốt cho sức khỏe’.

Mục tiêu tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C là ‘có thể đạt được’ nếu ‘tất cả những nước trên thế giới đều chung sức chung lòng’, cô nói.

‘Không nên ích kỷ’

Cũng cùng ý kiến với cô Lan, ông Nguyễn Lê Chí Thiện Thành, một chủ hãng vận tải hành khách ở Quận Cam, tiểu bang California, nói ông hoàn toàn ủng hộ hành động của nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg.

“Tôi nghĩ một đứa nhỏ 16 tuổi còn biết được ảnh hưởng của tình trạng nóng lên toàn cầu mà tại sao người lớn chúng ta không ý thức được. Nếu vậy thì chúng ta thua những đứa nhỏ,” ông nói.

“Lời quở trách của Greta Thunberg (trước Liên Hiệp Quốc) là cái tát vào các lãnh đạo thế giới chỉ lo cho cái ghế của họ mà không nghĩ đến tương lai,” ông nói thêm.

Ông Thành nói rằng ông không đồng ý với chính sách môi trường của Tổng thống Trump vì ‘đi ngược lại xu thế của thế giới.

Ông cho rằng chính quyền Trump ‘nên lắng nghe những nhà khoa học về biến đổi khí hậu’ để làm giảm carbon phát thải vào khí quyển.

“Tôi ủng hộ các nhà khoa học chứ không ủng hộ làm sao giảm tiền này tiền kia.”

Khi được hỏi về thiệt hại kinh tế nếu đi theo các chính sách khắt khe về môi trường, ông Thành lập luận: “Nếu anh giàu có nhưng bị ung thư thì có xài hết đống tiền đó không?”

Ông Thành, vốn là một di dân đến từ tình Cà Mau của Việt Nam, nói ông rút kinh nghiệm từ việc ở Việt Nam ‘rất nhiều người thờ ơ không nghĩ đến việc lâu dài thành ra đất nước mới đến ngày hôm nay’.

“Hồi nhỏ ở Việt Nam tôi đi xe chạy dầu, khói đen thoát ra mà mình ngồi ở trên xe còn thấy khó chịu,” ông kể. “Mình hiểu được nếu ai cũng vậy (cũng vì tiết kiệm mà chạy xe nhả khói đen) thì cuộc sống mình bị hạn chế, rồi bị ung thư này kia.”

“Nếu ai cũng thờ ơ, ích kỷ, ai cũng lo cho bản thân mình thì một ngày nào đó thế giới sẽ lụi tàn,” ông lập luận.

“Nếu ai cũng như đứa trẻ 16 tuổi thì sẽ làm được (đẩy lùi biến đổi khí hậu). Ngược lại có những người cho rằng trong 30 năm nữa thì mình đã chết rồi (nên không cần phải lo) thì đó là sự ích kỷ, không nghĩ đến thế hệ mai sau, đến tương lai con cháu mình.”

‘Cần khắt khe về phát thải’

Ông Thành nói ông rất lo cho tương lai của quê hương ông ở tỉnh Cà Mau, Việt Nam, trước tình trạng nước biển dâng vốn đe dọa nhấn chìm cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, và lên án ‘chính phủ Việt Nam chỉ lo cho tiền túi của họ chứ không lo đến môi trường’.

Cũng giống như cô Lan, ông Thành nhận thấy rằng khí hậu ở bang California trong thời gian qua ‘rất khác thường’.

“Vừa rồi mùa hè nhưng lại có những ngày lạnh vốn là điều chưa bao giờ xảy ra,” ông cho biết.

Ông nói ông ủng hộ những quy định khắt khe của tiểu bang California về lượng khí thải của xe cộ và mặc dù những quy định này có gây phiền phức cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của mình.

“Bang California rất khắt khe trong các chuẩn mực về môi trường,” ông nói và cho biết ngoài đăng ký xe thì mỗi năm ông phải đi báo cáo về mức độ ô nhiễm của đội xe của ông.

“Đó là để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho mọi người nữa,” ông giải thích lý do vì sao ông ủng hộ quy định khắt khe về môi trường. “Ở Mỹ tân tiến họ làm được những điều đó thì tại sao mình không tuân thủ, trong khi ở Việt Nam họ không làm được.”

Khi được hỏi việc quan tâm đến môi trường có làm chi phí kinh doanh đội lên hay không, ông nói nếu đầu tư cho đội xe tốt thân thiện với môi trường thì ông ‘sẽ tăng giá lên’.

“Khách hàng họ cũng hiểu vì giá xe chạy xăng khác, chạy dầu diesel khác, chạy bằng điện khác. Nói chung tiền nào của đó,” ông giải thích. “Nếu ai cũng có ý thức (về môi trường) thì mình sẽ sống được.”

Về sự liên hệ giữa vấn đề môi trường và lá phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ vào năm 2020, ông Thành nói “Mình phải thực tế một chút. Nếu Tổng thống Trump thay đổi (chính sách môi trường) là điều đáng mừng,” ông nói. “Nhưng bây giờ quan trọng nhất là chính sách đối với Trung Quốc.”

“Nếu ông Trump làm được cả hai thì tôi rất mừng. Nhưng nếu vì chuyện kia (chính sách môi trường) mà tôi không ủng hộ ông Trump thì không công bằng.”

“Hy vọng ông Trump lắng nghe cô bé Thụy Điển thì tôi ủng hộ ông hai tay hai chân,” ông Thành nói them.

VOA Express

XS
SM
MD
LG