Đường dẫn truy cập

Đại hội Loya Jirga sẽ biểu quyết hiệp định an ninh Mỹ-Afghanistan


Quang cảnh nơi diễn ra hội nghị Loya Jirga ở Kabul, Afghanistan, 20/11/2013
Quang cảnh nơi diễn ra hội nghị Loya Jirga ở Kabul, Afghanistan, 20/11/2013

Đại hội đồng các bộ tộc Afghanistan Loya Jirga

Đại hội đồng các bộ tộc Afghanistan Loya Jirga


-Diễn ra từ 21 đến 24 tháng 11.
-Là cơ quan truyền thống thực hiện các quyết định của Afghanistan.
-Sẽ thảo luận thỏa thuận an ninh giữa Afghanistan và Hoa Kỳ.
-Gồm 2500 đại biểu, kể cả thành viên chính phủ, học giả tôn giáo, bô lão bộ tộc.
-Tổ chức trong một lều trại được canh phòng cẩn mật ở Kabul.
-Một Loya Jirga đã được triệu tập vào năm 2012 để chấp thuận Hiệp ước Hợp tác Chiến lược Hoa Kỳ-Afghanistan.
Hôm nay, khoảng 2.500 bô lão cộng đồng và bộ tộc Afghanistan sẽ cùng với hàng trăm nhà làm luật dự một cuộc tranh luận trong 4 ngày để quyết định liệu có lực lượng Hoa Kỳ nào ở lại nước này sau năm 2014.

Quyết định của nghị hội tham vấn bộ tộc về việc liệu có chấp nhận một thỏa thuận đã đạt được một cách khó khăn giữa Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan và chính phủ Hoa Kỳ dự nhiều phần rủi may trong tương lai của Afghanistan.

An ninh rất chặt chẽ tại thủ đô Afghanistan với nhiều chốt kiểm soát của cảnh sát và quân đội khắp thành phố. Xe cộ giao thông bị cấm trên con đường đến địa điểm hội nghị gọi là Loya Jirga và những người vào khu vực bị khám xét cẩn thận.

Hồi cuối tuần qua, một quả bom nổ cách địa điểm này 500 mét, một sự nhắc nhở rõ ràng về mối đe dọa chủ chiến trong nước.

Những quan ngại về an ninh, cũng như những nghi ngờ về các lân quốc Pakistan và Iran mà một số người cho là đang tìm cách bành trướng thế lực của họ tại Afghanistan, khiến các nhà làm luật như Salih Mohammad Salih ủng hộ thỏa thuận an ninh.

Ông Salih nói với đài VOA: “Chúng tôi cần phải đoan chắc là thỏa thuận an ninh song phương chứa ngôn từ mà bất cứ nước nào tấn công hay can thiệp trên lãnh thổ của chúng tôi, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ quân đội quốc gia và lực lượng an ninh của chúng tôi trong việc đẩy lui.”

Ông Karzai đã thương lượng một dự thảo thỏa thuận với các giới chức Hoa Kỳ. Nhưng tính đến hôm nay, thứ tư, một ngày trước khi hội nghị Jirga khởi sự, một đề nghị của Afghanistan muốn Tổng thống Barack Obama ký một lá thư thừa nhận các sai lầm của nhân viên quân đội Hoa Kỳ, và nhân dân Afghanistan đã phải chịu đựng trong 12 năm xung đột, vẫn chưa được thực hiện.

Một vấn đề còn cần phải giải quyết là quân đội Hoa Kỳ sẽ có khả năng bố ráp nhà cửa của người dân Afghanistan trong những điều kiện như thế nào sau năm 2014.

Theo phát ngôn viên của Tổng thống Afghanistan, ông Aimal Faizi, bức thư vừa kể cũng sẽ bao gồm ngôn từ cho phép chỉ được thực hiện những vụ dùng vũ lực xâm nhập gia cư trong “những tình huống khác thường” với lời bảo đảm của ông Obama rằng những sai lầm trước đây sẽ không xảy ra nữa.

Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice tuyên bố tại Washington rằng Hoa Kỳ không cần phải xin lỗi Afghanistan.

Ngay cả nếu như vấn đề đó được giải quyết, toàn bộ thỏa thuận sẽ cần phải có sự chấp thuận của Loya Jirga, sau đó là một cuộc biểu quyết của Quốc hội.

Mặc dầu nhiều thành viên của Quốc hội là do ông Karzai chọn, dự trù vẫn sẽ có tranh luận về việc liệu quân đội và các nhà thầu của Hoa Kỳ nên được xét xử ở Afghanistan hay ở các tòa án Hoa Kỳ về những hành vi sai trái.

Ðiều đó có thể có nghĩa là chính quyền Obama sẽ triệt thoái toàn bộ, thay vì để lại mấy ngàn binh sĩ vào cuối năm tới.

Sự kiện này như thế có thể đe dọa nhiều đến viện trợ dành cho Afghanistan mà Hoa Kỳ đang cứu xét. Theo nhà lập pháp Haji Mirdad Khan Nijrabi không thể chịu đựng được.

Ông nói: “Hoa Kỳ đã hứa trả 4,1 tỷ đôla cho lực lượng an ninh, và thêm 4 tỷ đôla nữa cho các cơ sở dân sự của chúng ta. Nếu hội nghị Loya Jirga khuyến cáo chính phủ bác bỏ thỏa thuận, chúng ta có nguy cơ mất khoản viện trợ này.”

Ý kiến của dân chúng trên đường phố rất chia rẽ, một số muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ, những người khác lo ngại về hệ quả của sự việc này.

Ông Abdul Ali Sultani ở tỉnh Farah miền tây nói với đài VOA: “Tôi nghĩ nếu không có một thỏa thuận, thì chẳng bao lâu ta sẽ thấy Taliban, tình báo Pakistan và tình báo Iran ở ngay cửa ngõ của Kabul.”

Ðối với Hoa Kỳ, một sự hiện diện liên tục ở Afghanistan sẽ khiến Washington có thời gian cải thiện khả năng của lực lượng an ninh Afghanistan, cũng như bảo đảm rằng al-Qaida một lần nữa không có được một chỗ đứng ở nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG