Đường dẫn truy cập

Sinh viên Việt chạy khỏi New York về nước: ‘Không hối tiếc’


Thành phố New York hiện là tâm dịch Covid-19 ở Mỹ
Thành phố New York hiện là tâm dịch Covid-19 ở Mỹ

Một sinh viên Việt Nam du học ở tiểu bang New York, Mỹ, về nước ngay trước khi dịch bệnh corona ở Mỹ bùng phát cho biết cô đã cân nhắc rất kỹ khi đưa ra quyết định này và cho đến giờ cô ‘không thấy hối tiếc’.

Bang New York hiện là tâm dịch Covid-19 ở Mỹ với trên 200.000 ca nhiễm và 11.000 ca tử vong, chiếm gần 1/3 số ca nhiễm và trên 2/5 con số tử vong trên toàn nước Mỹ, theo thống kê của CNN cho đến ngày 14/4.

Từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ và các nước châu Âu, Việt Nam đã chứng kiến làn sóng du học sinh từ các nước này ồ ạt đổ về nước và một phần các ca nhiễm virus corona được phát hiện trong làn sóng thứ hai ở Việt Nam là từ các du học sinh trở về này.

Tuy nhiên đến ngày 22/3, Việt Nam đã đóng cửa hoàn toàn với những người nhập cảnh từ nước ngoài. Riêng các du học sinh và người Việt muốn trở về phải đăng ký với các sứ quán Việt Nam ở nước sở tại.

Mới đây truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ cho biết ‘hiện đã có gần 1.000 đơn đăng ký nhu cầu về nước và các đơn này đã được chuyển cho các cơ quan trong nước xem xét, xử lý’.

Thấy Mỹ ‘chủ quan’

Cô Nguyễn Phương Anh, sinh viên năm cuối Khoa Báo chí Đại học Syracuse, bang New York, đã kịp về đến Việt Nam ngày 21/3, tức là chỉ một ngày trước khi Việt Nam đóng cửa với thế giới bên ngoài để tránh dịch.

Trao đổi với VOA từ quê nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cô Anh cho biết cô đã ‘may mắn’ hơn nhiều du học sinh khác khi đã bắt chuyến bay về kịp trước khi có lệnh cấm nhập cảnh.

“Em về trong tuần lễ có rất nhiều người về,” cô nói với VOA. “Giả sử nếu về không kịp và bị mắc kẹt ở các sân bay quốc tế (như một số du học sinh khác), chắc là em sẽ phải liên lạc Đại sứ quán nhờ giúp đỡ.”

Cô Anh cũng kể cho VOA về quá trình cô cân nhắc để đi đến quyết định này trong lúc cô vẫn còn học kỳ cuối phải hoàn thành bên Mỹ.

“Lúc đang trong kỳ nghỉ xuân (spring break) thì nhà trường thông báo sẽ cho học trực tuyến đến hết kỳ,” cô nói. “Lúc đấy em thấy việc chống dịch ở Mỹ đang rất chủ quan và đoán trước là dịch sắp sửa bùng phát dữ dội ở Mỹ.”

“Đợt nghỉ xuân đó mọi người vẫn đi du lịch, vẫn tụ họp, vẫn đi bar, đi biển ở Florida. Mặc dù được báo là sắp có dịch nhưng mọi người không quan tâm,” cô cho biết.

‘Quyết định khó khăn’

Cô Anh nói cô không muốn ở lại Mỹ khi ‘tình hình như thế’. Theo lập luận của cô thì nếu cô không về thì cô ‘sẽ có khả năng bị nhiễm bệnh’; nếu bị nhiễm bệnh thì ‘có khi còn không được đi khám vì bệnh viện quá tải; nếu được khám thì ‘tiền viện phí sẽ rất đắt’. “Lúc đấy bảo hiểm chưa nói là sẽ trang trải chi phí điều trị Covid-19,” cô cho biết.​

“Em nghĩ khả năng em về nhà sẽ như thế nào, ở lại sẽ như thế nào thì thấy em về nhà sẽ an toàn hơn, sẽ tốt hơn. Thầy cô cũng bảo là nếu em về em hoàn toàn vẫn có thể tốt nghiệp đúng thời hạn nên em quyết định đi về,” cô nói.

Do cô Anh đi học theo dạng học bổng 100% học phí do trường cấp nên cô sợ rằng nếu cô về nước thì sau này sang Mỹ trở lại để học tiếp học kỳ cuối ‘sẽ không được học bổng nữa’.

Theo lời cô thì quyết định về Việt Nam khi đang còn học dang dở cũng ‘có sự đánh đổi’. “Em không được có lễ tốt nghiệp vào tháng 5, mặc dù xét trong tương quan mọi việc thì đó không phải là cái gì to tát. Em cũng không nói được lời tạm biệt với bạn bè, thầy cô, những người mà em yêu quý mấy năm nay,” cô cho biết.

Ngoài ra, cô Anh đang làm dự án tốt nghiệp cộng với việc đặc thù ngành học nên ‘việc học trực tuyến ở Việt Nam cũng có những bất lợi’.

Tuy nhiên, cô cho biết là các thầy cô có động viên và nói với cô là ‘sẽ tạo điều kiện hết mức, kể cả việc em học trực tuyến bị lệch múi giờ (lớp học vào lúc 2h sáng giờ Việt Nam) thầy cô có hứa là sẽ thu lại buổi học cho em’.

“Còn dự án tốt nghiệp thì em sẽ gửi tác phẩm cho thầy cô, thầy cô sẽ gửi email phản hồi hay gọi điện nói chuyện trực tiếp với em.”

Cô cho biết mặc dù lúc đó cô đang xin đi thực tập ở một số nơi bên Mỹ, đồng thời cũng tính xin quy chế OPT (kéo dài thị thực cho sinh viên quốc tế được phép thực tập) với Sở di trú Mỹ, nhưng khi dịch bệnh xảy ra thì cô gạt hết qua một bên để về nước.

Chuyến đi gấp rút

Cô Anh cho biết kể từ khi quyết định cho đến khi bay về ‘chỉ có vài ngày’ nên chuyến đi của cô ‘rất gấp rút’.

“Mọi thứ hơi loạn vì em về luôn, không quay lại nữa khi tốt nghiệp,” cô nói thêm và cho biết bạn bè cùng phòng cô đã giúp cô gói ghém đồ đạc để ‘về luôn’.

Cô kể lúc đầu cô bị ‘căng thẳng’ vì không biết ‘liệu có bay về được Việt Nam không’. Lúc đầu cô mua vé của hãng bay Qatar nhưng hai ngày sau hãng thông báo hủy chuyến, buộc cô phải tìm chuyến bay khác quá cảnh ở Nhật và đi từ Nhật về Hà Nội qua Vietnam Airlines.

“Em thấy mình may là có được vé về. Em có một số đứa bạn bị kẹt lại hoặc máy bay đưa vào Sài Gòn rồi phải tìm cách trở ra Hà Nội.”

Theo lời cô kể thì chuyến bay của cô bay ra khỏi Mỹ ‘rất là đông’ và ‘có rất nhiều người Nhật và người Việt, rất ít thấy người Mỹ’.

Cô nói cô thấy ‘có sự lo lắng trên chuyến bay’ và ‘tiếp viên trên máy bay mặc đồ bảo hộ đầy đủ như nhân viên y tế’.

Kể từ khi về đến Việt Nam, cô cho biết cô vẫn theo dõi tình hình New York và nước Mỹ và vẫn liên lạc thường xuyên với bạn học ở Mỹ.

Cô nói dù cô ‘thấy nhẹ nhõm cho bản thân’ nhưng ‘khá lo cho bạn bè ở Mỹ’.

“Mọi người cũng lo lắng và họ đều ở nhà tự cách ly,” cô cho biết. “Họ không về nhà của họ ở các tiểu bang khác. Bạn bè em đều là trẻ nên họ nghĩ rằng kể cả khi họ bị bệnh cũng không sao, nhưng họ chỉ lo cho sức khỏe của bố mẹ họ là chính.”

Theo lời cô thì nhiều bạn học của cô cũng là du học sinh từ các nước khác ‘cũng về nhà’.

“Em nghĩ đây là quyết định tốt nhất trong hoàn đó và em không thấy hối hận gì.”

Mặc dù về Việt Nam giúp cô tiết kiệm được chi phí thuê nhà và ăn ở các thứ, nhưng cô Anh nói cô có chút tiếc nuối là cô không có thời gian khám phá nước Mỹ sau khi tốt nghiệp.

“Em ước rằng dịch không xảy ra để em ở lại được và đi du lịch nước Mỹ trong một tháng. Nhiều bạn bè em cũng tiếc vì nhiều kế hoạch tương lai bị hủy,” cô nói.

‘Không là gánh nặng’

Du học sinh này cho biết khi quyết định về Việt Nam thì cô đã ‘chuẩn bị tinh thần’ sẽ bị cách ly trong hai tuần và cô ‘cảm thấy vui khi được đưa đi cách ly tập trung thay vì tự cách ly ở nhà’.

“Em không muốn việc em về nhà là rủi ro cho bố mẹ em,” cô giải thích. “Mình đã đi qua bao chuyến bay, bao sân bay, có dám chắc mình không bị nhiễm bệnh gì không?”

Cô nói điều kiện cách ly ở Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội ở quận Nam Từ Liêm, là ‘đảm bảo cho mình thoải mái nhất có thể’.

“Tất nhiên mình không thể đòi hỏi quá nhiều vì cách ly không phải đi nghỉ mát,” cô nói và cho biết cô không đồng tình với việc một số du học sinh lên mạng xã hội phê phán điều kiện cách ly ở Việt Nam.

“Trong tình trạng thế này người ta cũng chỉ lo được cho mình đến như thế,” cô nói. “Có lẽ khả năng thích nghi của các bạn ấy chưa được tốt. Khi đi cách ly tất nhiên có những bất tiện nhưng chỉ nên chia sẻ với người thân.”

Tuy nhiên, cô cho rằng dư luận Việt Nam chỉ trích những du học sinh này ‘không nên quơ đũa cả nắm’ và ‘chửi cả cộng đồng du học sinh’.

“Em không nghĩ là ai muốn cảm thấy mình là gánh nặng lên cộng đồng lớn như là đất nước hay những người đồng bào của mình, trừ phi người ta cảm thấy cần phải về.”

Khi được hỏi về việc con trai ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội, đã được ông Chung khuyên ở lại Mỹ khi dịch bệnh bùng phát, có phải là sự hy sinh vì cộng đồng trong nước hay không, cô Anh nói: “Có lẽ bạn ấy nghĩ là ở lại Mỹ là tốt cho bạn ấy, vì bạn ấy tin vào nền y học của Mỹ, có lẽ bạn ấy không muốn bất tiện vì học trực tuyến chệch múi giờ. Khó có thể nói là việc ở lại là hy sinh vì cộng đồng.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG