Đường dẫn truy cập

Việt Nam 'cần ngoại giao không quân’ khi Trung Quốc tính lập ADIZ Biển Đông


Đá Chữ Thập do Trung Quốc bồi đắp có đủ khả năng cho máy bay khá lớn hoạt động.
Đá Chữ Thập do Trung Quốc bồi đắp có đủ khả năng cho máy bay khá lớn hoạt động.

Trung Quốc chuẩn bị cho kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bên trên Biển Đông kể từ năm 2010, báo South China Morning Post đưa tin hôm 31/5, dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc.

Chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt nói với VOA rằng một trong những việc Việt Nam cần làm để chống động thái trên của Trung Quốc là gia tăng giao lưu không quân với các nước, đặc biệt là Mỹ.

Nếu tất cả máy bay đi ngang qua phải xin phép, thì không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia phải xin phép Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các chuyến bay, ảnh hưởng đến nguyên tắc tự do hàng không.
Chuyên gia luật biển Hoàng Việt


Bản tin của South China Morning Post dịp cuối tuần dựa vào nguồn tin ẩn danh trong Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc cho hay rằng vùng ADIZ được hoạch định sẽ bao trùm các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông đang có nhiều tranh chấp.

Mặc dù Trung Quốc hiện kín tiếng về chủ đề này, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói hôm 4/5 rằng họ có biết về kế hoạch của Trung Quốc.

Theo lời nguồn tin của South China Morning Post, giới hữu trách Trung Quốc còn đang chờ thời điểm thích hợp để tuyên bố về ADIZ ở Biển Đông.

Vẫn nguồn tin này cho hay Trung Quốc bắt đầu có ý tưởng về cả ADIZ ở Biển Đông lẫn ADIZ ở Biển Hoa Đông vào năm 2010. Tuy nhiên, ADIZ ở Biển Hoa Đông đã được Trung Quốc tuyên bố năm 2013, sự kiện đã dẫn đến những phản đối cả bằng lời nói và hành động từ các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Lu Li-Shih, một cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, nói trong bài báo của South China Morning Post rằng việc xây dựng và lắp đặt thiết bị trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong mấy năm gần đây, nhất là các đường băng và hệ thống radar trên các đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đều nằm trong kế hoạch của Bắc Kinh về ADIZ.

Dựa trên các ảnh vệ tinh của Israel và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Mỹ, ông Lu chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tiễu săn ngầm KQ-200 ở đá Chữ Thập. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để sớm đưa máy bay chiến đấu ra bãi đá này để cùng các máy bay kia tiến hành tuần tra trong khuôn khổ ADIZ, ông nói.

Một nguồn tin ẩn danh khác trong quân đội Trung Quốc nói với South China Morning Post rằng nước này vẫn chần chừ chưa tuyên bố về ADIZ trên Biển Đông vì còn phải cân nhắc các vấn đề về “kỹ thuật, chính trị và ngoại giao”.

Theo lời nguồn tin thứ hai này, Bắc Kinh ý thức được rằng Biển Đông rộng lớn hơn nhiều Biển Hoa Đông, vì vậy, sẽ cần đến nhiều nguồn lực hơn mới có thể tuần tra đầy đủ.

“Vấn đề thực tiễn nhất là Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc trước đây không đủ khả năng điều động chiến đấu cơ để đuổi máy bay nước ngoài xâm phạm Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông], mà biển này rộng lớn gấp vài lần so với Trung Hoa Đông Hải [tức Biển Hoa Đông], và sẽ tốn chi phí khổng lồ cho vùng ADIZ đó”, nguồn tin thứ hai nói với South China Morning Post.

Biển Đông (tên tiếng Anh: South China Sea) là nơi nhiều nước tranh chấp chủ quyền
Biển Đông (tên tiếng Anh: South China Sea) là nơi nhiều nước tranh chấp chủ quyền

Trong khi Trung Quốc tự nhận hầu hết Biển Đông là thuộc chủ quyền của họ, các nước Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia cũng có những tuyên bố chủ quyền về từng phần của vùng biển.

Thạc sĩ luật Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nhận định với VOA rằng việc Bắc Kinh chính thức tuyên bố về ADIZ trên Biển Đông là điều “sớm muộn sẽ diễn ra” vì động thái này “hỗ trợ” cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Ông phân tích với VOA về những hệ lụy có phần chắc sẽ xảy ra với Việt Nam và các nước liên quan:

“Thứ nhất nó đe dọa những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Nó cũng sẽ đe dọa những tuyên bố chủ quyền của một số quốc gia ASEAN cũng về khu vực Trường Sa. Thêm nữa, đây là vùng biển rộng lớn, trên đó có bầu trời rộng lớn. Nếu tất cả máy bay đi ngang qua phải xin phép, thì không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia phải xin phép Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các chuyến bay, ảnh hưởng đến nguyên tắc tự do hàng không”.

Chuyên gia là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lưu ý rằng một khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, Việt Nam và các nước liên quan “phải phản đối” để Bắc Kinh không có cớ nói rằng Trung Quốc đã thể hiện chủ quyền ở đó mà không bị phản bác.

Năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên vùng Biển Hoa Đông. Một số nước đã thách thức ngay, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ. Nhưng những quốc gia này có tiềm lực mạnh mẽ về không quân, về hải quân, và Trung Quốc phải lo ngại. Chứ còn nếu Việt Nam lên thì rất có thể là nguy hiểm.
Chuyên gia luật biển Hoàng Việt


Vẫn thạc sĩ luật Hoàng Việt nói thêm rằng bên cạnh phản đối bằng lời, các nước cần “tiếp tục sử dụng lực lượng máy bay của mình ở trên đó”. Ông nhắc lại sự kiện năm 2013 và nói cách làm này phải trên cơ sở “có thực lực”:

“Năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên vùng Biển Hoa Đông. Một số nước đã thách thức ngay, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ. Nhưng những quốc gia này có tiềm lực mạnh mẽ về không quân, về hải quân, và Trung Quốc phải lo ngại. Chứ còn nếu Việt Nam [cho máy bay] lên thì rất có thể là nguy hiểm”.

Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều tuyên bố có ADIZ bên trên Biển Hoa Đông
Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều tuyên bố có ADIZ bên trên Biển Hoa Đông

Tuy Việt Nam có thể gặp khó về mặt hành động ở thực địa, song theo chuyên gia Hoàng Việt, Hà Nội vẫn có một số lựa chọn, trong đó ông nhấn mạnh đến việc Việt Nam cần phải kêu gọi các nước khác phản đối Trung Quốc, nhất là phối hợp với ASEAN.

Theo ông Việt, trong đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, COC, Việt Nam cần phải thuyết phục các nước ASEAN đồng ý về một nội dung là khối này sẽ không chấp nhận một quốc gia đơn phương tuyến bố lập ADIZ trên Biển Đông.

Một con bài khác Việt Nam có thể sử dụng là tăng cường “giao lưu” về không quân với các nước. Điểm lại những năm gần đây, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng Việt Nam đã làm “rất tốt ngoại giao hải quân” với việc đón tiếp nhiều tàu chiến Mỹ, đặc biệt là có cả một số tàu sân bay.

Tôi được nghe thông tin là Hoa Kỳ muốn cho máy bay P8 hạ cánh ở một số sân bay của Việt Nam để giao lưu. Phía Việt Nam vẫn đang xem xét. Tôi nghĩ rằng việc cho các máy bay quân sự tối tân của Hoa Kỳ giao lưu với Việt Nam trong vùng bầu trời này cũng tạo ra khả năng răn đe tốt đối với Trung Quốc.
Chuyên gia luật biển Hoàng Việt


Ông Việt xem đó như một động thái để “răn đe” Trung Quốc, và đưa ra quan điểm rằng Việt Nam cần tiến thêm một bước là “mở cửa bầu trời” để tiến hành “ngoại giao không quân” bên cạnh “ngoại giao hải quân”. Chuyên gia này chia sẻ thêm với VOA một thông tin riêng mà ông nắm được:

“Tôi được nghe thông tin là Hoa Kỳ muốn cho máy bay P8 Poseidon hạ cánh ở một số sân bay của Việt Nam để giao lưu. Phía Việt Nam vẫn đang xem xét. Tôi nghĩ rằng việc cho các máy bay quân sự tối tân của Hoa Kỳ giao lưu với Việt Nam trong vùng bầu trời này cũng tạo ra khả năng răn đe tốt đối với Trung Quốc, và cũng góp phần thách thức tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông, nếu có”.

Ở thời điểm bài này được đăng, VOA vẫn đang cố gắng liên lạc với giới hữu trách Việt Nam và Mỹ để xác nhận thông tin kể trên nhưng chưa nhận được hồi đáp.

Các nhà quan sát quân sự cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông sẽ làm tăng thêm căng thẳng với Mỹ cũng như gây ra những tổn hại không thể khắc phục trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á, theo phóng sự của South China Morning Post.

Ông Drew Thompson, nhà nghiên cứu khách mời tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore, được tờ báo trích lời nói rằng một tuyên bố như vậy của Bắc Kinh sẽ làm hư hại nghiêm trọng quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.

Ông bình luận rằng nếu Trung Quốc ra tuyên bố, các nước này sẽ buộc phải lựa chọn giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay là chủ quyền của chính họ, chứ không phải là chọn đứng về phía nào giữa Mỹ hay Trung Quốc.

XS
SM
MD
LG