Đường dẫn truy cập

Tàu chiến Mỹ tuần tra gần Đá Vành Khăn ở Trường Sa


Trục hạm USS Benfold (DDG 65) của Hải quân Hoa Kỳ.
Trục hạm USS Benfold (DDG 65) của Hải quân Hoa Kỳ.

Một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện cuộc tuần tra hàng hải đi qua Đá Vành Khăn ở Biển Đông hôm 8/9, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc áp đặt luật yêu cầu các tàu nước ngoài phải thông báo trước khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Theo một bản tin của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Hoa Kỳ, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Benfold đã “khẳng định quyền và tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, tàu USS Carl Vinson và nhóm tàu tấn công của Mỹ đang huấn luyện ở những nơi khác trong khu vực, cũng theo Hải quân Mỹ.

Tàu USS Benfold.
Tàu USS Benfold.

Trung Quốc đã cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở quần đảo Trường Sa từ năm 2014, theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Đá Vành Khăn là một hòn đảo mà Trung Quốc đã cải tạo và chiếm đóng nhưng Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Tàu USS Benfold đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải của Hải quân lần thứ bảy trong khu vực trong năm nay, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi cho trang Stars and Stripes qua email hôm 8/9 và từ Trung úy Mark Langford, phát ngôn viên Hạm đội 7. Lần gần nhất Hoa Kỳ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa là vào tháng 2/2021.

“Hoa Kỳ thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức bất kể việc quốc gia khẳng định chúng”, tuyên bố cho biết.

Hôm 7/9, phát ngôn viên của tàu sân bay Carl Vinson Miranda Williams cho trang Stars and Stripes biết qua một email rằng đã tổ chức các hoạt động bay và các cuộc tập trận tấn công trên biển, đồng thời phối hợp huấn luyện giữa các đơn vị mặt nước và trên không.

Bà Williams viết: “Các hoạt động của tàu sân bay ở Biển Đông không phải là điều mới mẻ hay bất thường. Hải quân của chúng tôi thường xuyên bay, tuần tra bằng tàu và hoạt động trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế trong hơn 75 năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Phó Tổng thống Harris: Mỹ không ngần ngại lên tiếng về Biển Đông
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:24 0:00

Trang SCMP dẫn lời người phát ngôn Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết tàu USS Benfold của Mỹ đã đi vào vùng biển mà họ gọi là lãnh hải của Trung Quốc gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp, mà “không có sự chấp thuận” của chính quyền Bắc Kinh.

PLA “đã tổ chức lực lượng không quân và hải quân để theo dõi, giám sát và trục xuất con tàu này”, Thượng tá Điền Quân Lý (Tian Jun Li), phát ngôn viên Bộ Tư lệnh khu vực phía Nam, hay còn gọi là Chiến khu Nam bộ của PLA cho biết.

Đài truyền hình Trung Quốc CGTN hôm 8/9 loan tin rằng quân đội Trung Quốc đã “xua đuổi một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông”.

Ông Điền nói: “Các hành động của phía Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đây là bằng chứng vững chắc hơn nữa về quyền bá chủ hàng hải và quân sự hóa trên Biển Đông”.

“Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận. Các chiến sĩ trong khu vực luôn cảnh giác cao độ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như hòa bình, ổn định trên Biển Đông,” ông Điền nói.

Trong một thông cáo hôm 8/9, Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cho biết tuyên bố của PLA về sứ mệnh tàu USS Benfold “là sai sự thật.”

“Tàu USS Benfold đã tiến hành hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) này phù hợp với luật pháp quốc tế và sau đó tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế. Hoạt động này phản ánh cam kết của chúng tôi nhằm duy trì tự do hàng hải và sử dụng hợp pháp biển như một nguyên tắc” tuyên bố của Hạm đội 7 viết.

Vào ngày 1/9, một bộ luật của Trung Quốc có hiệu lực yêu cầu một số tàu nước ngoài, bao gồm tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu ngầm và tàu chở các chất nguy hiểm, phải thông báo cho chính quyền Trung Quốc trước khi đi vào các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong đó có khu vực như Biển Đông.

Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc có điều khoản quy định tàu thuyền nước ngoài đi vào “lãnh hải” Trung Quốc phải báo cáo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho cơ quan quản lý hàng hải nước này.

Việt Nam trước nay luôn khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phía Việt Nam chưa đưa ra phản ứng về việc tàu hải quân Hoa Kỳ tuần tra gần Đá Vành Khăn lần này.

Trước đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thường nói: “Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG