Đường dẫn truy cập

Philippines: TQ điều thêm tàu đến Trường Sa, tàu VN có mặt ở Sinh Tồn Đông


Hải cảnh Philippines thực hiện tuần tra gần các tàu Trung Quốc ở khu vực Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, vào ngày 14/4/2021.
Hải cảnh Philippines thực hiện tuần tra gần các tàu Trung Quốc ở khu vực Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, vào ngày 14/4/2021.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines hôm 12/5 cho biết Trung Quốc đã tăng thêm số lượng tàu hiện diện trong khu vực quần đảo Trường Sa, nơi cả Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền, lên đến gần 300 chiếc, bất chấp những phản đối từ Manila và Hà Nội sau khi Bắc Kinh đưa hơn 200 tàu đến khu vực này kể từ tháng 3.

Thực hiện tuần tra vào ngày 9/5, lực lượng hàng hải của Philippines phát hiện tổng cộng 287 tàu Trung Quốc vẫn có mặt rải rác trong các khu vực khác nhau của Trường Sa, trong đó, những nhóm nhiều tàu thuyền tập trung gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, trong khi một số tàu khác có mặt gần các đảo do Manila chiếm đóng.

Ngoài các tàu dân quân, lực lượng đặc nhiệm Philippines nói họ còn phát hiện hai tàu chiến mang tên lửa lớp Houbei của Trung Quốc bên trong Đá Vành Khăn, hai tàu hậu cần/tiếp liệu của Việt Nam và một tàu Cảnh sát biển Việt Nam ở Đá Sinh Tồn Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Tại khu vực Đá Ba Đầu, nơi hơn 200 tàu Trung Quốc đã tràn vào kể từ tháng 3, lực lượng hữu trách của Philippines cho biết có 34 tàu Trung Quốc có mặt tại đây.

“Chúng tôi nhắc lại rằng Philippines sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trên Biển Tây Philippines (Biển Đông), và sẽ không nhượng bộ một tấc lãnh thổ nào của chúng tôi”, Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Philippines nói trong một tuyên bố.

Lực lượng này nói thêm rằng Đá Ba Đầu “nằm trong 200 hải lý (Vùng đặc quyền kinh tế - EEZ) của chúng tôi” và “là một phần của lãnh thổ Philippines”.

Trước đó, hôm 11/5, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, nói bãi Đá Ba Đầu này nằm rất xa, ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và “chưa bao giờ” thuộc sở hữu của Philippines.

Tuy nhiên, một chuyên gia luật hàng hải của nước này đã phản bác tuyên bố của ông Roque và cảnh báo rằng nó có thể bị lợi dụng để gây bất lợi cho Philippines. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines nhắc lại lập trường trước đó rằng Đá Ba Đầu nằm trong EEZ của Philippines.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 12/5 nói rằng quốc gia Đông Nam Á này đang xem xét thực hiện một cuộc phản đối khác sau về động thái mới của Trung Quốc. “Đây là điều cần thiết bởi vì không nên để bất kỳ sự cố nào trôi qua”, ông Locsin nói với Bloomberg.

Căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang kể từ khi Trung Quốc đưa hơn 200 tàu cá, mà Philippines nói là tàu dân quân, đến khu vực gần Đá Ba Đầu, thuộc Trường Sa.

Philippines đã nhiều lần lên tiếng, triệu tập đại sứ và tăng cường các phản ứng ngoại giao để phản đối hành vi đe dọa của các tàu Trung Quốc trong khu vực mà nước này cho là thuộc Vùng EEZ của mình.

So với Philippines, quốc gia đồng minh của Mỹ, Việt Nam cho đến nay ngoài phát biểu phản đối động thái của Trung Quốc, vẫn chưa có những hành động mạnh tay nào.

Riêng về thông tin Hà Nội đưa tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung lớp Gepard ra diễn tập ở Trường Sa sau khi Trung Quốc đưa hàng trăm tàu cá đến Đá Ba Đầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 8/4 không xác nhận mà chỉ nói rằng “Chúng tôi chưa có thông tin về hoạt động như phóng viên hỏi” và “Quân đội Việt Nam duy trì các hoạt động huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực nhằm mục tiêu sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG