Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Pakistan bênh vực các cuộc hòa đàm với Taliban


Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tiếp tục bênh vực cho những nỗ lực của chính phủ ông trong việc đối phó với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và chủ trương hiếu chiến thông qua các cuộc hòa đàm với phe Taliban ở Pakistan. Nhưng những người chỉ trích nói rằng cuộc đối thoại hòa bình gặp nhiều trục trặc này làm cho các nhóm Hồi giáo ở Pakistan trở nên táo tợn hơn, và gây thêm lo ngại cho các thiểu số tôn giáo khác. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua tường thuật do thông tín viên Ayaz Gul của đài VOA gởi về từ Islamabad.

Các nhóm xã hội dân sự và các lực lượng chính trị ôn hòa phản đối chính sách tham gia hòa đàm với phe Taliban ở Pakistan của Thủ tướng Sharif. Những người phê phán cho rằng liên minh bị đặt ngoài vòng pháp luật của các nhóm hiếu chiến đã giết chết hàng chục ngàn người Pakistan là một phần trong kế hoạch của những nhóm này để bác bỏ hiến pháp và thông qua các phương tiện bạo lực để áp đặt chế độ cai trị dựa theo giáo lý Hồi giáo bảo thủ.

Mặc dù cuộc đối thoại có rất ít tiến bổ kể từ khi bắt đầu từ hai tháng trước, Thủ tướng Sharif vẫn nói với một nhóm các nhà ngoại giao Pakistan ở Islamabad vào thứ Ba rằng tiến trình này có thể mang lại sự chấm dứt của chủ trương hiếu chiến đã gây ra nhiều chết chóc.

“Chúng tôi hy vọng là những nỗ lực chân thành của chúng tôi sẽ mang lại kết quả mong muốn và sẽ góp phần đảo ngược làn sóng bạo lực đang làm cho đất nước chúng ta không thể hiện được tiềm năng thực sự của mình”.

Thế nhưng các nhà quan sát địa phương và quốc tế đã báo cáo về sự suy giảm đáng báo động trong lĩnh vực nhân quyền ở Pakistan. Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ trong phúc trình gần đây nhất bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của các mối đe dọa đối với các cộng đồng thiểu số ở Pakistan. Họ nói rằng tự do tôn giáo ở đây đã xuống đến mức thấp nhất.

Một tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập, Ủy hội Nhân quyền Pakistan (HRCP) trong bản phúc trình mới nhất cũng nói rằng tình trạng nhân quyền không cho thấy bất cứ sự cải thiện nào trong 6 tháng qua. Họ nói thêm rằng “nhiều lý do báo động đã hiện ra”. Tổ chức này lên án các cuộc tấn công vào những nơi thờ phượng không thuộc Hồi giáo. Ủy ban cho biết có nhiều vụ tấn công vào các đền thờ Ấn Ðộ giáo, đặc biệt là ở các khu vực miền Nam Pakistan.

Tổng thư ký Ủy hội Nhân quyền Pakistan, ông I. A. Rehman, nói rằng sự bất an nơi những người không thuộc Hồi giáo được phản ánh qua việc hàng ngàn người đã rời bỏ đất nước vào thời điểm có sự gia tăng trong việc bất dung chấp tôn giáo khiến nhiều người phải cải đạo sang đạo Hồi.

Pháp luật Pakistan hình sự hóa việc xúc phạm đạo Hồi, là tôn giáo chính của nước này. Những người chỉ trích nói pháp luật đã bị lạm dụng trong những năm gần đây để đàn áp các tôn giáo thiểu số.

Ông Rehman cho biết sự gia tăng của tinh thần bất dung chấp tôn giáo dưới thời chính phủ Sharif là một vấn đề gây quan tâm rất lớn đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự ở Pakistan.

“Các chính sách đang được thực hiện đồng thời cũng tạo ra các vấn đề. Chúng tôi luôn mong muốn hòa bình, nhưng chúng tôi muốn biết những điều kiện nào để có được hòa bình từ Taliban. Cũng giống như nhiều tổ chức xã hội dân sự khác, chúng tôi rất lo sợ là sự nhượng bộ duy nhất mà chính phủ sẽ đưa ra là cái giá phải trả về phụ nữ và người thiểu số”.

Các lực lượng an ninh Pakistan đã thực hiện nhiều chiến dịch tấn công liên tục để chống lại các nhóm phiến quân cố thủ ở các khu vực bộ lạc ở miền tây bắc, nhưng họ vẫn chưa thể phá vỡ được các căn cứ của quân nổi dậy. Cũng đã có các cuộc hòa đàm và thỏa thuận với các phiến quân trước đây, nhưng những người chỉ trích cho rằng hòa đàm không có ích lợi gì mà chỉ cho phép các nhóm quá khích có thêm thời gian để tập hợp lại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG