Đường dẫn truy cập

Rối loạn hàng ngũ trong phe đối lập ở Syria


Ông Louay al-Safi, phát ngôn nhân của SNC, tại một cuộc họp báo ở Istanbul, 26/5/2013.
Ông Louay al-Safi, phát ngôn nhân của SNC, tại một cuộc họp báo ở Istanbul, 26/5/2013.
Một nhóm các phe phái đối lập có cơ sở ở Syria đã cáo buộc liên minh đối lập chính ở nước ngoài không đại diện được cho nhân dân Syria. Ðây là một dấu hiệu nữa về sự rối loạn hàng ngũ trong giới chống đối Tổng thống Bashar al-Assad.

Bốn phe phái đối lập đã công bố một thông cáo hôm thứ tư dọa sẽ thôi không công nhận Liên minh Toàn Quốc Syria SNC có cơ sở ở Syria trừ phi liên minh mở rộng thành phần để bao gồm cả “các lực lượng cách mạng” bên trong Syria.

Các nhóm có cơ sở ở Syria nói SNC đã thất bại không đại diện được cho cuộc nổi dậy chống Assad đã kéo dài hai năm ở các mức độ “tổ chức, chính trị và nhân đạo.”

Thông cáo được đưa ra vào lúc các thành viên SNC chật vật để đạt được bất cứ thỏa thuận nào về sách lược trong tương lai mặc dù đã tổ chức các cuộc họp trong hơn một tuần lễ ở Istanbul.

Các tranh chấp nội bộ về việc quy chế thành viên và ban lãnh đạo của liên minh đã ngăn không cho liên minh có được một lập trường thống nhất về một đề nghị của Hoa Kỳ và Nga đối vơí chính phủ Syria và phe đối lập để tham gia một hội nghị hòa bình.

Ngoài tiền tuyến, các cấp chỉ huy phe nổi dậy bên trong Syria đang đả kích cả giới lãnh đạo phe đối lập lẫn dân quân Hezbollah ở Lebanon, hiện đang chống lại họ ở các hang ổ rải rác khắp nước.

Ðàm phán bế tắc

Những ngày thương thuyết trong giới lãnh đạo đối lập đang họp ở Istanbul dường như đang khựng lại, với các chính trị gia không đoàn kết quanh một lãnh tụ duy nhất hay một hội đồng hợp nhất.

Chuyên gia Oraib Rantawi thuộc Trung tâm Al-Quds ở Amman nhận định: “Chúng ta chưa hề thành công trong việc quy tụ họ quanh một điểm - một điểm. Và khi họ rời khỏi phòng họp, họ đã bắt đầu nói về nhau một cách rất tệ: nào là phản bội, gián điệp, tham nhũng và tất cả những điều xấu xa khác; loại trừ nhau, họ không muốn cái này, họ không muốn cái kia.”

Ông Rantawi cho rằng các nhà lãnh đạo đối lập nên dành ít thời gian hơn để cãi cọ và tập trung vào việc xây dựng quốc gia.

Ông nói: “Họ cứ nói là chúng ta đã giải phóng được ba phần tư Syria. Trời đất, nếu Syria được giải phóng và an toàn thì vì sao ta lại còn phải lang thang ở nước ngoài. Hãy đến đó. Hãy đến và làm việc với người dân của mình nếu đất nước an toàn.”

Nhiều đặc sứ nưóc ngoài đã đến cuộc họp của phe đối lập trong ngày thứ tư để tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán. Trong số các vị này có Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, đại sứ Hoa Kỳ ở Syria Robert Ford và một nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp ở Syria.

Hoa Kỳ lên án

Trong khi đó ở Geneva, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã dự một phiên họp khẩn về Syria hôm thứ tư để tranh luận một dự thảo nghị quyết nhằm chấm dứt giao tranh quanh thị trấn chiến lược Qusair.

Bản dự thảo, đề cập đến Hezbollah, nhóm chủ chiến Shia ở Lebanon, đã lên án sự hiện diện của các chiến binh nước ngoài đứng về phe chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là một mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh khu vực.

Nhưng chính phủ Syria không phải là không có người ủng hộ.

Trước khi bắt đầu tiến trình thương thảo, đại diện của Nga đã phản đối việc mở một phiên họp đặc biệt về Syria, và nói rằng vấn đề có thể được xử lý trong khuôn khổ công việc bình thường.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay
Nhưng ông đã mau chóng bị phản đối và cuộc tranh luận bắt đầu bằng một bài diễn văn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay. Bà cực lực lên án điều bà gọi là những hành động tàn bạo mà cả chính phủ và lực lượng nổi dậy đều vi phạm đối với thường dân.

Bà Pillay nói: “Trước Hội nghị Quốc tế về Syria được đề xuất ở Geneva, các quốc gia, nhất là những nước có ảnh hưởng đối với các chiến binh -- phải hành động tập thể nhằm ngăn chặn cuộc xung đột trở nên tệ hại hơn.”

Hoa Kỳ, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã yêu cầu nhóm một phiên đặc biệt, cũng lên án các vụ không kích mới đây của chính phủ ở Qusair.

Ðại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng, bà Eileen Donahue, nói: “Vụ tấn công vào Qusair là hành vi mới nhất trong mưu toan của chế độ là sử dụng cuộc chiến tranh do phe phái thúc đẩy để chia rẽ nhân dân Syria.”

Phản ứng của Syria

Ðại sứ Syria, Faysal Khabbaz Hamaoui, đã lên án điều ông gọi là thái độ bi quan và thiên lệch của các thành viên trong hội đồng. Ông nói không có vụ thảm sát nào xảy ra ở Qusair. Ông lên án các nhóm Thánh chiến là khủng bố dân chúng.

Phát biểu qua một thông dịch viên, ông nói Syria đã giúp thường dân rời khỏi thị trấn dưới sự bảo vệ của binh sĩ Syria.

Ông nói: “Nó dành cho dân chúng có vũ trang một cơ hội từ bỏ vũ khí và rời khỏi thị trấn mà không bị hề hấn gì. Tuy nhiên, một số nguời theo lệnh của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm tiếp tục cuộc tranh đấu, giữ hàng ngàn thường dân làm bia chống đạn.

Ngoại trưởng Nga hôm thứ tư nói rằng cuộc tranh luận của cơ quan Liên Hiệp Quốc sẽ gây trở ngại cho các nỗ lực tổ chức một hội nghị hòa bình về Syria. Ông nói ông lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy Hoa Kỳ trong số các tác giả của nghị quyết, và nói rằng nó đi ngược lại với cam kết của Hoa Kỳ giúp tổ chức hội nghị hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG