Đường dẫn truy cập

Phát hiện nước trong bầu khí quyển của hành tinh ngoài hệ mặt trời


 ‘Siêu Trái đất’ K2-18b
‘Siêu Trái đất’ K2-18b

Các nhà khoa học Anh loan báo lần đầu tiên nước được phát hiện trong bầu khí quyển của một hành tinh ngoài hệ mặt trời.

Nhóm nghiên cứu tại trường đại học London ngày 11/9 cho biết họ phát hiện hơi nước trong không khí của một hành tinh cách Trái đất 110 năm ánh sáng có nhiệt độ thích hợp cho sự sống.

Hơn 4.000 hành tinh ngoài hệ mặt trời đã được phát hiện, nhưng các nhà khoa học nói đây là hành tinh ngoài hệ mặt trời duy nhất có nước, có nhiệt độ cần thiết cho đời sống, và một bề mặt nhiều đá.

Hiện chưa biết hành tinh vừa kể có nước chảy trên bề mặt hay không. Hành tinh đó có kích cỡ gấp hai lần Trái đất, khối lượng gấp 8 lần.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nói ‘Siêu Trái đất’ này có một khoảng cách lý tưởng với mặt trời của nó để có thể đảm bảo sự sống.

Hành tinh có tên là K2-18b, được NASA tìm thấy vào năm 2015.

“Tìm thấy nước trong một thế giới có thể cư trú được là một điều đáng phấn khích,” Angelos Tsiaras, tác giả đứng đầu phúc trình của đại học London được công bố trong tạp chí Nature Astronomy, nói.

“K2-18b không phải là ‘Trái đất phiên bản 2.0’ nhưng việc này giúp chúng ta tiến gần đến đáp án cho câu hỏi căn bản: Trái đất có phải là duy nhất hay không?”

Các nhà khoa học hy vọng những cuộc thám hiểm trong tương lai để phát hiện hàng trăm hành tinh ngoài hệ mặt trời khác sẽ được thực hiện trong những thập niên tới.

Một thế hệ mới các dụng cụ thám hiểm sẽ có thể mô tả bầu khí quyển của các hành tinh ngoài hệ mặt trời một cách chi tiết hơn.

Viễn vọng kính không gian Ariel của Cơ quan Không gian châu Âu dự kiến sẽ được phóng vào năm 2028 và sẽ quan sát khoảng 1.000 hành tinh. Số lượng lớn này đủ để chúng ta xác định những mô thức và những dị biệt.

VOA Express

XS
SM
MD
LG