Đường dẫn truy cập

Philippines: Tham mưu trưởng có mặt trên tàu bị tàu Trung Quốc đâm


Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner.
Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner.

Hôm 11/12, Philippines gọi hành động của các tàu Trung Quốc chống lại các tàu của nước này đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông vào cuối tuần - trong đó có một chuyến có sự hiện diện của quan chức quân sự cấp cao của Philippines trên tàu - là một “sự leo thang nghiêm trọng”, theo Reuters.

Manila cáo buộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc liên tục phun vòi rồng vào các tàu tiếp tế của họ, gây “hư hỏng động cơ nghiêm trọng” cho một chiếc và “cố tình” đâm vào một chiếc khác. Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner cho biết ông đang ở trên một con tàu vừa bị xịt vòi rồng vừa bị đâm.

Ông Jonathan Malaya, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết trong một cuộc họp báo nơi các quan chức trình chiếu hình ảnh và video về vòi rồng và vụ đâm tàu: “Đây là một sự leo thang nghiêm trọng từ phía các đặc vụ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Ông Brawner nói với đài phát thanh Philippines DZBB rằng ông không bị thương và ông không tin rằng Trung Quốc biết ông có mặt trên thuyền.

Philippines đã gửi công hàm phản đối và triệu tập đại sứ Trung Quốc về các hành động “hung hăng” của nước này ở Biển Đông, mà một quan chức Bộ Ngoại giao cho rằng là “mối đe dọa đối với hòa bình, trật tự và an ninh”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/12 cho biết họ đã gửi công hàm chính thức và phản đối mạnh mẽ phía Philippines về điều mà họ cho là một vụ va chạm hôm 10/12.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phát biểu trong một cuộc họp báo rằng các tàu Philippines “phớt lờ cảnh báo của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và nhất quyết lao vào” vùng biển gần Bãi cạn Second Thomas, đồng thời cho biết thêm rằng hoạt động của Trung Quốc là “chuyên nghiệp, hợp lý và hợp pháp”.

Các tàu Philippines đang cố gắng tiếp tế cho các quân nhân đồn trú trên một tàu chiến mắc cạn nhiều năm trước để sử dụng làm căn cứ.

Bà Mao cho biết trách nhiệm về “các tình huống khẩn cấp lặp đi lặp lại” tại bãi cạn tranh chấp thuộc về phía Philippines, nước “từ chối kéo đi các tàu chiến mắc cạn trái phép và cố gắng củng cố chúng để đạt được sự chiếm đóng vĩnh viễn”.

Bà nói Trung Quốc kêu gọi Philippines chấm dứt “các hành vi vi phạm và khiêu khích trên biển” cũng như ngừng “các cuộc tấn công và bôi nhọ vô căn cứ” chống lại Trung Quốc.

Ông Jay Batongbacal, một chuyên gia về luật hàng hải ở Manila, cho biết những sự cố mới nhất “rõ ràng là một sự leo thang gia tăng khác”.

“Việc sử dụng vòi rồng lần này không chỉ đơn thuần là phun nước mà có tác động mạnh, cố tình gây hư hại cho tàu thuyền. Và việc quấy rối đoàn tàu dân sự là một bước tiến nữa trong mối đe dọa của họ”, ông Batongbacal nói.

‘Sự bất hòa’

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng vòi rồng chống lại các tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội trên các thực thể mà Manila chiếm đóng ở Biển Đông; Vào tháng 8, Philippines đã trì hoãn sứ mệnh tiếp tế hai tuần sau khi tàu của nước này bị xịt vòi rồng.

Cuộc đối đầu trên biển giữa Philippines và Trung Quốc cuối tuần qua diễn ra chưa đầy một tháng sau khi lãnh đạo hai nước gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở San Francisco để hình thành các giải pháp tiến tới ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza cho biết trong cuộc họp báo hôm 11/12: “Có sự mâu thuẫn giữa những gì được nói và hứa với những gì đang diễn ra ở vùng biển này”.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày càng lên tiếng mạnh mẽ về hành vi “hung hang” của Trung Quốc và ông đã tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với đồng minh hiệp ước của nước này là Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ lên án Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động hàng hải của Philippines và phá hoại sự ổn định trong khu vực, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngừng “hành vi nguy hiểm và gây bất ổn” trong vùng biển chiến lược.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố ngày 10/12 rằng nước này tái khẳng định cam kết của mình đối với hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước.

Khi được hỏi về bình luận của Washington, bà Mao nói rằng tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines là vấn đề giữa hai nước và “không bên thứ ba nào có quyền can thiệp”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG