Đường dẫn truy cập

Quan hệ Đài Loan-Trung Quốc sẽ nguội lạnh?


Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn muốn đối xử với Trung Quốc như một nước riêng biệt.
Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn muốn đối xử với Trung Quốc như một nước riêng biệt.

Trong lúc bà Thái Anh Văn chuẩn bị lên giữ chức tổng thống Đài Loan vào tháng 5, những mối quan hệ được cải thiện hồi gần đây với Trung Quốc có thể sẽ bị nguội lạnh, với việc đôi bên không đồng ý với nhau về vấn đề làm thế nào để thực hiện những cuộc thảo luận để xây dựng niềm tin và xúc tiến việc ký kết các hiệp định thương mại. Thông tín viên Ralph Jennings của đài VOA tại Đài Bắc gửi về bài tường thuật.

Các nhà phân tích cho biết nếu Trung Quốc và Đài Loan tránh gặp gỡ nhau sau khi bà Thái Anh Văn lên giữ chức tổng thống, đôi bên trên thực tế sẽ ngưng các cuộc thương thuyết đã giúp cho hoạt động thương mại và du lịch được tăng cường đáng kể trong những năm qua.

Các hiệp định ký kết từ năm 2008 đã giúp ích khá nhiều cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Đài Loan.

Trung Quốc có thể trả đũa

Trung Quốc cũng có thể sẽ không tích cực thực thi các thoả thuận hiện có và một số người tin rằng giới hữu trách Bắc Kinh đang tìm cách giảm bớt số người Trung Quốc sang Đài Loan du lịch.

Đài Loan và Trung Quốc là hai nước kình địch về chính trị kể từ thập niên 1940. Đài Loan đã tự trị sau cuộc nội chiến kết thúc năm 1949, nhưng Trung Quốc nhất mực cho rằng Đài Loan là một tình phản loạn và sẽ phải tái thống nhất với Hoa Lục. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết dân chúng Đài Loan muốn duy trì tình trạng hiện nay.

Đương kim Tổng thống Mã Anh Cửu đã mở các cuộc đàm phán với Bắc Kinh sau khi được bầu lên năm 2008. Đôi bên đồng ý tôn trọng sự đồng thuận đạt được vào năm 1992 là chỉ có một nước Trung Quốc, nhưng có sự diễn giải khác nhau về nội dung của từ ngữ này.

Tổng thống mới không muốn đối thoại với Bắc Kinh

Tuy nhiên, cử tri Đài Loan cảm thấy Tổng thống Mã Anh Cửu đã xích lại quá gần với Trung Quốc sau khi ký kết 23 hiệp định kinh tế, thương mại. Tháng Giêng vừa qua, họ đã bầu bà Thái Anh Văn vào chức Tổng thống.

Bà Thái Anh Văn, người sẽ nhậm chức vào tháng Năm tới đây, đã bác bỏ cơ sở mà Tổng thống Mã Anh Cửu đã dựa vào để tiến hành đối thoại với Trung Quốc, cho dù hồi đầu tháng này Trung Quốc đã kêu gọi bà tôn trọng sự đồng thuận năm 1992. Đảng Dân Tiến của bà muốn đối xử với Trung Quốc như một nước riêng biệt.

Ông Sean King, phó Chủ tịch công ty tư vấn Park Strategies ở New York và Đài Bắc, nhận định: "Sẽ không có bất kỳ hiệp định kinh tế mới nào hoặc những hoạt động giao lưu nào giữa người dân của đôi bên sau khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu Bắc Kinh giảm bớt số du khách đến Đài Loan, như một sự trừng phạt kinh tế, để bày tỏ sự bất mãn đối với việc bà Thái Anh Văn không thừa nhận sự đồng thuận năm 1992."

Đương kim Tổng thống Mã Anh Cửu đã mở các cuộc đàm phán với Bắc Kinh sau khi được bầu lên năm 2008.
Đương kim Tổng thống Mã Anh Cửu đã mở các cuộc đàm phán với Bắc Kinh sau khi được bầu lên năm 2008.

Chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu đã đạt được thoả thuận với Trung Quốc để mở ngỏ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của đôi bên và giảm bớt thuế quan – một việc đặc biệt có lợi cho Đài Loan vì Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của đảo quốc này tính theo giá trị hàng hoá. Đôi bên đã chính thức thảo luận với nhau ít nhất 2 lần mỗi năm kể từ năm 2008 để ký kết những hiệp định đó và không có những kênh khác để thương thuyết với nhau.

Một hiệp định về thương mại hàng hoá đang được thương lượng và các nhà lập pháp Đài Loan chưa phê chuẩn một hiệp định tự do hoá thương mại dịch vụ được ký kết năm 2013.

Đơn xin visa du lịch sút giảm

Trong một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn gây áp lực với Đài Loan, đơn xin visa du lịch từ Trung Quốc trong 9 tuần lễ đầu của năm 2016 đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty lữ hành cho biết đà sút giảm đã xuất hiện trước khi bà Thái Anh Văn đắc cử ngày 16 tháng 1.

Tuy nhiên, ông Dương Gia Tuấn, Tổng thư ký Hội đồng Quan hệ Hoa Lục của Đài Loan, nói rằng cơ quan ông không có bằng chứng để chứng minh Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp để trừng phạt Đài Loan.

Ông Dương cho biết: "Chúng tôi có rất nhiều kênh để tìm kiếm thông tin và những cách thức để đòi phía bên kia đưa ra một tuyên bố. Nhưng chúng tôi không nhận thấy bất kỳ chứng cớ thật sự nào. Chúng tôi cũng không thể suy đoán một cách táo bạo là việc này đã xảy ra. Chúng tôi chỉ có thể đặt ra giả thuyết, nhưng chúng tôi cần phải kiểm chứng một cách thận trọng."

Ảnh tư liệu chiếc máy bay của hãng TransAsia Airways tại sân bay Đài Loan. Hiện có khoảng 890 chuyến bay hàng tuần giữa Đài Loan và Trung Quốc.
Ảnh tư liệu chiếc máy bay của hãng TransAsia Airways tại sân bay Đài Loan. Hiện có khoảng 890 chuyến bay hàng tuần giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Theo ông Ngô Thụy Quốc, giám đốc công ty tư vấn về rủi ro chính trị e-telligence ở Đài Bắc, một sự sút giảm mạnh của số du khách đạt tới mức cao nhất là 3,4 triệu lượt vào năm 2015 sẽ đe dọa tới khu vực dịch vụ của Đài Loan. Ông cho biết thêm như sau:

"Bà Thái Anh Văn bác bỏ điều kiện đối thoại mà không có điều kiện mới mà Trung Quốc có thể chấp nhận. Việc này đặt Bắc Kinh vào một vị thế khó xử. Trung Quốc hy vọng lấy lòng người dân Đài Loan để đạt mục tiêu của họ là thống nhất trong hoà bình. Việc này làm cho Bắc Kinh lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu Bắc Kinh thực hiện những biện pháp trừng phạt, đương nhiên người dân Đài Loan sẽ bất mãn. Điều đó đi ngược với những gì mà Trung Quốc đã nói lâu nay là họ đặt hy vọng vào người dân Đài Loan. Nhưng nếu họ không làm gì thì họ sẽ bị xem là một con cọp giấy."

Chính phủ của bà Thái Anh Văn nói họ sẽ tôn trọng những hiệp định đã đạt được dưới thời ông Mã Anh Cửu.

Hồi đầu tháng này, sau khi Bắc Kinh kêu gọi chính phủ mới ở Đài Loan chấp nhận sự đồng thuận năm 1992, Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã đáp lại với lời kêu gọi cho sự phát triển hoà bình của các mối quan hệ. Đảng này nói khi tân chính phủ lên nắm quyền họ sẽ "duy trì hiện trạng" và "làm hết sức mình để bảo đảm hoà bình và ổn định."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG