Đường dẫn truy cập

LHQ: Thế giới đối mặt với khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất


Đông đảo người tị nạn Syria chạy trốn giao tranh tập tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Đông đảo người tị nạn Syria chạy trốn giao tranh tập tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế giới đang đối mặt với vụ khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất trong thời hiện đại và sự ứng phó toàn cầu đối với vụ này là vô cùng bất cập. Đó là nhận định mà Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đưa ra trong bản phúc trình thường niên mới nhất. Các tổ chức cứu trợ đang kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu để tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng này.

Ông Sameh, một người Syria tị nạn, cùng với vợ và con trai, đã lê bước trên bến tàu ở thành phố Catania của nước Ý sau khi rời khỏi một chiếc tàu của hải quân Ireland. Ông bị kiệt sức, cháy da, thiếu nước và không mang theo hành trang nào ngoài một chiếc túi đựng vài bộ quần áo.

Ông Sameh và hàng trăm người khác đã được cứu từ những chiếc tàu ọp ẹp trên biển Địa Trung Hải. Ông nói:

"Người nào trên trái đất này cũng yêu thương đất nước của mình. Nhưng tình hình ở Syria đã buộc dân chúng phải bỏ đi để tìm nơi tạm trú an toàn và một quốc gia an toàn cho bản thân và cho vợ con của mình".

Ông Sameh và gia đình nằm trong làn sóng thuyền nhân ồ ạt kéo tới các nước Liên hiệp Âu châu trong thời gian vừa qua. Liên Hiệp Quốc cho biết tính đến cuối năm 2014, hơn 60 triệu người bị buộc phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nhiều hơn bất kỳ lúc nào khác trong lịch sử loài người.

Thảm kịch

Từ đầu năm tới nay, hơn 100.000 thuyền nhân đã vượt Địa Trung Hải tới Âu châu. Hơn 2.000 người thiệt mạng. Nhưng ông Andrej Mahecic, một viên chức của Cao ủy Tị nạn, nói rằng vụ khủng hoảng ở Âu châu chỉ là một phần của thảm kịch.

"Địa Trung Hải có lẽ chỉ là hậu quả có thể thấy được của những gì mà chúng tôi nhìn thấy trên toàn cầu. Quí vị đừng quên là 86% người tị nạn trên thế giới được tiếp nhận bởi các nước đang phát triển. Thí dụ, Syria là nước có sự thất tán lớn nhất trong 4 năm qua. Hầu hết những người Syria đã tìm nơi lánh nạn tại các nước láng giềng, gần 4 triệu người".

Người tị nạn đợi phân phát cứu trợ tại trại tị nạn của người Palestine tại Damascus, Syria.
Người tị nạn đợi phân phát cứu trợ tại trại tị nạn của người Palestine tại Damascus, Syria.

Những hình ảnh thương tâm trên truyền hình hồi đầu tuần này cho thấy người Syria tị nạn để tránh cuộc giao tranh giữa Nhà nước Hồi giáo và các lực lượng người Kurd tìm cách băng qua hàng rào biên giới để vào Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước láng giềng của Syria đang ra sức ngăn chặn làn sóng người tị nạn. Theo bà Anna Shea của Hội Ân Xá Quốc Tế, những nước này nhận được rất ít sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

"Tại Li Băng lúc này, cứ 5 người là có 1 người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ có số người Syria tị nạn đông đảo nhất: hơn 1,7 triệu người. Do đó, khi đối mặt với việc một số người tị nạn quá đông tràn vào trong một khoảng thời gian ngắn, các nước quay sang áp dụng những biện pháp gây nhiều lo ngại".

Hội Ân Xá Quốc Tế mô tả vấn đề người tị nạn Phi châu là vụ khủng hoảng bị thế giới quên lãng. Chỉ riêng trong vùng phía nam sa mạc Sahara đã có tới hơn 3 triệu người tị nạn. Bà Shea phát biểu như sau về tình hình hiện nay ở Phi châu.

"Một điều rất đặc biệt là có nhiều nước vừa là nguồn vừa là điểm đến của người tị nạn. Những nước bách hại dân chúng và là nơi người dân bị đau khổ vì những vụ chà đạp nhân quyền cũng là những nước đón tiếp người tị nạn".

Ứng phó thiếu thỏa đáng

Bà Shea nói rằng sự ứng phó thiếu thỏa đáng của cộng đồng quốc tế đã bộc lộ một cách hết sức rõ rệt hồi tháng trước, khi hàng vạn người Rohingya tị nạn từ Myanmar bị bỏ mặc trên những chiếc tàu lênh đênh trên biển Andaman trong nhiều tuần lễ mà không có nước nào chịu tiếp nhận họ. Indonesia và Malaysia hiện giờ đã đồng ý cho những người này tạm trú.

Ông Andrej Mahecic của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đang tiến vào một thời đại nguy hiểm, trong đó sự ứng phó nhân đạo quá yếu ớt trong lúc khủng hoảng người tị nạn mỗi lúc một nghiêm trọng hơn.

"Trong 5 năm qua, 15 vụ xung đột đã bùng ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chỉ riêng ở Phi châu đã có 8 vụ. Ba vụ ở Trung Đông, nếu chúng ta chỉ tính tới Syria, Iraq và Yemen. Một vụ khác ở Ukraine, ở Âu châu. Đây là một thất tán chưa từng có trước đây và nó đòi hỏi một sự ứng phó không có tiền lệ".

Ông Mahecic cho biết mối hy vọng duy nhất trong dài hạn là một giải pháp chính trị. Nhưng nhiều vụ xung đột trong những vụ xung đột này đang gia tăng cường độ và số người bị buộc phải bỏ chạy đang tiếp tục gia tăng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG