Đường dẫn truy cập

Sẽ khó có người chịu thử vaccine của Oxford-AstraZeneca nữa?


Trụ sở của hãng AstraZeneca ở Cambridge, Anh. Vaccine của hãng này phối hợp cùng Đại học Oxford sản xuất đang là một trong các ứng viên hàng đầu
Trụ sở của hãng AstraZeneca ở Cambridge, Anh. Vaccine của hãng này phối hợp cùng Đại học Oxford sản xuất đang là một trong các ứng viên hàng đầu

Nếu sự cố xảy ra đối với những người đã tiêm thử vaccine của Oxford và AstraZeneca không có gì nghiêm trọng thì việc thử nghiệm nên được nối lại, một chuyên gia gốc Việt ở Florida cho biết, nhưng cũng nói rằng ông nghi ngờ sẽ có người tình nguyện thử vaccine này nữa.

Trước đó, đầu tháng này, vaccine ngừa virus corona do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác phát triển đã bị tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng sau khi tình nguyện viên tiêm vaccine có các triệu chứng thần kinh chưa được xác định rõ.

Hiện tại giới hữu trách đang cố gắng tìm hiểu xem những triệu chứng đó là ngẫu nhiên và không liên quan gì đến vaccine hay do vaccine mà ra. Cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine của Oxford-AstraZeneca được loan báo tái tục tại Anh hôm 12/9 sau vài ngày tạm ngưng, nhưng thử nghiệm tại Mỹ tới 25/9 vẫn chưa được nối lại.

‘Không nhất quán’

Hãng dược AstraZeneca và đối tác nghiên cứu vaccine, Đại học Oxford, đã tường thuật khác nhau về các trường hợp tiêm vaccine gặp vấn đề.

AstraZeneca nói với giới truyền thông rằng tình nguyện viên đầu tiên mắc bệnh được xác định là ‘bị đa xơ cứng (multiple sclerosis) chưa được chẩn đoán trước đó’, nhưng thông tin trên trang chủ của Đại học Oxford cho biết tình nguyện viên này đã ‘nảy sinh các triệu chứng thần kinh không giải thích được’. AstraZeneca cũng cho biết người thứ hai mắc ‘một chứng bệnh không rõ nguyên nhân’ nhưng một tài liệu nội bộ của công ty mà CNN có được cho biết tình nguyện viên đó đã mắc một chứng bệnh thần kinh hiếm gặp gọi là viêm tủy cắt ngang (transverse myelitis).

“Đó là những tuyên bố khác nhau hoàn toàn,” Tiến sĩ Harlan Krumholz, giáo sư tại Trường Y Đại học Yale, nói với CNN. “Thông tin họ đưa ra phải nhất quán và khi nó không nhất quán, điều đó đặt ra câu hỏi.”

Krumholz và các nhà khoa học khác cho biết bản chất căn bệnh thần kinh của những người tham gia chích vaccine là quan trọng. Nếu họ đều mắc chứng bệnh giống nhau, điều đó sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu vaccine có phải là nguyên nhân không. Còn nếu tình trạng của họ khác nhau, nó có thể cho thấy rằng họ mắc bệnh như thế là ngẫu nhiên chứ không phải do vaccine.

Mark Slifka, một nhà miễn dịch học tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon, cho biết điều đặc biệt đáng lo ngại làthông tin đăng trên trang nhà của Đại học Oxford nói cả hai tình nguyện viên đều bị bệnh thần kinh.

Đại học Oxford cho rằng bệnh của các tình nguyện viên ‘được cho là không có khả năng liên quan đến vaccine hoặc không đủ bằng chứng để khẳng định chắc chắn có hoặc không liên quan đến vaccine’.

Tiến sĩ Paul Offit, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania, được CNN dẫn lời nói rằngAstraZeneca và Oxford nên giải thích lý do tại sao họ kết luận rằng các triệu chứng bệnh thần kinh này không liên quan đến vaccine của họ.

Tiến sĩ Harlan Krumholz, giáo sư tại Trường Y Đại học Yale, cho rằng hàng trăm triệu người có thể sẽ dùng vaccinenày và thông tin không đầy đủ về bệnh của tình nguyện viên chỉ càng gieo rắc sự nghi ngờ.

‘Không nghiêm trọng

Trao đổi với VOA, bác sĩ đa khoa nhiều chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Đỗ Văn Hội, từ bang Florida, giải thích rằng đa xơ cứng (multiple sclerosis) là chứng ‘dây thần kinh bị teo lại khiến bệnh nhân bị liệt hẳn không làm ăn gì được’.

Ông cho biết nạn nhân này ‘hiện đã được ra viện rồi’ và việc vaccine đã được nối lại thử nghiệm ở các nước khác ngoài Mỹ cho thấy ‘không có gì nghiêm trọng’ vì ‘nếu nghiêm trọng họ phải ngưng luôn’.

Ông nói Mỹ và các nước phương Tây ‘rất xem trọng sinh mạng con người’ nên họ đang điều tra xem ‘bệnh nặng nhẹ đến mức nào’ và ‘có những trường hợp tiềm tàng khác mà chưa bị phát hiện hay không’.

“Nếu chỉ là bệnh nhẹ không ảnh hưởng đến suốt đời thì có thể cho nối lại thử nghiệm được,” ông nói. Còn nếu gây liệt đến suốt đời thì dù chỉ có 1-2 ca thì cũng phải bỏ luôn vaccine này.”

“Bất cứ thuốc gì cũng vậy. Người ta chấp nhận một mức độ nào đó về phản ứng phụ như nhức đầu, ói nhưng chỉ vừa phải thôi. Nếu nặng quá thì đó là vấn đề,” bác sĩ Hội tiếp lời.

Tuy nhiên, nếu vaccine của Oxford-AstraZeneca được cho thử nghiệm lại ở Mỹ thì bác sĩ Hội ‘sợ rằng sẽ không có ai tình nguyện đi thử nữa’.

“Dù nguy cơ là một phần triệu đi nữa nhưng nếu ảnh hưởng nặng thì ai cũng sợ chứ,” ông lập luận và cho rằng giả sử vaccine này có được đưa ra thị trường trong tương lại ‘chưa chắc nhiều người đã chịu chích’.

Đang chờ FDA cho phép

Giám đốc điều hành của AstraZeneca, ông Pascal Soriot, nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 24/9 rằng ‘chúng ta nên đặt an toàn lên trên hết mọi việc’.

AstraZeneca đã tiếp tục thử nghiệm lâm sàng ở các quốc gia khác, bao gồm cả ở Anh, trong khi ở Mỹ phát ngôn nhâncủa công ty cho biết họ đang làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ để xin phép được nối lại thử nghiệm.

“Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) để giúp đỡ xem xét thông tin và FDA sẽ quyết định khi nào có thể nối lại thử nghiệm ở Mỹ,” phát ngôn nhân của hãng cho biết.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ hôm 21/9 nói với CNN rằng AstraZeneca và Oxford sẽ phải theo dõi cẩn thận xem có bất kỳ tình nguyện viên nào khác đã được tiêm vaccine có các triệu chứng tương tự hay không.

Giáo sư Slifka và các nhà khoa học khác cho biết họ hài lòng khi FDA cần thêm thời gian để xem xét liệu thử nghiệmvaccine của AstraZeneca có được cho phép tiếp tục ở Hoa Kỳ hay không.

Trên trang nhà của mình, Đại học Oxford lưu ý rằng tính đến ngày 12 tháng 9, ‘tính trên toàn cầu có khoảng 18.000 người tình nguyện đã được tiêm vaccine trong khuôn khổ thử nghiệm. Trong những thử nghiệm lớn như thế này, sẽ xảy ra việc một số người tham gia sẽ mắc bệnh và mọi trường hợp phải được đánh giá cẩn thận’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG