Đường dẫn truy cập

Tranh luận tiếp diễn về việc Trung Quốc muốn mua đất nông nghiệp của Úc


Một khu đất nông nghiệp ở Condobolin, cách phía Tây Sydney gần 500km.
Một khu đất nông nghiệp ở Condobolin, cách phía Tây Sydney gần 500km.
Chính giới và báo giới tiếp tục tranh luận sôi nổi về việc Trung Quốc muốn mua thêm nhiều đất nông nghiệp tại lục địa Úc Châu.

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đối tác thương mại lớn nhất của Australia, nhưng quan hệ kinh tế này trở nên phức tạp vì các lý do chiến lược an ninh quốc phòng và chính sách đầu tư nước ngoài mà Canberra theo đuổi, đặc biệt là với đồng minh truyền thống Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ đa nguyên khác từ Châu Âu sang Châu Á, từ Anh Quốc đến Nhật Bản.

Công luận Australia cũng không thuần nhất đối với đầu tư từ Trung Quốc. Chính trị gia và các nhà bình luận theo chủ thuyết thuần túy kinh tế thị trường thì lập luận rằng Australia cần đầu tư nước ngoài để tiếp tục phát triển, bất kể là nguồn đầu tư đến từ đâu.

Nhưng, những ai quan tâm đến vấn đề an ninh quốc phòng, thường viện dẫn lý do chính sách kinh tế và đầu tư do Nhà Nước Bắc Kinh quản lý chặt chẽ như là một sự khác biệt căn bản giữa đầu tư từ Trung Quốc so với đầu tư từ Bắc Mỹ và Tây Âu hoặc các quốc gia dân chủ Châu Á.

Đối với công chúng Úc Châu, sự hiện diện mỗi ngày một rõ rệt của nhân số người Trung Hoa nhập cư tại Australia cũng là vấn đề được quan tâm. Cuộc kiểm tra dân số hồi tháng 8 năm 2011 mà kết quả được công bố vài tháng trước đây, cho thấy di dân từ các nguồn nói tiếng Trung Hoa gia tăng gấp bội trong vòng 5 năm vừa qua – và tiếng Quan thoại đã trở thành ngôn ngữ thứ nhì tại Úc, chỉ sau tiếng Anh mà thôi.

Việc người Trung Hoa xuất ngoại đông đảo để định cư ở nước ngoài hoặc làm việc tạm thời ở nước ngoài là một hiện tượng mới, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tiến trình ‘trỗi dậy’.

Hầu như khắp nơi ở Châu Phi, người Trung Hoa được - hay bị - coi như là những tập thể thực dân mới (new colonialists), vì họ sinh sống và sinh hoạt tập trung với nhau, tách biệt khỏi cộng đồng địa phương. Hiện tượng này cũng đã xảy ra tại Việt Nam, khi người Trung Hoa xây dựng những ‘làng riêng biệt’ tại khắp nơi từ những tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn đến những vùng phía Nam như Tỉnh Bình Dương hay Cà Mau.

Hiện tượng này chưa xảy ra tại Australia trong lãnh vực nông nghiệp. Trong lĩnh vực khai thác hầm mỏ, vì sự khan hiếm công nhân tay nghề, Australia đang phải tuyển lựa nhân công chuyên môn từ Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng việc nhập cư của họ vẫn phải được điều hành theo những qui định của Luật Di Trú Úc Châu.

Trung Quốc coi đầu tư nước ngoài là cần thiết cho nhu cầu an ninh năng lượng. Và gần đây, Trung quốc coi đầu tư nước ngoài về mặt nông nghiệp là cần thiết cho nhu cầu an ninh thực phẩm cho một dân số trên 1 tỉ 300 triệu người.

Trong bối cảnh này, nhật báo tài chính Úc - The Australian Financial Review – đã trích dẫn một tài liệu của Trung Quốc về vấn đề an ninh thực phẩm – theo đó, Bắc Kinh dự trù chi tiêu trên 500 triệu đô la để đầu tư hoặc mua những cơ sở nông nghiệp tại Australia, từ những nông trại nuôi gia súc, sản xuất lông cừu (wool) đến những cánh đồng trồng ngũ cốc – và họ muốn tiến hành các dự án đầu tư nầy trước khi Australia hoàn tất cuộc duyệt xét về đầu tư nước ngoài trong lãnh vực nông nghiệp.

Hồi cuối năm ngoái 2011, một phái đoàn hùng hậu gồm viên chức chính phủ Bắc Kinh và các nhà tư bản đỏ (red capitalists) đã đến Sydney để tham dự hội thảo về vấn đề đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Úc. Tuy họ đến Sydney theo lời mời của Cơ quan Phát triển Ngoại thương Úc là Austrade và Bộ Ngoại Giao-Thương Mại Úc DFAT, khả năng tài chính khổng lồ của Trung Quốc vẫn là mối lo ngại cho các đối tượng tại Úc.

Theo nhật báo The Australian Financial Review, Bộ Thương Mại Bắc Kinh ước lượng vào năm 2015, các tổng công ty Trung Quốc có thể có khoảng 560 tỉ đô la để đầu tư.

Theo phúc trình sơ khởi của Tổng Cuộc Nghiên Cứu Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp của Liên bang Australia – gọi tắt là ABARE (The Australian Bureau of Agriculture and Resource Economics), đất đai nông nghiệp tại Úc vẫn còn nằm trong tay địa chủ hoặc công ty do người Úc làm chủ hoặc do người Úc liên doanh với công ty nước ngoài. Tuy nhiên, có khoảng 5.8 % đất đai nông nghiệp do người hoặc công ty nước ngoài làm chủ mà đa số vẫn là các công ty Bắc Mỹ và Tây Âu.

Khi phổ biến các dữ kiện này, Bộ trưởng Bill Shorten trong chính phủ Lao Động Julia Gillard, nói rằng "đầu tư nước ngoài đang có nhiều thay đổi khắp nơi trên thế giới."

“Là một quốc gia tiếp nhận đầu tư," ông Bill Shorten nói tiếp, "Australia hoan nghênh đầu tư nước ngoài, vì đầu tư nước ngoài có vai trò then chốt trong tiến trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Úc Châu phải bảo vệ quyền lợi quốc gia và qui định mức độ vừa phải giữa quyền lợi quốc gia và đầu tư nước ngoài là cần thiết để bảo đảm sự tồn tại của Úc Châu trong lãnh vực nông nghiệp và an toàn thực phẩm."

Từ bấy lâu nay, Australia vẫn có trắc nghiệm “quyền lợi quốc gia’ trong việc duyệt xét đầu tư nước ngoài - nhưng làm sao để trắc nghiệm nầy phản ánh đúng mức quyền lợi quốc gia thì không phải là điều dễ dàng.

Đối với dân chúng, trắc nghiệm này phải tương xứng giữa hai nước. Người ta thường nêu câu hỏi: Tại sao người Úc không thể mua đất đai tại Trung Quốc mà người Trung Quốc lại được tự do mua đất ở Úc?

New Zealand là nước láng giềng rất gần gũi với Australia về lịch sử, chủng tộc và nền kinh tế thị trường. Nhưng từ năm 2011, New Zealand đã ban hành luật mới, theo đó mọi việc mua bán đất đai với nước ngoài từ 5 hecta trở lên đều phải được chính phủ chấp thuận trên căn bản quyền lợi kinh tế quốc gia. Trong khi đó, tại Australia, người hoặc công ty nước ngoài chỉ phải xin chính phủ Úc chấp thuận, nếu họ mua đất trị giá trên 231 triệu đô la.

Bởi vậy, trong chuyến công du Bắc Kinh vừa qua, Ông Tony Abbott, lãnh tụ liên đảng Tự Do Quốc Gia ở thế đối lập, đã nhấn mạnh đến tiến trình cứu xét cẩn trọng mà Cơ quan duyệt xét đầu tư nước ngoài của Úc (Foreign Investment Review Board –FIRB) phải theo đuổi. Ông nói:

"Phải có duyệt xét thật cẩn trọng, tôi nhấn mạnh đến sự cẩn trọng, để công chúng Úc có thể tin tưởng vào tiến trình mua bán đất cho người nước ngoài."

Trên chính trường Australia, Đảng Quốc Gia trong liên minh đối lập, là giới chính trị quan tâm rất nhiều đến nông nghiệp, vì đa số cử tri của họ sinh hoạt tại nông thôn. Theo Ông Warren Truss, lãnh tụ Đảng Quốc Gia, công chúng Úc nói chung không đánh giá đúng mức giá trị của đất đai nông nghiệp:

"Tiếc thay tôi có cảm tưởng như dân chúng Úc không đánh giá đúng mức giá trị của đất đai nông nghiệp tại Úc hoặc kỹ nghệ sản xuất thực phẩm của chúng ta."

Chính phủ Julia Gillard đã chỉ trích phát biểu của phe đối lập. Nhìn từ quan điểm tự do mậu dịch, Bộ trưởng Craig Emerson nói:

"Ông Tony Abbott đi Trung Quốc – một mặt thì kêu gọi đàm phán Hiệp Ước Tự do Thương mại FTA, nhưng khi trở về Úc thì lại có lập trường trái ngược khiến đàm phán FTA không thể tiến triển được."

Ngọc Hân tường trình từ Sydney Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG