Đường dẫn truy cập

Tổ chức của phe chống đối đảo chánh Thái Lan chính thức ra mắt


Binh sĩ Thái Lan xin lỗi người đi bộ sau khi họ phải đóng cửa một cây cầu vì lý do an toàn một cuộc biểu tình chống cuộc đảo chính tại Bangkok, ngày 25/5/2014.
Binh sĩ Thái Lan xin lỗi người đi bộ sau khi họ phải đóng cửa một cây cầu vì lý do an toàn một cuộc biểu tình chống cuộc đảo chính tại Bangkok, ngày 25/5/2014.
Sự chống đối có tổ chức đối với cuộc đảo chánh ở Thái Lan đã hình thành với việc một vị bộ trưởng trong chính phủ cũ cam kết hợp tác với những người chống đối tập đoàn quân nhân để phục hồi “các nguyên tắc dân chủ.”

Việc thành lập tổ chức có tên là “Tổ chức của người Thái Tự do cho Nhân quyền và Dân chủ” đã được loan báo ngày hôm nay trong một lá thư ngỏ của ông Jarupong Ruangsuwan.

Ông Jarupong là người đứng đầu Đảng Pheu Thai của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Bà Yingluck đã bị Tòa án Hiến pháp loại khỏi chức vụ thủ tướng không bao lâu trước cuộc đảo chánh của quân đội hồi tháng 5.

Ông Jarupong cho biết chiến dịch mới sẽ góp phần tổ chức, cả ở trong nước lẫn nước ngoài, cho cuộc kháng cự đối với quân đội mà ông nói là phi dân chủ và đang tìm cách duy trì vai trò của họ trên chính trường.

Quyền Ngoại trưởng Sihasak Phungketkeow đã bác bỏ tuyên bố đó và nói rằng “chỉ có một chính phủ hợp pháp duy nhất” ở Thái Lan.

Hiện chưa rõ Tổ chức Nhân quyền và Dân chủ sẽ đặt căn cứ ở đâu và họ sẽ chống đối tập đoàn quân nhân như thế nào.

Ông Peter Warr, một chuyên gia về Thái Lan của Đại học Quốc gia Australia, cho đài VOA biết rằng quân đội đang nắm quyền kiểm soát một cách chắc chắn vào lúc này.

Ông Warr nói: “Một số người thuộc phe Áo Đỏ tìm cách thành lập những tổ chức như vậy bên ngoài tầm với của tập đoàn quân nhân là một việc dễ hiễu. Nhưng cho tới giờ này tôi không nghĩ rằng đó là một sự kiện quan trọng.”

Tổ chức Nhân quyền và Dân chủ qui tụ các cựu dân biểu, các nhà học thuật và những nhân vật khác trong phe Áo Đỏ, là phe ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Người ta tin rằng ông Thaksin – người bị lật đổ trong cuộc đảo chánh của quân đội năm 2006 và đang sống lưu vong, không tham gia phong trào chống đảo chánh loan báo ngày hôm nay.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chánh của quân đội năm 2006.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chánh của quân đội năm 2006.

Những người chống đối ông Thaksin đã xuống đường hồi tháng 11 năm ngoái để phản đối sự cai trị của em gái ông là bà Yingluck. Họ nói rằng chính phủ của bà quá đỗi tham ô và là bù nhìn của anh bà.

Ông Thaksin và đồng minh của ông đã thắng tất cả các cuộc bầu cử từ năm 2001, nhưng những người chỉ trích nói rằng ông đã làm được như vậy bằng cách mua phiếu của cử tri ở nông thôn.

Khoảng 30 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 6 tháng, dẫn tới chỗ Đại tướng Prayuth Chan-ocha chiếm quyền vào ngày 22 tháng 5.

Ông Prayuth tuyên bố ông không có ý định nắm quyền mãi mãi nhưng chính phủ dân sự không thể phục hồi cho tới khi nào bạo động chấm dứt và các đối thủ chính trị hòa giải với nhau.

Giáo sư Warr tin rằng quân đội không muốn nắm quyền trong một thời gian dài vì quá khứ đã chứng minh là họ không thể cai trị đất nước một cách hữu hiệu.

Ông cho rằng tập đoàn quân nhân sẽ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tập trung quá độ theo kiểu “được ăn cả, ngả về không” để hướng tới chỗ phân tán quyền hành cho các tỉnh, một mô thức mà ông cho là phản ánh chính xác hơn những xu hướng chính trị ở Thái Lan.

Ông Warr nhận định: “Các chính quyền tỉnh không được bầu ra một cách dân chủ. Điều đó phải thay đổi. Dân chủ phải là phi trung ương hóa cho tới cấp vùng và chính quyền tỉnh phải có quyền tạo ra nguồn thu và đặc biệt là quyền sử dụng nguồn thu. Quyền đó phải được phi trung ương hóa.”
Khoảng 30 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 6 tháng, dẫn tới chỗ Đại tướng Prayuth Chan-ocha chiếm quyền vào ngày 22 tháng 5.
Khoảng 30 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 6 tháng, dẫn tới chỗ Đại tướng Prayuth Chan-ocha chiếm quyền vào ngày 22 tháng 5.

Giáo sư Warr cũng cho rằng quân đội nên chấm dứt sự đàn áp đối với các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí và ngưng chà đạp nhân quyền.

Quân đội đã câu lưu hoặc triệu tập hàng trăm chính khách, học giả, các nhà tranh đấu và các nhà báo của cả hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng.

Hầu hết những người đó đã được thả trong vòng một hay hai tuần, nhưng chỉ sau khi họ hứa không bỏ ra nước ngoài và không tham gia hoạt động chính trị.

Dựa theo lệnh thiết quân luật, tập đoàn quân nhân cũng áp dụng những sự hạn chế nghiêm nhặt đối với giới truyền thông và cấm chỉ những cuộc tụ họp vượt quá 5 người ở nơi công cộng.

Hôm qua, cảnh sát Thái Lan đã treo giải thưởng 15 mỹ kim cho những ai cung cấp hình ảnh của những người bị cho là bày tỏ sự chống đối đối với cuộc đảo chánh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG