Đường dẫn truy cập

Điều tra thao túng tiền tệ: Việt Nam có ‘xứng đáng’ bị TT Trump đánh thuế?


Một người ủng hộ gốc Việt dương biểu ngữ bên ngoài Bệnh viện Quân đội Water Reed nơi Tổng thống Donald Trump điều trị COVID-19 hồi tháng 10/2020. Có nhiều lo ngại Tổng thống Trump sẽ đánh thuế lên hàng hoá Việt Nam theo sau điều tra của USTR về thao túng tiền tệ.
Một người ủng hộ gốc Việt dương biểu ngữ bên ngoài Bệnh viện Quân đội Water Reed nơi Tổng thống Donald Trump điều trị COVID-19 hồi tháng 10/2020. Có nhiều lo ngại Tổng thống Trump sẽ đánh thuế lên hàng hoá Việt Nam theo sau điều tra của USTR về thao túng tiền tệ.

Chính quyền Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định liệu có đánh thuế lên hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam hay không theo kết luận điều tra của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về việc định giá tiền tệ của quốc gia Đông Nam Á

Bộ Tài chính Mỹ tháng trước ‘dán mác’ Việt Nam là nước thao túng tiền tệ nhưng việc định danh này không tự động kích hoạt các loại thuế hay các chế tài.

Cuộc điều tra của USTR theo Điều 301, cùng với một cuộc điều tra riêng biệt của cơ quan này về việc Việt Nam bị cáo buộc sử dụng gỗ từ nguồn cung bất hợp pháp, sẽ cho phép Mỹ đơn phương áp dụng các loại thuế trả đũa đối với các đối tác bị coi là có liên quan đến các hành vi thương mại không công bằng.

Điều 301 của Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ đã được dùng làm cơ chế cho các cuộc điều tra về hành vi thương mại của Trung Quốc và dẫn tới cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong hơn 2 năm qua.

Lo ngại trước sự kết luận “chóng vánh” đối với cuộc điều tra về khả năng Việt Nam thao túng tiền tệ, 24 hiệp hội thương mại của Mỹ vào tháng trước đã gửi một bức thư chung tới Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Lighthizer để yêu cầu USTR kéo dài thời gian lấy ý kiến công chúng cũng như lùi ngày điều trần công khai, mà trên thực tế đã diễn ra hôm 29/12 qua hình thức trực tuyến.

Tám hiệp hội thương mại đại diện cho các nhà đầu tư và nhà máy của Việt Nam và Hàn Quốc gần đây cũng đã gửi thư cho USTR, kêu gọi cơ quan này xem xét kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến công chúng cho cuộc điều tra theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại 1974.

Tuy nhiên, USTR từ chối mở lại thời gian lấy ý kiến công chúng vốn sẽ kết thúc vào ngày 7/1 và điều này cho Tổng thống Trump khoảng 2 tuần lễ để hành động theo bất kỳ khuyến nghị nào về thuế quan nhắm vào Việt Nam trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1.

Thâm hụt thương mại

Các cuộc điều tra đối với Việt Nam được khởi xướng theo yêu cầu của Tổng thống Trump vào đầu tháng 10, giữa lúc thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng cao kỷ lục cùng việc các công ty Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, mà đích đến phần nhiều là Việt Nam, để tránh thuế quan của Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam cho đến hết tháng 10/2020 là hơn 56,6 tỷ USD, cao hơn mức tổng thâm hụt của toàn bộ năm 2019 – mức cao nhất trong lịch sử thương mại hàng hoá giữa hai nước kể từ 1992. Việt Nam hiện là quốc gia có mức thâm hụt thương mại cao thứ 3 với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại lớn là do các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ mất đi lợi thế về thuế.
Alexander Feldman, Chủ tịch và CEO của Hội đồng Doanh nghiệp US-ASEAN


Nhà Trắng coi Hà Nội là mục tiêu về thâm hụt thương mại kể từ ngày đầu tiên Tổng thống Trump nhậm chức. Vấn đề thâm hụt thương mại đã được ông Trump một lần nữa nhắc tới trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 22/12.

Hầu hết các doanh nghiệp và các tổ chức tham giam cuộc điều trần công khai hôm 29/12 nói rằng thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Việt Nam là do các yếu tố khách quan, chứ không bởi vì tiền đồng bị định giá thấp.

Alexander Feldman, Chủ tịch và CEO của Hội đồng Doanh nghiệp US-ASEAN, nói tại buổi điều trần rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới thâm hụt thương mại lớn là do các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ mất đi lợi thế về thuế. Theo người đứng đầu hội đồng có trụ sở ở Washington DC, rào cản lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Mỹ là việc trên thực tế Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các nước trong khối đồng minh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên Mỹ đã rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà sau này trở thành CPTPP với 11 thành viên còn lại trong đó có Việt Nam.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định mà các chuyên gia nhận định rằng có đã thể đặt khoảng 40% nền kinh tế thế giới về phía Hoa Kỳ.

Cũng tại buổi điều trần của USTR, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Virginia Foote nói rằng các nhà xuất khẩu và nhập khẩu không coi các chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam là một vấn đề. Theo bà, Hoa Kỳ, trong khi đó, đã rời bỏ ra khỏi hầu hết các FTA trong khi thuế xuất là một yếu tố vô cùng quan trọng trong thương mại.

Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu không coi các chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam là một vấn đề.
Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham)


Giám đốc cao cấp của Hội đồng Doanh nghiệp Quốc tế Mỹ (USCIB) Eva Hampl nói rằng hiệp hội của bà không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các thành viên nói rằng việc định giá tiền tệ là một trong những mối lo ngại của họ.

Trong khi có 3 trong số hơn 20 bên ra làm chứng tại buổi điều trần ủng hộ cuộc điều tra của USTR, người đứng đầu USCIB nói rằng cho dù kế quả điều tra của Bộ Tài chính và USTR có thế nào thì việc áp thuế không phải là giải pháp thích hợp.

Nguy cơ thuế xuất

Các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cũng đang tích cực kêu gọi, vận động hành lang để ngăn chặn khả năng chính quyền Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, theo Viettimes.

Tại buổi điều trần, các lãnh đạo ngành công nhiệp Mỹ cảnh báo rằng thuế xuất áp lên Việt Nam sẽ đánh vào hàng hoá tiêu dùng, như may mặc và điện tử trong khi khuyến khích Hà Nội trả đũa lên hàng xuất khẩu của Mỹ, gồm các loại từ thịt lợn tới máy bay, điện và các thiết bị y tế.

“Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng điều gì đó có thể xảy ra trước khi chính quyền Trump mãn nhiệm,” Nate Herman, phó chủ tịch cao cấp về chính sách của Hiệp hội May mặc và Giầy dép Hoa Kỳ nói với Yahoo Finance.

Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng điều gì đó có thể xảy ra trước khi chính quyền Trump mãn nhiệm.
Nate Herman, phó chủ tịch cao cấp về chính sách của Hiệp hội May mặc và Giầy dép Hoa Kỳ


Một khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống vào ngày 20/1, chính quyền của ông có thể đảo ngược đường hướng của bất kỳ hành động nào đã được thực hiện dưới thời chính quyền Trump nhưng theo ông Herman sẽ khó thực hiện hơn về mặt chính trị nếu các thuế quan này đã được áp đặt và không chỉ đơn giản là được lên kế hoạch và được xem xét.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump vào tháng trước sau khi Bộ Tài chính Mỹ định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, khẳng định rằng Việt Nam “điều hành tỷ giá” để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô chứ “không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.”

Theo Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực nói tại buổi điều trần hôm 29/12, sai sót trong tính toán của Bộ Tài chính Hoa Kỳ và USTR liên quan đến quyết định gán mác cho Việt Nam là nước thao túng tiền tệ.

Mỹ cho rằng Việt Nam đã đáp ứng 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ dùng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia, bao gồm thặng dư thương mại song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 2% GDP và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá 2% GDP.

Tiến sỹ Lực, còn là giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đưa ra các thông tin cho thấy những điều mà ông gọi là “sai sót” trong dữ liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) mà Bộ Tài chính Mỹ dựa trên đó để đánh giá mức can thiệp ngoại hối của Việt Nam cũng như cho thấy dự trữ ngoại tệ ở Việt Nam trong những năm gần đây ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng khi giá trị thực của đồng Việt Nam giảm xuống, xuất khẩu không tăng như kỳ vọng mà còn thực sự giảm.
Cấn Văn Lực, kinh tế gia trường của ngân hàng BIDV


“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng khi giá trị thực của đồng Việt Nam giảm xuống, xuất khẩu không tăng như kỳ vọng mà còn thực sự giảm,” TS Lực nói và kết luận rằng “Việt Nam không được lợi thế xuất khẩu bằng cách thao túng tiền tệ của mình cũng như không tham gia vào các hoạt động đó.”

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Mỹ tỏ ra nghi ngờ họ có thể bị ảnh hưởng bởi việc tiền đồng bị định giá thấp một cách có chủ đích và ủng hộ các giải pháp ‘mạnh tay’ hơn đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Quan hệ Việt-Mỹ

Cuộc điều tra theo Điều 301 được tiến hành trong bối cảnh quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng sâu sắc khi hai bên gắn kết hơn trước mối đe doạ của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt trên Biển Đông. Nhưng theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), bất chấp sự liên kết chiến lược ngày càng tăng này, các quan chức Việt Nam vẫn cảnh giác với các chính sách thương mại của chính quyền Trump.

Theo tổ chức có trụ sở ở Washington DC, các mức thuế tiềm năng của Hoa Kỳ sẽ tạo ra sự bất bình ở Hà Nội, đặc biệt nếu các quan chức và công chúng Việt Nam tin rằng họ đang bị nhắm mục tiêu không công bằng chỉ vì thâm hụt thương mại. Thuế quan cũng sẽ làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy và nghiêm túc của Hoa Kỳ, không chỉ ở Việt Nam mà giữa các đối tác khác ở Đông Nam Á.

Các mức thuế tiềm năng của Hoa Kỳ sẽ tạo ra sự bất bình ở Hà Nội, đặc biệt nếu các quan chức và công chúng Việt Nam tin rằng họ đang bị nhắm mục tiêu không công bằng chỉ vì thâm hụt thương mại.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS)


John Goyer, giám đốc điều hành Đông Nam Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nhận định tại buổi điều trần hôm 29/12 rằng không cần thiết phải có các hành động thuế quan và đề xuất rằng chính quyền Mỹ tham gia các FTA như một giải pháp thương mại song phương dài hạn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Thương mại Đối ngoại Quốc gia Hoa Kỳ (NFTC) về vấn đề pháp lý và chính sách thương mại và đầu tư, Vanessa Sciarra, nói rằng bà lo ngại việc sử dụng các chế tài có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ giữa hai nước trong ngắn hạn, đồng thời gây ra các mức thuế trả đũa và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam.

Còn theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ (FDRA) Matt Priest, Mỹ và Việt Nam nên làm việc cùng nhau để giải quyết vấn đề này. Ông nói thêm rằng “nếu bất kỳ mức thuế nào áp lên hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thì người duy nhất được lợi là Trung Quốc.”

Cho dù kết quả của cuộc điều tra của USRT sẽ dẫn tới đâu thì nó sẽ không thay đổi các lợi ích chiến lược cũng như nhận thức của Việt Nam về mối đe doạ bên ngoài ngày càng tăng từ Trung Quốc và điều này cũng đúng với Hoa Kỳ, CSIS nhận định và cho rằng Hà Nội và Washington sẽ tiếp tục tìm kiếm hợp tác hơn nữa trong các vấn đề an ninh và ngoại giao ở châu Á.

VOA Express

XS
SM
MD
LG