Đường dẫn truy cập

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi khoan dung


Ông Ban cũng cho biết là con số người tị nạn trở về nhà trong năm ngoái thấp nhất trong hơn 3 thập niên.
Ông Ban cũng cho biết là con số người tị nạn trở về nhà trong năm ngoái thấp nhất trong hơn 3 thập niên.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kỷ niệm Ngày Người Tị nạn Thế giới bằng lời kêu gọi thế giới nhớ đến nỗi thống khổ của gần 60 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì các cuộc xung đột và bị ngược đãi.

Trong một tuyên bố ngày thứ Bảy, ông Ban thúc đẩy cộng đồng quốc tế tôn trọng “tính nhân đạo chung của chúng ta,”trong khi đón chào “khoan dung và đa dạng.”

Ông liên kết sự hỗn loạn về di dân chưa từng có trước đây với chiến tranh đang tiếp diễn tại Syria và những cuộc khủng hoảng ở Iraq, Ukraine, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và một phần Pakistan.

Ông Ban nói: “Điều này có nghĩa là cứ 122 người là có một người tị nạn hoặc tản cư trong nước hoặc xin tị nạn.” Ông nói thêm là các số liệu của Liên hiệp quốc cho thấy trung bình có 42.500 người trở thành người tị nạn mỗi ngày trong năm 2014-tăng gấp 4 lần trong 4 năm qua.

Ông Ban cũng cho biết là con số người tị nạn trở về nhà trong năm ngoái thấp nhất trong hơn 3 thập niên.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong một tuyên bố hôm thứ Sáu mô tả việc kỷ niệm Ngày Người Tị nạn Thế giới là “một dịp trọng đại để nước Mỹ sát cánh với các đối tác trong cộng đồng quốc tế để thừa nhận phẩm giá, giá trị và tiềm năng của mỗi một người tị nạn.”

Tổng thống Obama nói thêm là “Những thống khổ của những người này được thấy qua các hình ảnh- những người chờ đợi tại các cửa khẩu, cư ngụ trong các lều vải dài vô tận, và chen chúc trong các con thuyền mong manh ngoài biển-trong khi những người khác chen chúc dưới bóng các thành phố lớn, có thể không được ai để ý đến.”

Ngày thứ Bảy tại miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đặc sứ Liên hiệp quốc Angelina Jolie đến thăm một trại tị nạn gần biên giới Syria, và sau đó kêu gọi cộng đồng thế giới công nhận điều bà gọi là “Sự thật đáng sợ” về biến động này.

Bà mô tả cuộc khủng hoảng di dân là “sự bùng nổ về sự đau khổ của con người và thất tán,” và nói chỉ cứu trợ không thôi không còn có thể làm giảm bớt cuộc khủng hoảng nữa. Bà nói thêm “Cuộc khủng hoảng này cần phải được xử lý bằng ngoại giao và luật pháp.”

Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết trong một bản phúc trình mới rằng một số người cao kỷ lục đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi an toàn – 59 triệu 500 ngàn người trong năm vừa qua so với 51 triệu 200 ngàn người của năm trước đó.

Cao uỷ trưởng Cao uỷ Tị nạn, ông Antonio Guterres, nói “Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi có tính chất mô hình, một sự tuột giốc không kiểm soát vào một thời đại mà tầm mức của nạn thất tán trên toàn cầu, cũng như sự ứng phó cần có đối với nạn này, rõ ràng là đang vượt xa những gì mà chúng ta chứng kiến trước đây.”

Cao uỷ trưởng Guterres nói “Đối với một thời đại của sự thất tán hàng loạt chưa từng có trước đây, chúng ta cần có một sự ứng phó nhân đạo không có tiền lệ và một sự cam kết mới trên toàn thế giới đối với việc chấp nhận và bảo vệ những người trốn chạy xung đột và áp bức.”


Indonesia giải cứu 500 di dân lênh đênh ngoài biển
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:08 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG