Đường dẫn truy cập

Phúc trình: Quân đội Miến Ðiện tiếp tục vi phạm nhân quyền tại Karen


1/3 các gia đình trong bang Karen báo cáo họ bị lạm dụng như bị tống xuất, cưỡng bách lao động, hạn chế đi lại...
1/3 các gia đình trong bang Karen báo cáo họ bị lạm dụng như bị tống xuất, cưỡng bách lao động, hạn chế đi lại...
Trong khi chính phủ Miến Ðiện và các nhóm sắc tộc Karen tiếp tục cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài lâu nhất thế giới lại có những báo cáo mới về về việc quân đội nước này vi phạm nhân quyền tại bang có nhiều biến động này.

Một bản phúc trình mới của Hội Y sĩ tranh đấu cho nhân quyền PHR cho biết 1/3 các gia đình trong khu vực báo cáo họ bị lạm dụng như bị tống xuất, cưỡng bách lao động, hạn chế đi lại và đôi khi còn bị xúc phạm thân thể như bị cưỡng hiếp hay tra tấn.

Bản phúc trình công bố hôm nay cho biết những người sinh sống gần các dự án phát triển kinh tế như các mỏ, đường ống dẫn dầu và đập thủy điện có phần chắc trở thành nạn nhân của những vi phạm về đất đai và lạm dụng lao động.

Bản phúc trình được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Hoa Kỳ ban hành các biện pháp nới lỏng các biện pháp cấm vận về dịch vụ đầu tư và tài chính đối với Miến Ðiện, một quyết định đã bị nhiều tổ chức nhân quyền chỉ trích.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, Giám đốc của Hội Y sĩ Tranh đấu cho Nhân quyền Bill Davis nói rằng Washington nên có biện pháp đề phòng lớn hơn để bảo đảm công cuộc đầu tư mới của Hoa Kỳ không hỗ trợ những người liên can đến vi phạm nhân quyền.

Ông Davis cho biết: “Chúng tôi nghe được nhiều nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ nói rằng các công ty Mỹ khác biệt với những công ty lâu nay hoạt động ở Miến Miến, không giống như các công ty Trung Quốc. Các công ty Mỹ quan tâm đến nhân quyền. Có thể họ có quan tâm đó, nhưng vấn đề chính là tại bang Karen và tại rất nhiều khu vực các sắc tộc khác ở Miến Ðiện, các công ty nước ngoài thường là đối tác của các dự án do quân đội thực hiện.”

Các nước phương Tây đã đòi phải có hòa bình với các nhóm nổi dậy, trong đó có nhóm Karen, như một điều kiện để nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đối với quốc gia đang nhanh chóng cải cách này. Nhưng các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn bất chấp một loạt các thỏa thuận ngưng bắn trước đây trong năm.

Hồi tháng Giêng, chính phủ Miến Ðiện đã ký một lệnh ngưng bắn sơ bộ với Liên minh Dân tộc Karen, một tổ chức nổi dậy lớn nhất nước. Nhưng vòng đàm phán mới đây nhất đã bị chính phủ hoãn lại trong tuần này. Cuộc họp này được ấn định để thảo luận về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến việc triệt thoái binh sĩ.

Mặc dù những vụ tấn công lớn tại bang Karen đã giảm bớt trong mấy tháng vừa qua, quân đội Miến Ðiện vẫn duy trì nhiều binh sĩ tại bang này. Các nhà phân tích nói rằng bất cứ một cuộc rút quân nào cũng là một thách thức lớn đối với tiến trình hòa bình đang gặp khó khăn.

Nhưng PHR cảnh báo rằng một thỏa hiệp ngưng bắn tuy là điều tích cực, sẽ không nhất thiết dẫn tới việc chấm dứt các vụ vi phạm nhắm vào thường dân. PHR kêu gọi chính phủ phải buộc những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm và có các biện pháp thực thi thêm công cuộc cải cách chính trị và tư pháp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG