Đường dẫn truy cập

Samsung chưa giảm hoạt động, Việt Nam vẫn phải lo cạnh tranh với Ấn Độ


Samsung có nhà máy ở hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh của Việt Nam
Samsung có nhà máy ở hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh của Việt Nam

Hãng Samsung Vietnam hôm 18/8 nói với báo chí nước chủ nhà rằng họ không chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ như tin do The Economic Times đưa trước đó một ngày.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận với VOA rằng về lâu dài Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Việt Nam trong việc thu hút, giữ chân các nhà đầu tư lớn như Samsung.

Báo The Economic Times hôm 17/8 loan tin rằng đại tập đoàn đồ điện tử Samsung “có thể” chuyển một phần hoạt động sản xuất điện thoại thông minh của hãng từ Việt Nam và một số nước khác đến Ấn Độ.

Dẫn lời “một người nắm thông tin”, nhật báo chuyên về kinh tế của Ấn Độ nói tập đoàn của Hàn Quốc “đang hoàn tất kế hoạch” và dự định sẽ sản xuất một số lượng điện thoại có giá trị lên đến “hơn 40 tỉ đô la” ở Ấn Độ.

Samsung nhiều khả năng nhắm đến việc đa dạng hóa nơi đặt dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh để tranh thủ Chương trình Khuyến khích Kết nối Sản xuất dành cho Chế tác Điện tử Quy mô Lớn (PLI) của Ấn Độ, nguồn tin của The Economic Times nói.

Vẫn nhật báo này nhận định “động thái này hẳn là sẽ có tác động đến các hoạt động hiện nay [của Samsung] ở các nước khác, trong đó có Việt Nam”.

Hai trang tin Ấn Độ, BRG.in và Business.in nói hôm 17/8 rằng điều được cho là hấp dẫn đối với Samsung là chi phí lao động ở Ấn Độ thấp hơn so với Việt Nam.

Tuy nhiên, “thông tin về việc Samsung có thể chuyển một phần sản xuất điện thoại thông minh từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật”, một đại diện của hãng đặt tại Việt Nam nói, theo tường thuật hôm 18/8 của Dân Trí, Zing, Tuổi Trẻ và một số báo khác.

Dân Trí và các báo trích lời đại diện của Samsung cho biết thêm: "Các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ".

Sau lời khẳng định của hãng Hàn Quốc là họ chưa giảm hoạt động, Việt Nam có thể tạm thời thở phào, song về lâu dài, mối lo phải chạy đua với Ấn Độ vẫn còn đó, theo các nhà quan sát. Về vấn đề này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, nói với VOA:

“Ấn Độ đương nhiên là nước động dân, có thị trường rộng lớn, và kinh tế cũng phát triển nhanh. Tôi nghĩ rằng Việt Nam và Ấn Độ sẽ ở vào tư thế cạnh tranh với nhau trong thu hút đầu tư nước ngoài”.

Để có lợi thế, theo tiến sĩ Doanh, Việt Nam sẽ “cố gắng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, và cuộc chạy đua với Ấn Độ sẽ không chỉ gói gọn trong việc giành lấy Samsung mà cả các nhà đầu tư ngoại quốc khác, chuyên gia kinh tế này nói với VOA.

Nhà máy Samsung Bắc Ninh. Photo NLD
Nhà máy Samsung Bắc Ninh. Photo NLD

Sau dự án liên doanh nhỏ đầu tiên vào năm 1996, đến nay, Samsung đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 17,3 tỉ đô la

Hoạt động của Samsung tại Việt Nam giờ đây tạo ra doanh thu bằng 30% tổng doanh thu của hãng trên toàn cầu, làm cho Việt Nam trở thành cụm cứ điểm sản xuất lớn nhất của hãng, hơn xa Trung Quốc.

Riêng năm 2018, doanh thu của Samsung tại Việt Nam đạt 65,7 tỉ đô la tương đương khoảng 28% GDP của nước chủ nhà.

Các kết quả Samsung đạt được có một phần là do chính sách ưu đãi vượt mức bình thường từ phía chính phủ Việt Nam.

Theo tìm hiểu của VOA, kể từ khoảng năm 2014, Hà Nội cho hãng Hàn Quốc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, ngoài ra, về tổng thể, hãng được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong 30 năm.

Các địa phương cũng dành cho Samsung các ưu đãi về tiền thuê đất, tiền giải phóng mặt bằng, và họ cũng tiếp tục giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tiếp sau giai đoạn 9 năm cấp chính phủ trung ương giảm thuế. Bên cạnh đó, hãng còn được hưởng chính sách ưu tiên về hải quan.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khu vực và quốc tế, trong đó có Ấn Độ, một khi các ưu đãi của Việt Nam hết thời hạn, Việt Nam sẽ phải ứng phó như thế nào? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu ra một số khả năng với VOA:

“Nếu như các điều kiện ưu đãi nào đấy mà hết, lúc bấy giờ Việt Nam và nhà đầu tư đó có thể thương lượng với nhau để có những điều kiện thích hợp hơn. Trong tương lai, nếu Việt Nam nâng cao trình độ kỹ thuật của mình thì hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế về nhiều mặt hàng khác, không chỉ điện tử, chế biến thực phẩm, dệt may và da giày”.

Samsung Việt Nam hiện có 130.000 cán bộ, nhân viên và làm ra 50% số lượng điện thoại thông minh của toàn tập đoàn.

Tính theo giá trị xuất khẩu, tổng thị trường điện thoại thông minh toàn cầu là 270 tỉ đô la, trong đó thị phần của Samsung chiếm 22% và đứng thứ hai, dưới Apple một bậc. Hãng của Mỹ đứng thứ nhất với 38% thị phần tính theo giá trị.

Nhưng tính theo số lượng máy, Samsung đứng đầu với mức 20%, Apple đứng thứ hai với 14%.

VOA Express

XS
SM
MD
LG