Đường dẫn truy cập

Tổng thống Mỹ tìm thêm quyền để chính phủ có thể vay thêm tiền


Tổng thống Obama tại nhà máy sản xuất đồ chơi The Rodon Group để thuyết phục nước Mỹ ủng hộ sách lược tránh cắt giảm chi tiêu 600 tỉ đô la cùng việc tăng thuế. (AP Photo/Matt Slocum)
Tổng thống Obama tại nhà máy sản xuất đồ chơi The Rodon Group để thuyết phục nước Mỹ ủng hộ sách lược tránh cắt giảm chi tiêu 600 tỉ đô la cùng việc tăng thuế. (AP Photo/Matt Slocum)
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tìm thêm quyền để định mức giới hạn vay mượn của nước Mỹ, thêm một yếu tố mới cho cuộc tranh cãi cuối năm liên quan đến chính sách chi tiêu của chính phủ và thuế khóa.

Hoa Kỳ lại sắp đến gần mức giới hạn vay mượn luật định, hiện là gần 16.400 tỉ đô la.
Vào đầu năm 2013, mức giới hạn này sẽ đụng trần, và nếu không được Quốc hội cho phép thêm, chính phủ sẽ không có thể bán thêm trái phiếu để tài trợ cho những hoạt động của chính phủ.

Giữa lúc mức nợ của Hoa Kỳ gia tăng, gia tăng mức trần của giới hạn tiền vay hiện đang gây nhiều tranh cãi tại Hoa Kỳ, dù rằng việc này đã được thi hành hơn 100 lần trong thế kỷ qua, thường hầu như không phải tranh luận.

Tổng thống Obama và Quốc hội đã trải qua nhiều tuần lễ giằng co vào giữa năm 2011 trước khi gia tăng đến mức như hiện nay.

Trong khuôn khổ của những cuộc thương thảo với Quốc hội để tránh khỏi bị cắt giảm chi tiêu bắt buộc và tăng thuế, trị giá tổng cộng 600 tỉ đô la, có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng năm 2013, Tổng thống Obama nói ông muốn có quyền để ấn định mức nợ trần mới, và quyền phủ quyết bất cứ những bác bỏ nào của Quốc hội đối với mức nợ ông đưa ra.

Tổng thống Obama đang tìm quyền hạn về mức nợ trần, trong kế hoạch của ông muốn gia tăng mức thuế lên 1.600 tỉ đô la trong thập niên tới để giảm bớt nợ nần của quốc gia.

Tuy nhiên đối thủ Cộng hòa của ông tại Quốc hội đang ngăn trở không cho ông quyền hạn mới. Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu của chính phủ ngang bằng với bất cứ sự gia tăng nào trong giới hạn nợ và họ vẫn muốn giữ quyền ấn định mức giới hạn nợ.

Khoa trưởng trường Kinh doanh thuộc trường đại học Hofstra tại New York, ông Patrick Socci nói với Đài VOA là gia tăng mức nợ trần đã trở nên gây tranh cãi vì Hoa Kỳ đã gia tăng mức thâm hụt nhiều ngàn tỉ đô la hàng năm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Chính phủ đã tiêu nhiều hơn tiền thuế thu được để giúp tăng trưởng kinh tế sau cuộc suy thoái sâu rộng vào năm 2008 và 2009.

Nhưng nếu không nâng mức nợ trần cũng có thể là một tai họa về kinh tế.
Một công ty dịch vụ tài chánh đã giảm chỉ số tín nhiệm của nước Mỹ vào năm 2011 sau khi Quốc hội lưỡng lự trong việc nâng mức nợ trần.

Hiện nay, một số các chính phủ nước ngoài, đứng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản, là những nhà đầu tư lớn nhất về chứng khoán của Mỹ, mỗi nước nắm giữ hơn 1.000 tỉ đô la trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhà phân tích kinh tế Steve Bell thuộc trung tâm Chính sách Lưỡng đảng tại Washington nói với Đài VOA là sẽ có sự bất ổn sâu rộng trên toàn thế giới về tính an toàn và tin cậy của những nghĩa vụ tài chánh của Hoa Kỳ nếu mức nợ trần không được tăng thêm nữa.

Ông Bell nói ông nghĩ mức nợ trần sẽ không được nâng lên cho đến những tuần lễ cuối cùng của tháng Hai.

Tuy nhiên ông Socci khuyến cáo là Tổng thống Obama và Quốc hội phải đồng ý gia tăng mức nợ trần như là một phần của thỏa hiệp về các vấn đề thuế và chi tiêu vào cuối năm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG