Đường dẫn truy cập

Tranh luận về thành công của việc can thiệp quân sự ở Ai Cập


Đại tướng Abdel Fattah al-Sisi, Tư lệnh quân đội Ai Cập trong chương trình truyền hình trực tiếp kêu gọi sự ủy nhiệm của công chúng để ông chống khủng bố và bạo động
Đại tướng Abdel Fattah al-Sisi, Tư lệnh quân đội Ai Cập trong chương trình truyền hình trực tiếp kêu gọi sự ủy nhiệm của công chúng để ông chống khủng bố và bạo động
Trong những tuần lễ vừa qua, chính phủ Ai Cập được quân đội hậu thuẫn đã đề xuất các biện pháp mới để trấn át Huynh Ðệ Hồi giáo. Chính phủ đã gọi nhóm này là một tổ chức khủng bố, và cũng đã bắt giữ các ký giả của Al-Jazeera bị cho là đã ủng hộ họ. Thông tín viên VOA William Eagle tường thuật rằng các nhà hoạt động dân quyền đã chỉ trích các hành động vừa kể. Nhưng những người khác cho rằng các hành động đó là cần thiết vì Ai Cập đang chuẩn bị bầu cử và một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp.

Bất chấp nhiều biện pháp, các cuộc biểu tình tiếp tục ở một số thị trấn và các trường đại học. Một chuyên gia phân tích Ai Cập nói vụ trấn át đang có tác dụng – và rằng những cuộc biểu tình đòi phục chức cho tổng thống Hồi giáo bị lật đổ Mohammed Morsi đã trở nên nhỏ đi và bớt thường xuyên hơn.

Ông Gamal Soltan là một phó giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Ðại học American ở Cairo. Ông nêu nghi vấn về việc coi những người biểu tình là sinh viên hay ký giả. Ông nói:

“Khi chúng ta nói sinh viên hay ký giả, chúng ta nói về các nhóm phi chủ thuyết. Nhưng các sinh viên này thực ra là thuộc nhóm Huynh Ðệ Hồi giáo, và chẳng may Al Jazeerah đã từng là một thành phần cơ bản trong vụ xung đột ở Ai Cập. Al Jazeerah đã đứng về một phe. Tình hình đã thay đổi và theo phe không đúng.”

Ông nói sự hòa giải giữa Huynh Ðệ Hồi giáo và chính phủ thế tục tuy do quân đội lãnh đạo là chuyện đương nhiên trong ngắn hạn. Ông nói chính sách của chính phủ là định nghĩa lại đạo Hồi về mặt chính trị - bằng cách loại trừ Huynh Ðệ Hồi giáo nhưng để cho những thành phần ôn hoà như Al-Nour, một đảng Hồi giáo, hợp tác với quân đội được bao gồm trên lá phiếu ứng cử vào quốc hội.

Ông Said Sadek, một giáo sư về môn xã hội học chính trị cũng tại trường Ðại học American, nói rằng Huynh Ðệ Hồi giáo đang mượn các cuộc biểu tình và bạo động để gây trở ngại cuộc trưng cầu dân ý. Ông nói:

“Nếu có được số cử tri đi bầu cao khoảng 24 triệu trong số 50 triệu, thì đây sẽ là một giấy khai tử chính thức cho Huynh Ðệ Hồi giáo và chế độ của ông Morsi. Huynh Ðệ Hồi giáo đã có mặt trừ năm 1928; sự thất bại của tổ chức này sẽ ảnh hưởng tới các phong trào khác trong thế giới đạo Hồi.”

Ông Sadek nói quyền bắt giữ ngày càng nhiều của chính phủ có tính cách tạm thời, và theo ông có thể sẽ thay đổi khi Huynh Ðệ Hồi giáo bị đánh bại. Ông nhận định:

“Chúng ta đang ở trong các tình huống đặc biệt, và phải thực hiện rất nhiều biện pháp. Các lân quốc của chúng ta là các quốc gia thất bại, và nay có một tổ chức trong nước muốn tiêu diệt quân đội và cảnh sát của chúng ta để thực thi bất cứ quyền hạn này mà họ muốn qua các đội dân quân bí mật của họ… Không có nhân quyền cho những người không tin tưởng vào nhân quyền.”

Mới đây, tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour, đề nghị tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước các cuộc bầu cử quốc hội. Ông Soltan nói đó là một ý kiến hay, bởi vì các cuộc bầu cử quốc hội có thể gây chia rẽ và cạnh tranh bầu cử có thể phá vỡ liên minh rộng rãi các đảng phái ủng hộ lộ đồ dân chủ do quân đội lãnh đạo. Ông nhìn thấy một tổng thống dân cử sẽ đem lại tính ổn định vào thời điểm dẫn tới các cuộc bầu cử quốc hội.

Những người khác chỉ trích nhiều hơn thời kỳ chuyển tiếp do quân đội lãnh đạo.

Ông Na’eem Jeenah là giám đốc điều hành Trung tâm Trung Ðông-Phi châu ở Johannesburg. Ông nhận thấy có sự thao túng chính trị đằng sau việc chọn ngày bầu cử. Ông nói:

“Ta có thể bầu ra một tổng thống mạnh có khả năng chi phối thời biểu và các quy định về việc tổ chức bầu cử quốc hội như thế nào. Người đứng đầu quân lực, tướng Abdul Fattal al Sisi có thể ra làm tổng thống, và ông sẽ là một tổng thống thuộc loại độc tài mà châu lục này đã phải gánh chịu từ nhiều thập niên.”

Ông Jeenah nói vụ trấn át hiện nay không chỉ tác động đến những người Hồi giáo, mà còn tác động đến bất kỳ ai bất đồng với việc lật đổ cựu tổng thống Morsi do quân đội hậu thuẫn. Ông nói vụ giằng co không phải giữa những người Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa thế tục, mà là giữa những người ủng hộ hay chống đối sự can thiệp do quân đội lãnh đạo.

Ông nói trong số những người bị bỏ tù vì điều ông gọi là những luật lệ chống khủng bố độc đoán có những người hoạt động thế tục, và các ký giả. Ông nói các luật lệ này nhắm mục đích bịt miệng những người chỉ trích trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới.

Chuyên gia phân tích Mohamad Hamas Elmasry nói các số liệu bầu cử tiếp tục cho thấy rằng xã hội Ai Cập mang tính rất chia rẽ, với một bầu không khí truyền thông một chiều quảng bá cho chính phủ lâm thời, chứ không phải cho sự hòa giải. Ông Elmasry là phó giáo sư và giám hiệu phân khoa Báo chí và Truyền thông Ðại chúng của trường Ðại học American ở Cairo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG