Đường dẫn truy cập

Ông Phúc và ông Trump điện đàm, nêu quan ngại thâm hụt mậu dịch


Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ngày 27/02/2019.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ngày 27/02/2019.

Hôm 22/12, Tổng thống Donald Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhà Trắng cho biết.

Vào tuần trước, Hoa Kỳ đã chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, một động thái mà các chuyên gia thương mại cho rằng có thể mở đường cho việc Tổng thống Trump đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2021.

Tổng thống Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại và thúc giục Thủ tướng Phúc thực hiện các bước đi táo bạo để đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere

Phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết: “Tổng thống Trump nêu quan ngại về thâm hụt thương mại và thúc giục Thủ tướng Phúc thực hiện các bước đi táo bạo để đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.”

Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo hôm 22/12 rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, “khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.”

Thủ tướng Phúc khẳng định: “Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.”

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump còn trao đổi về việc Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đang tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo Mục 301 của Luật Thương mại năm 1974 của Mỹ.

Thủ tướng VN lên tiếng sau khi bị Mỹ dán mác ‘thao túng tiền tệ’
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:34 0:00

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam viết: “Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí giao các Bộ, ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Donald Trump. Photo Chinhphu.gov.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Donald Trump. Photo Chinhphu.gov.vn

Bộ Tài chính Mỹ hôm 16/12 đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sau khi cho rằng quốc gia này đã can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ nhằm điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán.

Mỹ cho rằng Việt Nam đã đáp ứng 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ dùng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 3% GDP, thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ USD, và can thiệp vào thị trường ngoại hối vượt quá ít nhất là 2% GDP.

Mỹ định danh Việt Nam là nước thao túng tiền tệ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:05 0:00

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long hôm 17/12 nhận định với VOA rằng Việt Nam không nên cải chính mà phải chứng minh là không có những dấu hiệu thao túng tiền tệ như Bộ Tài chính Mỹ vừa định danh.

Tiến sĩ Ngô Trí Long nói: “Những dấu hiệu đó Việt Nam có hay không? Chứ không phải họ nói như vậy mà mình cải chính. Việt Nam phải chứng minh là không có những dấu hiệu đó.”

Bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở ở Singapore, phát biểu trong một sự kiện trực tuyến hôm 18/12 do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức: “Nếu khôn ngoan thì nên có kế hoạch ngay từ bây giờ cho kết luận điều tra theo Mục 301, bởi vì, nhất là với việc xác định của Bộ Tài chính, rất có thể Hoa Kỳ sẽ áp đặt một số hình thức trả đũa đối với Việt Nam.”

Bà nhấn mạnh rằng: “Sẽ có những hậu quả kinh tế.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG