Đường dẫn truy cập

Tin tặc Triều Tiên tìm cách đánh cắp công thức chế tạo vắc-xin của Pfizer


Hoạt động gián điệp nhắm vào các cơ quan y tế, các nhà khoa học về vắc-xin và nhà sản xuất thuốc gia tăng trong đại dịch COVID-19.
Hoạt động gián điệp nhắm vào các cơ quan y tế, các nhà khoa học về vắc-xin và nhà sản xuất thuốc gia tăng trong đại dịch COVID-19.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã nỗ lực đánh cắp thông tin về vắc-xin và phương pháp điều trị virus corona bằng cách tấn công tin tặc vào hãng dược Mỹ Pfizer, Reuters dẫn lời một nhà lập pháp được cơ quan này cho biết ngày 16/2.

Hoạt động gián điệp nhắm vào các cơ quan y tế, các nhà khoa học về vắc-xin và nhà sản xuất thuốc đã gia tăng trong đại dịch COVID-19, khi các nhóm hacker được nhà nước hậu thuẫn ra sức tranh giành để có được các nghiên cứu và thông tin mới nhất về đại dịch.

Ha Tae-keung, một thành viên đối lập của Ủy ban tình báo quốc hội, cho biết công ty dược phẩm lớn nằm trong số những nơi bị hack trong nỗ lực đánh cắp thông tin về vắc-xin và phương pháp điều trị.

Ông nói: “Đã có những nỗ lực đánh cắp vắc-xin và công nghệ điều trị COVID trong các cuộc tấn công mạng và Pfizer đã bị tấn công”.

Nói với các phóng viên sau một cuộc họp báo của cơ quan, ông Ha không cho biết chi tiết về thời gian hay kết quả của nỗ lực đánh cắp trên.

Thông tin mới được đưa ra sau nỗ lực hồi năm ngoái của các tin tặc Triều Tiên bị nghi ngờ đột nhập vào hệ thống của ít nhất 9 công ty về sức khỏe, y tế, chẳng hạn như Johnson & Johnson, Novavax Inc và AstraZeneca.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết họ đã ngăn chặn được các nỗ lực của nước láng giềng nhằm xâm nhập vào các công ty Hàn Quốc đang phát triển vắc-xin phòng virus corona.

Triều Tiên thường bị cáo buộc sử dụng đội quân tin tặc để kiếm tiền trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế ngăn cấm hầu hết các hoạt động thương mại quốc tế với nước này.

Các chuyên gia y tế nói tin tặc Triều Tiên có thể quan tâm đến việc bán dữ liệu đánh cắp hơn là sử dụng nó để phát triển một loại vắc-xin trong nước.

Triều Tiên dự kiến sẽ nhận được gần 2 triệu liều vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca-Oxford vào nửa đầu năm nay, thông qua chương trình chia sẻ vắc-xin COVAX.

Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp lây nhiễm nào, nhưng NIS cho biết không thể loại trừ dịch bùng phát ở Triều Tiên vì nước này có hoạt động thương mại và giao lưu nhân dân với Trung Quốc trước khi đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG