Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Phúc thúc giục hợp tác với nước ngoài để phát triển vũ khí quân sự


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc giục tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để “cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, anh ninh." (Ảnh chụp màn hình TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc giục tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để “cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, anh ninh." (Ảnh chụp màn hình TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các lực lượng quốc phòng đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất và bán vũ khí quân sự cũng như hợp tác với nước ngoài trong các hoạt động này.

Yêu cầu của người đứng đầu chính phủ Việt Nam được đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hồi đầu tháng này lên tiếng cảnh báo về những “diễn biến phức tạp trên Biển Đông” và yêu cầu quân đội “đề cao cảnh giác” để “sẵn sàng chiến đấu” giữa lúc xung khắc giữa Hà Nội và Bắc Kinh trên vùng biển đầy tranh chấp tăng cao trong những tháng gần đây.

Tại hội nghị ban chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hôm 3/6 với sự có mặt của ông Lịch và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thủ tướng Phúc cho biết Bộ Công an đã bước đầu nghiên cứu, sản xuất được một số chủng loại trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chiến đấu cho lực lượng công an nhân dân, theo cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Ông Phúc được trích lời nói rằng “trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực” trong những năm tới đây, “nhiệm vụ xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có tinh thần đổi mới tư duy và có giải pháp, cách thức thực hiện phù hợp hiệu quả.” Thủ tướng cho rằng cần phải có “đột phá về năng lực nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, anh ninh.”

Người đứng đầu Chính phủ Hà Nội thúc giục các lực lượng quốc phòng “tăng cường hợp tác” với các đối tác nước ngoài để “cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, anh ninh” của Việt Nam. Ông Phúc còn nêu lên sự cần thiết phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, an ninh Việt Nam, gồm vũ khí quân sự.

Hồi đầu năm nay, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam cho biết họ tiếp tục chú trọng nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu các loại vũ khí mới, trong năm 2020, theo Tiền Phong.

Việt Nam đứng thứ 22 trên 138 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về sức mạnh quân sự, theo đánh giá của Global Firepower.

Theo báo cáo của ICD Research, khả năng sản xuất quốc phòng trong nước của Việt Nam tương đối kém phát triển, do quốc gia Đông Nam Á còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị gốc nước ngoài để đáp ứng các nhu cầu quân sự.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam bị chi phối lớn bởi các nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Nga, nhưng các nhà cung cấp của Mỹ và châu Âu gần đây đã thâm nhập thị trường quốc phòng Việt Nam thông qua việc bán thương mại trực tiếp các hệ thống phòng thủ tiên tiến, theo ICD Research. Hơn nữa, Việt Nam giành ưu tiên cho các thoả thuận giữa chính phủ với chính phủ trong việc mua sắm các hệ thống quốc phòng.

Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam phát hành năm 2019, chính phủ Hà Nội tiết lộ chi tiêu cho quốc phòng chiếm 2,36% GDP năm 2018, tăng hơn so với mức 2,23% GDP năm 2010.

VOA Express

XS
SM
MD
LG