Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Ukraina mưu tìm sự trợ giúp Quốc tế


Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseniyut (trái) và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, 3/13/14
Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseniyut (trái) và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, 3/13/14
Thủ tướng lâm thời của Ukraina Arseniy Yatsenyuk, hôm thứ Năm, kêu gọi Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc hỗ trợ, giúp nước ông ngăn chận Nga sát nhập vùng Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý dự trù diễn ra vào Chủ nhật tới đây.

Thủ tướng Ukraina nói với cơ quan nhiều quyền lực nhất của Liên hiệp quốc rằng nước ông đang phải đương đầu với cuộc xâm lăng quân sự của Nga, một trong những người thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Ông nói:

“Cuộc xâm lăng này không có lý do và không có cơ sở. Hành động này tuyệt đối và hoàn toàn không thể chấp nhận trong thế kỷ 21, nhằm giải quyết bất cứ một cuộc xung đột nào bằng xe tăng, pháo binh và bộ binh”


Ông Yatsenyuk nói mặc dù Nga vi phạm một số hiệp định, Ukraina vẫn tin còn có cơ hội để giải quyết cuộc tranh chấp một cách hòa bình, tránh việc ly khai và sát nhập bán đảo Crimea vào Chủ nhật.

Ông hỏi Đại sứ Nga bằng tiếng Nga, rằng liệu Nga có muốn có chiến tranh hay không, “Chúng tôi đang tìm đáp án cho câu hỏi liệu người Nga có muốn có chiến tranh. Tôi chắc chắn với tư cách là Thủ tướng của Ukraina, từ nhiều thập niên đã có các quan hệ mật thiết và thân hữu với Nga--- Tôi tin rằng người Nga không muốn có chiến tranh.”


Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin trả lời ông Yatsenyuk qua phát biểu, “Nga không muốn có chiến tranh và người dân Nga cũng không muốn. Và tôi tin rằng người dân Ukraina cũng không muốn điều đó. Và hơn nữa, đây là điều tôi muốn nhấn mạnh, chúng tôi không thấy có bất cứ cơ sở nào để xem xét và diễn giải tình hình bằng ngôn từ như vậy. Chúng tôi không muốn có bất cứ điều gì làm trầm trọng tình hình thêm nữa.”

Sự cô lập quốc tế đối với Nga đã rõ ràng, ngay cả đồng minh thân cận nhất là Trung Quốc đã tỏ lập trường cứng rắn ủng hộ chủ quyền của Ukraina và khẳng định chính sách không can thiệp nội bộ nước khác.


Trước đó hôm thứ Năm, phái đoàn Hoa Kỳ đã cho lưu hành một dự thảo nghị quyết tái khẳng định các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và nền độc lập của Ukraina, và tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ nhật tới đây là bất hợp pháp, đồng thời thúc giục các nước không thừa nhận kết quả. Bản dự thảo không nêu tên nước Nga như một nước xâm lấn cũng không yêu cầu Nga rút binh sĩ khỏi Crimea.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Samantha Power nói rằng pháp biểu của Đại sứ Nga dường như tán đồng cuộc trưng cầu dân ý và sát nhập vùng Crimea. Bà nói:

“Điều này là một báo động nghiêm trọng, một trong những lý do khiến chúng tôi lưu hành dự thảo nghị quyết này, với hy vọng tìm được một phương cách tỏ cho thấy mức độ cô lập của Nga khi họ theo đuổi con đường phi hòa bình.:

Các nhà ngoại giao nói rằng họ dự trù Nga sẽ phủ quyết, tuy nhiên nếu Trung quốc đồng minh thân cận của Nga bỏ phiếu trắng, điều đó sẽ chứng tỏ sự cô lập quôc tế rộng lớn đối với Nga. Nhiều nhà ngoại giao cho biết họ ủng hộ cuộc biểu quyết sẽ diễn ra trước thứ Bảy này.

Thủ tướng Yatsenyuk của Ukraina cũng đã gặp Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon hôm thứ Năm. Ông Ban Ki-moon lập lại lời kêu gọi tất cả các bên liên hệ hãy giảm tình hình căng thẳng và tìm giải pháp thông qua đối thoại chính trị.


Trước đó hôm thứ Năm Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói trong một cuộc điều trần tại Quốc hội rằng Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu, thứ Hai tới đây, sẽ đáp ứng bằng “một loạt biện pháp quan trọng” nhắm vào Nga nếu cuộc trưng cầu dân ý về vùng Crimea diễn ra vào Chủ nhật.

Ông Kerry nói trong cuộc điều trần rằng ông hy vọng tránh các biện pháp như vậy, bao gồm các biện pháp chế tài, qua các cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, tại London vào thứ Sáu.
Bộ Ngoại giao Nga nói ông Lavrov và ông Kerry đã thảo luận về các đề nghị giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại hôm thứ Năm. Và Ngoại trưởng Nga-Mỹ, sẽ có cuộc họp ở London vào thứ Sáu, thảo luận về “tình hình ở Ukraina, xét đến các đề nghị hiện nay của Mỹ và Nga nhằm bình thường hóa không khí căng thẳng và mang lại hòa bình.

Hoạt động quân sự của Nga

Nga đã loan báo các hoạt động quân sự mới hôm thứ Năm gần biên giới Ukraina, khiến Tổng thống lâm thời của Ukraina Oleksandr Turchynov cảnh báo rằng các lực lượng đó dường như “sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào.”

Truyền thông Nga nói rằng các diễn tập sẽ diễn ra trong 2 tuần tới, trong khi Hoa Kỳ và Tây Âu đối đầu với Nga về số phận của bán đảo Crimea có dân nói tiếng Nga của Ukraina.

Hôm thứ Năm tại Moscow, Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận về các hoạt động quân sự lớn với lực lượng thiết giáp và không quân gần biên giới phía đông của Ukraina. Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận có sự tham gia của các đơn vị pháo binh, phi cơ trực thăng tấn công và ít nhất 10.000 binh sĩ.

Trước đó trong tuần này, NATO loan báo việc triển khai phản lực cơ chiến đấu và máy bay trinh sát trong lãnh thổ các nước châu Âu giáp ranh Nga.

Đức cảnh báo Nga

Trước đó Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Nga có nguy cơ thiệt hại nặng về kinh tế và chính trị nếu không thay đổi đường lối trong vụ khủng hoảng ở Ukraina.

Trong bài diễn văn đọc trước quốc hội Đức hôm thứ Năm, Thủ tướng Merkel nói rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina “không phải là vấn đề mang ra thảo luận.”

Bà cũng nói rằng Liên hiệp Âu châu sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga nếu nước này không thành lập một nhóm tiếp xúc để thảo luận về cuộc khủng hoảng Crimea.

Hãng thông tấn DPA của Đức trích nhận định của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier về các phương cách khả dĩ để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Ông nói: “khó có hy vọng” cho một giải pháp ngoại giao vào thời điểm này nếu cuộc trưng cầu dân ý cứ tiến hành.

Ông nói rằng cuộc họp giữa Ngoại trưởng Kerry và Lavrov vào thứ Sáu này“có thể là cơ hội cuối cùng”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG