Đường dẫn truy cập

Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan chuẩn bị nhậm chức


Nữ doanh gia 44 tuổi Yingluck Shinawatra đang chuẩn bị giữ chức vụ chính trị lần đầu tiên trong tư cách nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Nữ doanh gia 44 tuổi Yingluck Shinawatra đang chuẩn bị giữ chức vụ chính trị lần đầu tiên trong tư cách nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.

Thái Lan sắp có nữ thủ tướng đầu tiên là bà Yingluck Shinawatra, em gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị lật đổ. Thắng lợi của bà trong tư cách lãnh đạo đảng đối lập Pheu Thai đã nâng cao hy vọng rằng phụ nữ có thể đóng một vai trò rộng lớn hơn trong chính trường do nam giới chế ngự ở nước này. Nhưng nhiều người nêu thắc mắc liệu bà có thể thoát ra khỏi cái bóng của người anh hay không, chưa kể việc phải chống lại với các rào cản văn hóa và xã hội Thái. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bà Yingluck Shinawatra đã đạt thắng lợi trong cuộc bầu cử nhiều may rủi nhất trong lịch sử cận đại của Thái Lan.

Đảng Pheu Thai của bà đã đạt được thế đa số vững chắc như một hành động khiển trách giới thượng lưu truyền thống của Thái Lan, đã ủng hộ đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Nữ doanh gia 44 tuổi đang chuẩn bị giữ chức vụ chính trị lần đầu tiên trong tư cách nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.

Bà nói sau nhiều năm xáo động chính trị và những vụ bạo loạn thường xuyên ngoài đường phố, Thái Lan có thể được hưởng lợi ích qua việc có một người phụ nữ đảm trách quốc sự.

Bà Yingluck nói: “Tôi nghĩ tôi có thể mượn địa vị phụ nữ để nói chuyên với tất cả mọi người nhằm giúp cho đất nước tiến tới qua sách lược hòa bình.”

Nhưng giới chỉ trích bà Yingluck nói rằng bà chỉ là hình nhân thế mạng cho người anh là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, một nhà lãnh đạo gây chia rẽ đã bị quân đội lật đổ năm 2006.

Cuộc đảo chính đã dẫn đến vụ tranh giành quyền lực kéo dài nhiều năm giữa giới lãnh đạo theo truyền thống của Bangkok và những người ủng hộ ông Thaksin, với những vụ biểu tình gần như làm tê liệt trung tâm Bangkok hồi năm ngoái.

Các thành phần vũ trang trong số người biểu tình đã giao tranh ngoài đường phố với binh sĩ được phái đến để chấm dứt biểu tình.

Hơn 90 người đã thiệt mạng, đa số là thường dân.

Đáp lại tình trạng bạo động, hơn 60 tổ chức phụ nữ đã kết hợp để thanh lập Mạng lưới Phụ nữ Cải tổ Thái Lan nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trường. Trong những năm vừa qua, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 15 phần trăm số các nhà lãnh đạo công cử.

Phối hợp viên Sutada Mekrungruengkul so sánh những chia rẽ hiện nay ở Thái Lan như hai cậu học trò đánh nhau trong sân trường.

Bà Sutada nói: “Cảm tưởng của chúng tôi, giải pháp của chúng tôi, đề nghị của chúng tôi là đàm phá hay ngồi xuống và nói chuyện. Có thể chúng ta không cần phải đánh nhau. Chúngta không cần phải nắm lấy quyền thế và loại trừ người kia.”

Các cơ sở kinh doanh của Thái Lan đã dẫn đầu trong việc tuyển dụng phụ nữ vào các chức vụ quản trị. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy khoang phần trăm các công ty được lãnh đạo bởi các nữ quản trị viên.

Nhưng phụ nữ vẫn còn đi sau trong chính trường.

Bất kể sự kiện nổi bật là bà Yingluck ra tranh cử, tất cả các đảng lớn trong cuộc bầu cử, kể cả đảng của chính bà, phần lớn đều coi thường các nguyên tắc hợp hiến kêu gọi có sự đại diện tương ứng của các nữ ứng cử viên.

Phụ nữ chiếm 16% ứng cử viên được đề cử của đảng Pheu Thai trong khi đảng Dân chủ cầm quyền chỉ có 11%, với đa số nằm ở cuối danh sách.

Tại một hội nghị trước cuộc bầu cử dành cho các ứng cử viên đứng đầu danh sách tranh cử, chỉ có một vài phụ nữ được đại diện và không có người nào tỏ vẻ quan tâm đến việc thảo luận về sự thiếu hậu thuẫn dành cho phụ nữ trong chính sự.

Bà Sutada nói có quá nhiều ứng cử viên phụ nữ chỉ lo học cho nhanh lý luận chính trị để đắc cử và không mấy quan tâm đến việc thúc đẩy các đảng đưa ra thêm nữ ứng cử viên.

Bà Sutada nhận xét: “Theo tôi, sự kiện này nẩy sinh từ nền văn hóa. Theo luật định, thì phải tuần hành nhưng theo tự nhiên thì lại làm ngơ. Tự động làm ngơ.”

Bà Sutada cho rằng còn quá sớm để tiên đoán sự đi lên của bà Yingluck sẽ đem lại ý nghĩa như thế nào cho vai trò của phụ nữ trong chính sự hay cho nỗ lực hòa giải các chia rẽ trầm trọng về chính trị của Thái Lan.

Đảng Pheu Thai đang suy tính việc ân xá cho những người hoạt động chính trị và các chính trị gia bị cấm hoạt động. Bà Yingluck cũng đang cứu xét việc ân xá cho anh của bà, đã sống lưu vong từ năm 2008 để tránh án tù vì tội tham nhũng.

Việc ông Thaksin Shinawatra trở về nước có thể châm ngòi cho một vòng bạo động khác ở Thái Lan, nhưng bà Yingluck nói ngay lúc này việc ông trở về không phải là một ưu tiên.

Bà Yingluck nói: “Tôi muốn nói rằng ân xá chỉ là một thủ thuật, một thủ thuật trong tiến trình hòa giải. Nhưng chúng ta không nhắm mục tiêu vào việc ân xá ở thời điểm này. Chúng ta nhắm mục tiêu vào việc làm thế nào để làm cho Thái Lan tiến tới, làm thế nào giúp Thái Lan thống nhất làm một khối.”

Vào lúc bà Yingluck chuẩn bị lên nhậm chức trong những tuần lễ sắp tới, tất cả mọi người ở Thái Lan sẽ chờ đợi xem liệu các kỹ năng chính trị chưa được thử lửa của bà có thể khắc phục được những chia rẽ sâu xa trong nước hay không – hoặc bà có thể thay đổi được các thái độ chính trị rộng lớn hơn của cả nam lẫn nữ giới hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG