Đường dẫn truy cập

Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu thành lập quân đội riêng


Khối đồng minh NATO đang có chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu
Khối đồng minh NATO đang có chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói châu Âu là nạn nhân chính của quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút ra khỏi một thỏa thuận vũ khí với Moscow cho nên lục địa này cần phải tự vệ.

Ông Macron hôm 6/11 đã kêu gọi thành lập ‘một quân đội châu Âu thật sự’ để có thể tự vệ tốt hơn trước Nga và ngay cả đối với Hoa Kỳ.

Macron nói rằng châu Âu cần phải giảm sự lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ, ít nhất không phải sau khi ông Trump loan báo sẽ rút Mỹ ra khỏi một hiệp ước hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

“Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí là Hoa Kỳ,” ông Macron phát biểu trên Đài Europe 1 trong cuộc phỏng vấn qua đài phát thanh đầu tiên kể từ khi trở thành tổng thống hồi tháng 5 năm 2017.

“Khi tôi thấy Tổng thống Trump công bố ông sẽ rút ra khỏi một hiệp định giải giáp quan trọng vốn được ký kết sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu vào những năm 1980, ai sẽ là nạn nhân chính? Châu Âu và an ninh của chúng ta.”

Cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu – cuộc chạy đua vũ trang phạm vi nhỏ trong thời Chiến tranh Lạnh mà khi đó Hoa Kỳ triển khai tên lửa ở châu Âu – là yếu tố chính thúc đẩy việc ra đời của Hiệp định Lực lượng Hạt nhân Tầm trung.

“Chúng tôi sẽ không bảo vệ được dân châu Âu trừ phi chúng ta quyết định xây dựng một quân đội châu Âu thật sự,” ông Macron nói.

Đối mặt với một nước Nga ‘ở ngay sát nách chúng ta và đã cho thấy rằng họ là mối đe dọa,” ông lập luận, “Chúng ta cần một châu Âu có thể tự mình bảo vệ mình mà không cần phải dựa vào Mỹ.”

Tổng thống Macron đã thúc đẩy thành lập một lực lượng vũ trang bao gồm chín nước châu Âu vốn có thể nhanh chóng triển khai một chiến dịch quân sự chung, sơ tán người dân từ vùng chiến sự hay cứu trợ sau một thảm họa thiên nhiên.

Bộ trưởng Quốc phòng của chín nước này sẽ gặp nhau ở Paris lần đầu tiên vào ngày mai 7/11 để bắt đầu phác thảo ra chi tiết lực lượng này sẽ hoạt động như thế nào.

Khối EU dự tính sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng kể từ năm 2021 để dành khoảng 13 tỷ euro (15 tỷ đô la Mỹ) trong vòng bảy năm để nghiên cứu và phát triển thiết bị mới – tăng lên từ ít hơn 600 triệu đô la trong ngân khoản hiện nay.

Ông Bruno Alomar, giáo sư tại Trường Chiến tranh Pháp vốn đào tạo những sỹ quan quân sự hàng đầu, nói rằng tầm nhìn của ông Macron về một lực lượng phòng vệ gắn kết của châu Âu vẫn còn lâu mới đạt được.

“Ý tưởng thành lập một văn hóa chiến lược chung không phải là ý tưởng tồi,” ông nói. “Nhưng vẫn có khoảng cách lớn giữa viễn cảnh về quốc phòng châu Âu mà ông Emmanuel Macron mong muốn và thực tế là sự bất đồng sâu sắc giữa các đối tác châu Âu… Hòa bình ở châu Âu đang gặp nguy hiểm.”

Vào lúc ông Macron đang chuẩn bị đón tiếp hàng chục lãnh đạo thế giới đến Pháp vào cuối tuần này để kỷ niệm 100 này ngày kết thúc Đệ nhất Thế chiến, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông đã đả kích chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở châu Âu và trên thế giới.

Ông lặp lại lời cảnh báo về sự tương đồng giữa tình trạng thế giới ngày nay với cuộc khủng hoảng tài chính và ‘chủ nghĩa dân tộc lợi dụng nỗi sợ hãi của người dân’ vào những năm 1930.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG