Đường dẫn truy cập

Samsung Việt Nam cắt giảm sản xuất vì hàng tồn kho tăng, nhu cầu sụt giảm


Nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên, nơi sản xuất khoảng 100 triệu trong tổng số 270 triệu điện thoại thông minh mà tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc xuất xưởng mỗi năm.
Nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên, nơi sản xuất khoảng 100 triệu trong tổng số 270 triệu điện thoại thông minh mà tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc xuất xưởng mỗi năm.

Công xưởng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung ở Việt Nam đang cắt giảm quy mô sản xuất khi nhiều nhà bán lẻ và kho hàng vật lộn với lượng hàng tồn kho trong bối cảnh tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, theo ghi nhận của Reuters.

Thị trường kho hàng lớn nhất của Mỹ, nơi đang có lạm phát tăng cao nhất trong 4 thập niên qua, đã chạm ngưỡng bão hòa và các nhà bán lẻ ở đây như Best Buy hay Target đều cảnh báo về doanh số bán hàng chậm lại khi người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng sau các đợt chi tiêu đầu mùa dịch COVID-19.

Suy thoái toàn cầu

Hiệu ứng này được cảm nhận rõ nét ở Thái Nguyên, một trong hai cơ sở sản xuất điện thoại di động của Samsung ở quốc gia được xem là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Nhà máy ở Thái Nguyên chịu trách nhiệm sản xuất một nửa sản lượng điện thoại trên toàn cầu cho tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc.

Samsung xuất xưởng khoảng 270 triệu điện thoại thông minh vào năm 2021 và, theo Reuters, công ty này cho biết nhà máy của họ ở Thái Nguyên có khả năng sản xuất khoảng 100 triệu thiết bị mỗi năm.

“Chúng tôi chỉ làm việc 3 ngày một tuần, trong khi một số dây chuyền đang điều chỉnh sang tuần làm việc 4 ngày thay vì 6 ngày như trước đây và tất nhiên là không cần làm thêm giờ”, một công nhân 28 tuổi của nhà máy có tên Pham Thi Thuong nói với Reuters.

Nữ công nhân này còn nói rằng các hoạt động sản xuất kinh doanh cùng thời gian này năm ngoái, khi đợt bùng phát COVID-19 đang ở đỉnh điểm, “thậm chí còn sôi động hơn”.

So sánh công việc hiện tại với khối lượng việc cùng kỳ năm ngoái, nữ công nhân này nói: “Giờ đây, mọi việc chỉ chạy cầm chừng”.

Reuters cho biết họ không thể xác định được liệu Samsung có chuyển sản xuất sang các cơ sở khác để bù đắp cho sản lượng giảm sút từ nhà máy ở Việt Nam hay không. Samsung hiện cũng đang sản xuất điện thoại ở quê nhà Hàn Quốc và cả ở Ấn Độ.

Công ty này chưa bàn thảo về việc giảm mục tiêu sản xuất hàng năm tại Việt Nam, theo Reuters.

Mặc dù vậy, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc tương đối lạc quan về nhu cầu điện thoại thông minh trong nửa cuối năm nay khi cho biết trong cuộc họp báo về doanh thu vào tuần trước rằng sự gián đoạn nguồn cung hầu hết đã được giải quyết và nhu cầu sẽ không thay đổi hoặc thậm chí sẽ tăng trưởng ở mức một con số.

Nhưng hàng chục công nhân được Reuters phỏng vấn bên ngoài nhà máy ở Thái Nguyên hầu hết đều cho biết công việc sản xuất kinh doanh đang không tốt.

Nữ nhân công tên Thuong và những người cùng làm với cô tại nhà máy của Samsung trong khoảng 5 năm qua nói với Reuters rằng họ chưa bao giờ thấy một sự cắt giảm sản xuất lớn đến như vậy.

“Tất nhiên năm nào cũng có mùa thấp điểm, thường là vào khoảng tháng 6-7, nhưng thấp điểm có nghĩa là không có OT (tăng ca) chứ không phải là cắt giảm ngày làm việc như thế này”, cô Thuong nói với Reuters.

Theo nữ công nhân này, các nhà quản lý nói với công nhân rằng lượng hàng tồn kho đang cao và không có nhiều đơn đặt hàng mới.

Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ của Mỹ, dự báo lượng điện thoại thông minh xuất xưởng toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm nay do việc cắt giảm chi tiêu của người dùng và doanh số bán hàng giảm mạnh ở Trung Quốc.

‘Thị trấn Samsung’

Samsung là nhà đầu tư và xuất khẩu nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với 6 nhà máy trên khắp cả nước, từ các trung tâm công nghiệp ở miền bắc là Thái Nguyên và Bắc Ninh – nơi sản xuất hầu hết điện thoại và linh kiện, cho đến nhà máy sản xuất tủ lạnh và máy giặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tập đoàn của Hàn Quốc đã rót 18 tỷ USD vào Việt Nam, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á. Chỉ riêng Samsung đóng góp 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Sự xuất hiện của Samsung tại Thái Nguyên, cách Hà Nội khoảng 65km, gần một thập kỷ trước đây đã biến vùng đất nông nghiệp buồn tẻ thành một trung tâm công nghiệp rộng lớn, nơi hiện cũng đang sản xuất điện thoại cho các thương hiệu của Trung Quốc như Xiaomi.

Các phúc lợi khi làm việc cho Samsung như bữa ăn và chỗ ở được trợ cấp hoặc miễn phí đã thu hút hàng chục nghìn lao động trẻ đến khu vực này. Tuy nhiên việc giảm giờ làm đang khiến nhiều công nhân không thoải mái.

“Tháng trước, lương của tôi bị cắt nửa tháng vì mới làm 4 ngày và tuần còn lại không có gì làm cả”, công nhân có tên Nguyen Thi Tuoi nói với Reuters.

Tuy nhiên cho đến nay chưa có thông báo nào được nhà máy tại đây đưa ra về việc cắt giảm giờ làm.

“Tôi không nghĩ sẽ có việc cắt giảm giờ làm mà chỉ cắt giảm một số giờ làm việc để phù hợp với tình hình toàn cầu hiện nay”, một công nhân được biết là trưởng nhóm từ chối nêu tên khi nói với Reuters.

Công nhân này hy vọng rằng “việc cắt giảm hiện tại sẽ không kéo dài” và họ sẽ sớm được trở lại nhịp độ làm việc bình thường như trước đây.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG