Đường dẫn truy cập

Tạm gác quan hệ với TQ vào lúc tân tổng thống Đài Loan lên nhậm chức


Tân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong buổi lễ nhậm chức tại Đài Bắc ngày 20/5/2016.
Tân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong buổi lễ nhậm chức tại Đài Bắc ngày 20/5/2016.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, được sự hậu thuẫn của đảng có truyền thống chống Trung Quốc, đã lên nhậm chức với lời hứa mưu tìm hòa bình với Bắc Kinh, nhưng làm ngơ trước yêu sách đòi đối thoại, mở đường cho ít nhất một sự thụt lùi ngắn hạn trong bang giao sau 8 năm nồng ấm.

Tân tổng thống cũng là nhà nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan, tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức hôm 20/5 rằng bà sẽ mưu tìm hòa bình. Bà không tán đồng cả việc công bố độc lập chính thức của Đài Loan đối với Trung Quốc – một lằn ranh đỏ đối với Bắc Kinh – lẫn việc thống nhất với đối thủ chính trị 70 năm theo mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh.

Nhưng học giả luật khoa 59 tuổi này làm lơ những cảnh báo của Bắc Kinh đòi bà đồng ý đối thoại với tiền đề là Trung Quốc và Đài Loan thuộc về một quốc gia.

Trong bài phát biểu dài 25 phút trước khoảng 30.000 người, bà Thái tuyên bố:

“Bang giao với lục địa Trung Quốc là một liên hệ quan trọng trong hệ thống an ninh khu vực. Chúng ta sẽ gắng sức duy trì hòa bình và ổn định trong bang giao xuyên eo biển. Hai đảng cầm quyền ở hai bên eo biển phải dẹp qua một bên hành trang lịch sử và tham gia cuộc đối thoại tích cực vì lợi ích của nhân dân cả hai bên”.

Thay đổi hướng đi

Tổng thống xuất nhiệm Mã Anh Cửu đã đồng ý đối thoại trong những điều kiện đặt cả hai bên dưới yêu sách một nước Trung Hoa của Bắc Kinh, với Đài Loan là Cộng hòa Trung Quốc và Bắc Kinh là Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc. Trong 8 năm dưới chính quyền của ông Mã, hai bên đã đạt được 23 thỏa thuận về thương mại, du lịch và đầu tư trong khi xây dựng niềm tin chung đã không có được dưới thời các tổng thống khác.

Bà Thái thừa nhận các cuộc đàm phán vào năm 1992 đã tạo ra bối cảnh một nước Trung Hoa, nhưng nói rằng chính phủ phải giao tiếp với Trung Quốc dựa cả vào hiến pháp, luật lệ của Đài Loan và “nguyên tắc dân chủ và ý nguyện phổ cập của dân chúng Đài Loan”.

Các nhà ngoại giao trên khắp thế giới, nhưng đặc biệt tại Bắc Kinh, đã đếm từng giờ đến ngày hôm nay với hy vọng bà Thái có thể đề xuất một cơ chế đối thoại được sự đồng thuận của Bắc Kinh.

Nhưng đảng của bà Thái bác bỏ các khái niệm rằng hai bên đứng dưới cùng một lá cờ. Bà tán đồng các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, nhưng một cách dè dặt hơn so với ông Mã.

Cử tri đã đem lại cho bà một chiến thắng áp đảo hồi tháng Giêng bởi vì nhiều người cảm thấy Quốc Dân đảng của ông Mã đã trở nên quá thân thiết với Trung Quốc thông qua các quan hệ kinh tế, kể cả cuộc giao thương 2 chiều đạt kỷ lục 130 tỷ đôla vào năm 2014. Tại các cuộc biểu tình ồ ạt năm 2014, những người hoài nghi đã bày tỏ sự lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ dùng quan hệ kinh tế để áp đặt thêm sự kiểm soát chính trị đối với đảo quốc tự trị này.

Bà Thái Anh Văn tuyện thệ trước ảnh "Quốc phụ" Tôn Trung Sơn, người khai sinh Trung Hoa Dân Quốc, trong lễ nhậm chức ở Đài Bắc ngày 20/5/2016.
Bà Thái Anh Văn tuyện thệ trước ảnh "Quốc phụ" Tôn Trung Sơn, người khai sinh Trung Hoa Dân Quốc, trong lễ nhậm chức ở Đài Bắc ngày 20/5/2016.

Bắc Kinh đã đòi chủ quyền Đài Loan kể từ sau cuộc nội chiến Trung Quốc vào thập niên 1940. Mãi đến năm 2005, Trung Quốc còn đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự nếu Đài Loan đi chệch quá xa tiến tới độc lập hợp pháp tách khỏi Trung Quốc.

Ông Lưu Nghĩa Quân, giáo sư công vụ tại trường Đại học Phật Quang ở Đài Loan nói:

“Điều quan trọng là những gì cá nhân Giáo sư Thái suy nghĩ về hình thức quan hệ giữa Đài Loan và lục địa Trung Quốc là gì vào lúc này. Nếu mọi sự không theo dự kiến về phía lục địa Trung Quốc thì chắc chắn bang giao sẽ trải qua những thay đổi nghiêm trọng. Không ai phủ nhận rủi ro đó”.

Quan điểm của Bắc Kinh

Trung Quốc đã cảnh báo bà Thái từ cuộc bầu cử là phải tiếp tục đối thoại với điều kiện một nước Trung Hoa, nhưng không đưa ra lời đe dọa cụ thể. Tuy nhiên hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc thao dượt quân sự.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị, bà Thái có thể dành từ 2 đến 3 tháng đầu nhiệm kỳ để thu thập ý kiến và dữ liệu nhằm hình thành một đề nghị đối thoại mà cả hai bên có thể chấp nhận.

Trong trường hợp bà Thái đưa ra một đề xuất, Bắc Kinh dự kiến sẽ không bãi bỏ những thỏa thuận được nhiều sự ủng hộ dưới chính quyền của ông Mã. Các giới chức Trung Quốc hy vọng những thỏa thuận đó sẽ gây phấn khởi cho công chúng Đài Loan về bang giao với Trung Quốc và một ngày nào đó đi tới thống nhất chính trị.

Nhưng Trung Quốc có thể trì hoãn một số thỏa thuận để nhắc nhở là không có đối thoại sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và vị thế trên trường quốc tế của hòn đảo.

Trung Quốc có thể mua đứt một vài trong số 22 đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan, cấp ít giấy phép hơn cho du khách đến Đài Loan, yêu cầu các sinh viên trao đổi tránh xa hòn đảo và yêu cầu trục xuất nhiều người Đài Loan hơn từ các nước thứ ba về Trung Quốc nếu bị nghi là gian lận.

Du khách chụp ảnh tại khu vực có hình bản đồ Đài Loan ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/4/2016. Trung Quốc đã trục xuất 67 người Đài Loan bị nghi là gian lận từ nước ngoài về Trung Quốc.
Du khách chụp ảnh tại khu vực có hình bản đồ Đài Loan ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/4/2016. Trung Quốc đã trục xuất 67 người Đài Loan bị nghi là gian lận từ nước ngoài về Trung Quốc.

Nỗ lực đó đã bắt đầu sau cuộc bầu cử. Hồi tháng 3, Trung Quốc đã lập quan hệ ngoại giao với cựu đồng minh Gambia của Đài Loan và 1 tháng sau, ra lệnh trục xuất 67 người Đài Loan bị nghi là gian lận từ nước ngoài về Trung Quốc. Kể từ sau cuộc bầu cử, Trung Quốc đã cắt giảm số giấy phép du hành, nổi bật là trong tuần nghỉ lễ Lao động 1 tháng 5.

Bà Thái cũng được trông đợi hoãn lại mọi quyết định về khẳng định chủ quyền gây tranh cãi về khu vực rộng 3,5 triệu kilomet vuông ở Biển Đông. Ông Mã đã đi tiên phong trong khẳng định này trong năm vừa qua, nhưng nỗ lực của ông lại có tác dụng ủng hộ Bắc Kinh. Trung Quốc và Đài Loan sử dụng cùng một cơ sở lịch sử để đưa ra khẳng định chủ quyền lãnh hải, gây khó chịu cho 4 nước ở Đông Nam Á.

Các Chính sách của bà Thái

Tổng thống sẽ tập trung phần lớn vào các chính sách kinh tế trong nước nhắm giúp cho người dân thường Đài Loan sống tốt hơn, theo lời phát ngôn viên nội các Đồng Chấn Nguyên. Bà đã cam kết phát triển năng lượng gió và mặt trời trong khi cắt giảm năng lượng hạt nhân. Ông Đồng nói các chính sách khác sẽ ủng hộ kỹ thuật sinh học và quốc phòng. Ông nói thêm rằng bà Thái cũng sẽ “quân bình” quan hệ thương mại nay ngả nhiều hơn về phía Trung Quốc, để hướng tới các thị trường khác.

Nhà lập pháp La Trí Chính của đảng Dân Tiến nói:

“Bà ấy cần phải chứng tỏ bà có các chính sách về đường lối chính sách cho nền kinh tế Đài Loan, do đó đấy sẽ là một trong nhiều lãnh vực chính sách bà cần phải giải quyết – liệu bà có thể đưa ra một chính sách để đa dạng hóa các đối tác thương mại của chúng ta, các thị trường du lịch của chúng ta hay không, vân vân”.

Trong khi đi vận động, bà Thái nói bà sẽ xây 200.000 đơn vị gia cư với giá phải chăng, một sự nâng đỡ cho giới trẻ với mức lương thấp. Sau đó, theo ông Đồng, bà sẽ nhắm mục tiêu vào lương hướng và công ăn việc làm.

Ông Hoàng Tuấn Vinh, một người lãnh đạo nhóm hoạt động Công vụ Thanh Niên Đài Loan, nói:

“Môi trường tìm việc không qua mạnh và lương hướng đã chịu áp lực xuống rất thấp. Cơ bản điều chúng ta hy vọng nhiều nhất là chính phủ mới có thể giúp người trẻ tìm việc. Chúng ta cần thấy các chính sách thực sự. Chúng ta có một sự trông đợi nhưng chúng ta cần phải theo dõi”.

Lâu nay vẫn ủng hộ cái gọi là chính sách một nước Trung Quốc, Hoa Kỳ hôm nay tỏ ý trông đợi hợp tác với chính phủ mới ở Đài Loan.

Học viện Mỹ, cơ quan đại diện các quyền lợi của Hoa Kỳ ở Đài Loan vì không có quan hệ ngoại giao chính thức, đã ra một thông cáo nói rằng: “Chúng tôi trông đợi hợp tác với chính quyền mới, cũng như với tất cả các chính đảng và các tổ chức xã hội dân sự của Đài Loan, để tăng cường thêm quan hệ giữa nhân dân hai bên”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG