Đường dẫn truy cập

Syria: Tranh chấp gây nên mất an ninh lương thực cho hàng triệu người


Cư dân trong tỉnh Idlib của Syria mua bánh từ cửa hàng duy nhất còn mở cửa, 1/8/12
Cư dân trong tỉnh Idlib của Syria mua bánh từ cửa hàng duy nhất còn mở cửa, 1/8/12
Một phúc trình mới cho thấy cuộc xung đột tại Syria đang tác động tới nguồn lương thực, các mùa vụ và mức sản xuất gia súc của nước này. Đánh giá mới đây của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, Chương trình Lương thực Thế giới và Bộ nông nghiệp Syria ghi nhận có tới 3 triệu người cần được giúp đỡ trong năm tới.

Phúc trình này nói rằng trong số 3 triệu người thuộc thành phần dễ bị đe dọa, khoảng phân nửa cần được trợ giúp lương thực tức thời trong vòng từ 3 dến 6 tháng tới. Điều này đặc biệt áp dụng cho những người Syria phải sơ tán hay bị kẹt trong các cuộc giao tranh.

Thêm vào đó, phúc trình này nói rằng gần một triệu người cần được giúp đỡ về mùa vụ và gia súc như hạt giống, thức ăn cho gia súc, xăng dầu và sửa chữa máy bơm nước dùng cho thủy lợi. Phúc trình này nói lãnh vực nông nghiệp Syria đã thiệt hại 1,8 tỉ đô la trong năm nay, hậu quả của các cuộc giao tranh vẫn đang tiếp diễn tại nước này.

Phát ngôn viên của Chương trình Lương thực Thế giới, bà Emilia Casella, nói có nhiều nguy cơ kế sinh nhai của các gia đình nông dân Syria sẽ suy sụp hoàn toàn trong vài tháng tới. Bà nói rằng cần khẩn cấp hành động để giúp thành phần này trước khi mùa đông đến. Bà Casella nói:

“Điều mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là các gia đình nông dân, người Bedouin và giới chăn gia súc đã bắt đầu giảm khẩu phần của họ. Họ ăn những thức ăn rẻ, chất lượng kém. Họ bị buộc phải để con cái đi làm thay vì đi học. Họ phải bán gia súc và các tài sản khác, có nghĩa là ngay cả khi hòa bình được vãn hồi, điều mà chúng ta hy vọng sẽ chóng đến, một số trong thành phần này không thể nhanh chóng trở lại canh tác vì họ đã bán đi tài sản để sống còn.”

Phúc trình này nói tình hình đã buộc nông dân Syria phải bỏ canh tác hay bỏ bê các mùa vụ. Lý do là vì tình trạng mất an ninh, thiếu người lao động, thiếu xăng dầu và chi phí tăng cũng như các vụ cúp điện ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước.

Phúc trình cho biết công tác thu hoạch lúa mì đã hoãn lại tại các vùng như Dara’a, Damacus, Homs và Hama.

Phúc trình cảnh báo rằng sẽ mất một phần mùa màng nếu nông dân không được giúp đỡ kịp thời.

Ủy ban đánh giá còn ghi nhận các hoạt động phá rừng đang gia tăng. Nông dân Syria ngày càng trông cậy vào rừng để lấy củi giữa lúc khí đốt để đun nấu và xăng dầu ngày càng trở nên khan hiếm.

Phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới Casella nói trong số nông dân cần được giúp đỡ tức thời, có các hộ do phụ nữ làm chủ gia đình. Bà Casella nói:

“Uớc lượng từ 5 đến 10% gia đình nông dân được phỏng vấn trong cuộc đánh giá này là do phụ nữ đứng đầu. Lý do là vì người chồng phải bỏ gia đình ở lại để đi tìm việc làm, hay không thể trở về nhà, hoặc chủ gia đình là những phụ nữ góa bụa. Thành phần này cần được quan tâm đặc biệt. Họ càng dễ lâm nguy nếu phải chăm sóc con cái và bảo vệ gia đình và cùng lúc phải cố gắng chăm sóc đồng ruộng để tiếp tục sản xuất.”

Tháng 10 năm ngóai, Chương trình Lương thực Thế giới bắt đầu một hoạt động khẩn cấp để cung cấp lương thực nuôi sống 850.000 người tại Syria. Tổ chức Lương Nông không đạt được mục tiêu này vì những cuộc giao tranh, nên chỉ tiếp cận được 540.000 người trước cuối tháng 7 vừa qua.

Bà Casella cho hay là hôm thứ Hai, Chương trình Lương thực Thế giới đã cộng tác với Hội Chữ Thập Đỏ Syria để phân phối lương thực cho 28.000 người tại Aleppo, nơi đang xảy ra các cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phe nổi dậy.

Bà nói chừng nào các cuộc giao tranh còn kéo dài, thì tiếp cận thành phần cần được giúp đỡ sẽ tiếp tục là vật chướng ngại đối với các hoạt động nhân đạo.

Bà Casella cho biết thiếu tài chánh cũng là một vấn đề lớn. Bà nói cho đến nay Chương trình Lương thực Thế giới còn thiếu hụt 62 triệu đô la, trong tổng số 103 triệu đô la mà Chương trình đã kêu gọi quốc tế đóng góp để giúp đỡ người Syria trong năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG