Đường dẫn truy cập

Sau Tết, COVID tăng mạnh tại châu Á


Chích vaccine COVID-19 của AstraZeneca tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/11/2021.
Chích vaccine COVID-19 của AstraZeneca tại Bangkok, Thái Lan, ngày 17/11/2021.

Nhiều nước châu Á đang đối mặt với số ca COVID tăng vọt sau Tết Âm lịch, trong khi giới chức y tế chật vật đối phó với biến thể Omicron và dự trù số người nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới.

Tết được chào đón tại châu Á hôm 1/2 dù các quy định COVID tại nhiều nước đã giới hạn việc tụ tập gia đình và tập trung đám đông ở mức tối thiểu.

Nhà cầm quyền Hong Kong đang đối mặt với số ca nhiễm cao kỷ lục làm căng thẳng chính sách “zero COVID”. Hôm 7/2, thành phố báo cáo có thêm 614 ca nhiễm trong cộng đồng.

“Chúng tôi dự trù sẽ có thêm nhiều ca nhiễm trong vài ngày tới. Chúng tôi xem chuyện này như một số dư âm sau các sự kiện tụ tập lễ Tết,” ông Edwin Tsui, một giới chức thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, nói.

“Với các biện pháp chế ngự hiện nay, chúng tôi hy vọng có thể khống chế dịch bệnh.”

Hiện nay Hong Kong bắt buộc tất cả các ca nhiễm phải vào bệnh viện. Hôm 7/2, nhà cầm quyền loan báo những ai tiếp xúc với người bị COVID sẽ được phép tự cách ly tại gia, bắt đầu từ 8/2. Những người xét nghiệm dương tính trong khi cách ly tại gia sẽ được đưa vào bệnh viện.

Hong Kong theo chính sách “zero COVID” của Trung Quốc nhằm triệt tiêu các ổ dịch dù nhiều nước khác đang chuyển qua phương pháp sống chung với virus. Nhà cầm quyền tìm cách phong tỏa các khu chung cư có người nhiễm COVID và cấm ăn uống ở các nơi công cộng sau 6 giờ tối.

Tại Singapore, số ca COVID tăng mạnh sau ngày Tết, tăng gấp ba lần, lên đến 13.000 ca hôm 4/2.

Sau đó, số ca nhiễm hàng ngày giảm còn 7.752 hôm 6/2 với những quy định bao gồm hạn chế công suất các nhà hàng và ấn định số khách thăm viếng tại mỗi hộ gia đình.

Tháng trước, Singapore báo cáo trên 100.000 ca, dù 99% là nhẹ và không triệu chứng.

Trên khắp châu Á, các nước đang lâm vào hoàn cảnh tương tự khi biến thể Omicron trở nên chiếm ngự dù các giới chức y tế báo cáo là số ca nhiễm Omicron tăng mạnh không đẩy số nhập viện và tử vong cao như biến thể Delta trước kia.

Tại Nhật, gần 90.000 ca nhiễm mới được báo cáo trên toàn quốc hôm 6/2, trong đó có 17.526 ca tại Tokyo trong lúc lây nhiễm Omicron trong cộng đồng không có dấu hiệu chậm lại.

Các chuyên gia cho hay virus đang lây nhiễm cho những người lớn tuổi dễ bị tổn thương, thành phần này bắt đầu chiếm nhiều giường trong bệnh viện. Chưa đến 5% dân số Nhật đã chích mũi vaccine thứ ba.

Số ổ dịch cộng đồng cũng tăng tương tự tại Indonesia, sắp bằng số ca trong thời cao điểm của Delta năm ngoái.

Hôm 6/1, Indonesia báo cáo thêm 533 ca nhiễm và 7 người chết. Một tháng sau, hôm 6/2, số ca nhiễm hàng ngày đã tăng lên 36.057 và số tử vong hàng ngày tăng thành 57, tăng gần 4 lần cách đây một tuần.

Tại Thái Lan, ngày 7/2, các giới chức báo cáo hơn 10.000 ca nhiễm thường nhật trong ba ngày liên tiếp, nhưng Cục Kiểm soát Dịch bệnh nói số bệnh nhân nặng đã sụt giảm trong khi tỉ lệ tử vong vẫn ổn định.

Cục trưởng Opas Karnkawinpong cho hay Thái Lan có thể xem xét nới lỏng một số hạn chế trong lúc biến thể Omicron dường như ít gây bệnh nặng.

“Tình hình COVID-19 toàn cầu dường như đang di chuyển cùng một hướng,” tờ Bangkok Post trích lời ông nói. “Nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp dù số ca nhiễm hàng ngày tăng cao.”

Tại các nước khác, nơi Tết cũng được xem là ngày lễ lớn, các chính phủ đang trong tình tạng báo động cao trước dự đoán là Omicron sẽ tiếp tục gây nên các làn sóng lây nhiễm.

Số ca nhiễm mới tại Malaysia cũng gia tăng. Bộ Y tế báo cáo có thêm 11.034 ca nhiễm hôm 7/2. Đà tăng này xảy ra sau Tết khi nhiều người Malaysia đi du hành, nhưng các giới chức y tế cho hay hầu hết các ca không có triệu chứng hay có triệu chứng nhẹ.

Quan chức y tế hàng đầu, Noor Hisham Abdullah, cảnh báo số ca nhiễm mỗi ngày có thể tăng gấp đôi vào cuối tháng Ba và thúc đẩy người dân Malaysia đi chích mũi vaccine thứ ba. Khoảng 98% người trưởng thành tại nước này đã hoàn tất việc chích ngừa và một nửa đã nhận được liều thứ ba.

Tại Hàn Quốc, các chuyên gia cảnh báo nước này có thể chứng kiến số ca nhiễm hàng ngày tăng đến 130.000 hay 170.000 vào cuối tháng Hai.

Hàn Quốc báo cáo thêm 38.691 ca nhiễm, tăng 9 lần so với mức quan sát hồi giữa tháng Giêng.

Tại Việt Nam, nhà chức trách cảnh báo số ca COVID có thể tăng vọt sau Tết.

Tháng rồi, Việt Nam báo cáo 192 ca nhiễm biến thể Omicron, hầu hết có triệu chứng nhẹ hay không có triệu chứng nào cả. Với tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp, Việt Nam đã tiến tới việc tái tục hầu hết các hoạt động xã hội.

Philippines đã tiến đến việc nới lỏng các hạn chế virus corona và mở cửa cho du khách trong lúc số ca nhiễm xuống còn khoảng 8.300 hôm 6/2, giảm từ cao điểm 39.000 ca vào giữa tháng Giêng.

Tuy nhiên, những hạn chế giãn cách vẫn còn hiệu lực vì sợ dịch bệnh bùng phát trước cuộc bầu cử Tổng thống và tổng tuyển cử vào ngày 9/5. Chiến dịch tranh cử bắt đầu hôm 8/2, với lệnh cấm bắt tay, ôm hôn và tập trung đông người.

Tại Hoa lục, số ca nhiễm cộng đồng tiếp tục dao động, xuống mức thấp nhất là 9 ca hôm 4/2 nhưng tăng trở lại thành 45 ca hôm 7/2, hầu hết là tại vùng Quảng Tây ở phía nam.

Các ca nhiễm gần đây có một số ca Omicron, dù các ổ dịch đó đã được kìm chế chặt chẽ. Nhà cầm quyền Trung Quốc áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm rộng rãi trong lúc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh khai mạc vào tuần trước.

Trong khi đó, đảo quốc xa xôi Tonga ở Thái Bình Dương đang nỗ lực chế ngự ổ dịch đầu tiên kể từ khi đại dịch toàn cầu bắt đầu. COVID xuất hiện tại đây có thể là từ việc trao tặng thuốc men và nước uống khẩn cấp sau vụ núi lửa bùng phát và sóng thần hồi tháng trước.

Hai người Tonga làm việc chuyển vận hàng hóa xét nghiệm dương tính COVID trong tuần qua. Cuối tuần rồi, Thủ tướng Siaosi Sovaleni loan báo có thêm hai ca dương tính được xác nhận, nâng tổng số người nhiễm COVID tại đây lên thành 7.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG