Đường dẫn truy cập

Putin đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ trong bài phát biểu trước quốc dân


Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Quốc hội Liên bang, tại Điện Kremlin ở Moscow, ngày 3/12/2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Quốc hội Liên bang, tại Điện Kremlin ở Moscow, ngày 3/12/2015.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ với những hành động không nói rõ ngoài nhưng biện pháp chế tài đã áp đặt trong tuần này vì vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một oanh tạc cơ của Nga.

Ông Putin mở đầu bài diễn văn về “tình trạng quốc gia” trước quốc hội Nga hôm thứ năm bằng một phút mặc niệm dành cho 2 binh sĩ Nga thiệt mạng sau khi chiếc máy bay phản lực bị bắn rơi hôm 24 tháng 11 dọc theo biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Phiến quân người Turk đã bắn một phi công trong khi anh ta nhảy dù xuống đất và một binh sĩ thủy quân lục chiến sau khi bắn rơi một máy bay trực thăng được gửi tới tiếp cứu. Vợ của những nạn nhân đã có mặt trong cử tọa bài diễn văn của ông Putin.

Tổng thống Nga nói Allah chắc đang trừng phạt các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách cướp đi sự sáng suốt của họ.

Ông Putin nói: “Các hành động của chúng ta sẽ luôn luôn được hướng dẫn chủ yếu bởi tinh thần trách nhiệm – đối với đất nước, đối với nhân dân. Chúng tôi không dự định và cũng sẽ không khua gươm. Nhưng, nếu có ai đó nghĩ rằng, vì đã vi phạm một tội ác chiến tranh xấu xa – sát hại nhân dân chúng ta – thì họ sẽ phải gánh chịu lệnh cấm nhập cà chua hoặc một vài hạn chế trong công nghiệp xây dựng hay các khu vực khác, họ đã nhầm lẫn lớn. Chúng ta sẽ nhắc nhở họ lâu về những gì họ đã làm. Và họ sẽ hối tiếc lâu về việc làm của họ. Chúng ta biết phải làm điều gì.”

Nga đã loan báo những lệnh cấm một danh sách các loại rau quả của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ đình chỉ chương trình thị thực hỗ tương với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1. Nga cũng đã cắt đứt mọi thông tin liên lạc giữa quân đội hai bên và đã dọa ngưng đầu tư vào những dự án lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có một đường ống dẫn khí đốt do Nga chế tạo và một nhà máy điện hạt nhân.

Thổ Nhĩ Kỳ nói chiếc phản lực cơ chiến đấu của Nga đã làm lơ trước nhiều lời cảnh báo chớ vượt vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị bắn rơi, trong khi Nga nói họ không được báo động và không hề rời khỏi không phận Syria.

Một cuộc khẩu chiến đã bùng ra giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và ông Putin, người đã cáo buộc ông Erdogan là đâm sau lưng Nga và, đáng kể hơn nữa, là ủng hộ khủng bố.

Ông Putin nhắc lại lời cáo buộc rằng các thành viên của thượng tầng cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi từ dầu mua chợ đen của các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Ông nói, “Chúng ta biết ai được hưởng lợi ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách để cho các phần tử khủng bố bán khối dầu mà họn chúng đã đánh cắp. Các phần tử khủng bố dùng số tiền này để tuyển mộ các thành viên mới và hoạch định những vụ tấn công khủng bố mới chống lại nhân dân chúng ta, nhân dân Pháp, Mali và các nước khác.”

Hôm thứ tư, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatolhy Antonov cáo buộc rằng “giới lãnh đạo chính trị cấp cao nhất” của Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả Tổng thống Erdogan và các thành viên gia đình ông, có can dự và việc mua bán dầu bất hợp pháp với IS, nhưng không đưa ra bằng chứng để hỗ trợ cho lời tố cáo.

Hoa Kỳ và NATO, liên minh quân sự Tây phương mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên, đã ủng hộ phần tường thuật của Ankara về những diễn biến có liên quan đến vụ bắn rơi máy bay, nhưng đã kêu gọi cả hai bên bình tỉnh và tập trung vào việc đánh bại các phần tử khủng bố ở Syria. Nga nói là đang nhắm mục tiêu vào Nhà nước Hồi giáo và các phần tử khủng bố ở Syria, và các phần tử khủng bố khác kể từ sau chiến dịch oanh kích hồi tháng 9, nhưng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống IS và quân nổi dậy Syria nói rằng Nga chủ yếu ném bom vào phe nổi dậy để giúp đồng minh của Moscow là Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong bài diễn văn hôm thứ năm, tổng thống Nga kêu gọi dẹp qua một bên những mối bất đồng để thành lập một lực lượng đoàn kết chống khủng bố chiếu theo luật quốc tế và Liên Hiệp Quốc.

Ông Putin nói, “Chúng ta cần phải học được từ những bài học về những hiểm họa lịch sử trước đây. Khi dân chúng không sẵn sàng hợp lực chống lại chủ nghĩa Phát xít, họ đã phải trả giá bằng mạng sống của hàng chục triệu người vô tội. Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với chủ thuyết dã man mới này và chúng ta không thể để cho những người này đạt được các mục tiêu của họ.”

Các quốc gia Tây phương hoan nghênh ý kiến của Nga tham gia cuộc chiến chống IS, nhưng có sự bất đồng lớn về việc Moscow ủng hộ ông Assad.

Như lệ thường, ông Putin đổ lỗi cho các quốc gia Tây phương về tình hình ở Trung Đông. Tuy nhiên, khác với bài diễn văn năm ngoái, lời trách cứ được đưa ra một cách kín đáo và ngắn gọn, và đã không có sự đề cập đến Ukraine.

Trong số các vấn đề quốc nội khác, bài diễn văn của ông Putin tập trung vào các phương thức cải thiện nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn trong lúc rơi vào tình trạng suy thoái. Ông nêu ra rằng sự thiêt hại về kinh tế từ hiện tượng sụt giá nghiêm trọng về dầu khí, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, và các thương phẩm khác, cũng như mức hạn chế về việc vay nợ quốc tế của Nga là hậu quả của những biện pháp chế tài mà Nga bị áp đặt vì những hành động ở Ukraine.

Ông Putin nói, “Tôi biết chúng ta đang đối mặt với thời buổi khó khăn và điều này ảnh hưởng đến nền kinh tế và mức sống của nhân dân chúng ta nói chung.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG