Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Campuchia dọa tiếp tục đàn áp phe đối lập


Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh tư liệu)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh tư liệu)

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đe dọa sẽ gia tăng đàn áp khuynh hướng chống đối chính phủ đang ngày càng tăng trong phe đối lập, cảnh báo rằng “bất kỳ ai đã mắc sai phạm, thì đừng tiếp tục sai lầm nữa. Nếu không, sẽ có một kết cục xấu xảy ra”.

Đây là một kiểu phản ứng rất quen thuộc của ông Hun Sen đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ tiềm tàng, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng cách tiếp cận đầy tính gây hấn này có phần chắc không giúp gì cho thủ tướng Campuchia ở phương diện quan trọng nhất, đó là các lá phiếu.

Đảng cầm quyền Nhân Dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen đã nắm quyền trở lại trong kỳ bầu cử năm 2013, nhưng giảm đa số đáng kể sau khi phe đối lập khai thác sự oán giận đầy ắp trong dân chúng về tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo cực lớn và việc chiếm dụng đất đai.

Không có gì cho thấy sự giận dữ có chiều hướng giảm xuống và việc thủ tướng săn đuổi phe đối lập – vốn được thế lực quân đội hậu thuẫn – đã nằm hàng đầu trên các tiêu đề báo chí và truyền thông xã hội trên khắp vương quốc Campuchia. Các chính phủ nước ngoài và các nhóm xã hội dân sự đã liên tục lên án điều này.

Tình hình càng không mấy sáng sủa vì cuộc tranh cãi xung quanh các vụ chuyển nhượng đất kinh tế (ELCs) trong lúc tờ Financial Times đưa ra các bài viết tiết lộ những giao dịch bí mật giữa những người thân tín của ông Hun Sen và những doanh nhân Trung Quốc cao cấp có liên hệ với Bắc Kinh, như ông Phú Tương Đình, còn được gọi là “Anh Cả Phú”.

Việc chiếm dụng đất đai và vụ giết nhà phân tích độc lập Kim Ley hồi tháng 7 cũng khiến Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Haye chú ý. Tòa án này hiện đang xem xét những cáo buộc cho rằng việc chiếm đất của “giới cầm quyền chóp bu” Campuchia đã dẫn tới tội ác chống nhân loại.

Rất có thể ICC sẽ khởi động một cuộc điều tra chính thức những cáo buộc nổi lên hồi tuần rồi, khi tòa án nói rằng các giám đốc điều hành công ty có thể bị đưa ra xét xử cùng với các tội phạm chiến tranh và các nhà độc tài vì việc chiếm đất và hủy hoại môi trường.

Ông Van Sopath, Điều phối viên Dự án Cải cách ruộng đất của Trung tâm Nhân quyền Campuchia, nói:

“Tôi cho là sẽ rất tốt nếu ICC thi hành việc này. Nếu cơ quan này đồng ý và giải quyết những sự việc đã xảy ra tại Campuchia, đặc biệt là vấn đề chiếm đất, thì sẽ rất hữu ích”.

Từ đường cao tốc tới cuộc bầu cử

“Anh Cả Phú”, những doanh nhân địa phương như Ly Yong Phat và các thành viên của gia đình Thủ tướng Hun Sen, những người có tài sản được định giá một phần là ít nhất 200 triệu đôla, theo báo cáo của tổ chức Global Witness hồi tháng 7, đã trở nên vô cùng giàu có sau những thương vụ đất đai.

Nhưng phản ứng của công chúng đối với sự giàu có của họ và khả năng có một vụ điều tra của ICC chỉ là hai “cơn đau đầu chính trị” mà Thủ tướng Hun Sen phải đối diện trong bối cảnh dẫn tới các cuộc bầu cử cấp phường xã vào tháng 6 và tổng tuyển cử vào giữa năm 2018. Ông Hun Sen là lãnh đạo lâu năm nhất ở châu Á với 31 năm cầm quyền.

Có lẽ vấn đề quan trọng nhất là kinh tế và thay đổi dân số. Có ít nhất 65% dân số Campuchia dưới 30 tuổi và họ đã hợp lực cùng với Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) ba năm trước đây.

Các thành viên Đảng Cứu Quốc Campuchia tại trụ sở đảng ở Phnom Penh, 27/5/2016.
Các thành viên Đảng Cứu Quốc Campuchia tại trụ sở đảng ở Phnom Penh, 27/5/2016.

Lá phiếu của giới trẻ ít trải nghiệm về chiến tranh hoặc là câu thần chú của thủ tướng, rằng ông đã kết thúc ba thập kỷ xung đột và việc cai trị độc đoán nhằm đảm bảo an ninh, có thể tạo điều kiện cho một thời kỳ tăng trưởng kinh tế chưa từng có.

Một nhà phân tích Campuchia, xin giấu tên vì lo ngại chính phủ đàn áp, nói:

“Đã từng có thời vận động bầu cử có nghĩa là thực hiện những chuyến đi đến các ngôi làng xa xôi hẻo lánh kèm theo những tờ rơi và những túi gạo, những thùng thuốc lá”.

Nhân vật này nói tiếp:

“Mọi thứ đã thay đổi. Giới trẻ Campuchia muốn có điện thoại thông minh, các phụ kiện thời trang và công việc có lương đủ đáp ứng cho cuộc sống xa xỉ và họ đang thách thức người thủ cựu vì những cảnh báo của ông về việc sẽ có xung đột trở lại, nếu như ông và đảng CPP mất quyền hành, một giọng điệu cũ rích và mệt mỏi, và rất khó tìm được việc làm tốt”.

Những suy đoán về việc đóng cửa các phân xưởng may và sự suy thoái ở Trung Quốc đã làm giảm mạnh những quan điểm về triển vọng kinh tế và gây nghi ngờ về khả năng của Bắc Kinh trong việc duy trì nguồn tài trợ cho Campuchia, ước tính khoảng 15 tỷ đôla trong hai thập niên qua.

Quan trọng hơn, giá các mặt hàng nông phẩm như gạo bị giảm mạnh và Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế là 6,9% trong năm 2016, giảm đi so với mức trung bình khoảng 8,0% ở thập niên trước, và công việc làm gần như chỉ vừa đủ cho quốc gia có lực lượng lao động trẻ và đang phát triển.

Nhà phân tích độc lập trên nói: “Đây là một cơn bão chính trị toàn diện”, đồng thời cho biết thêm rằng “ông Hun Sen đang gặp thách thức bởi giới trẻ, nền kinh tế và có khả năng là từ tòa án quốc tế và ông đang mắng mỏ và nhắm mục tiêu vào những người muốn giành lấy vị trí của ông – đó là phe đối lập”.

Những dấu hiệu bất mãn

Ông William Conklin, giám đốc quốc gia của nhóm quyền lao động có trụ sở tại Hoa Kỳ có tên Trung tâm Đoàn kết, nói chính quyền Campuchia sẽ tranh đấu để giành lợi thế chính trị đã bị mất vì vấn đề nhân quyền, hiện đang trở thành vấn đề ngày càng lớn trong bầu cử.

Ông Conklin nói:

“Đó sẽ là vấn đề lớn, đặc biệt là khi có liên hệ với các quyền sử dụng đất, quyền lao động trong những năm tới. Đây là những khía cạnh khác nhau của các quyền dân sự cơ bản đã bị giới hạn hoặc ít chú trọng trong quá khứ. Đây là những gì mà người dân quan tâm”.

Các nguồn tin đối lập cấp cao nói họ dự đoán rằng Thủ tướng Hun Sen tiếp tục đàn áp và nói rằng muốn thấy những bản án chống lại các lãnh đạo CNRP, vì điều này có thể cung cấp một tiền đề pháp lý nhằm ngăn chặn ông Sam Rainsy và ông Kem Sokha tham gia tranh cử.

VOA không thể có được bình luận của các giới chức chính phủ Campuchia về vụ việc này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG