Đường dẫn truy cập

Philippin, Hoa Kỳ sẽ họp bàn về việc tiếp cận thêm với quân đội Mỹ


Đơn vị đặc nhiệm của Hải quân Philippine tuần tra ngoài khơi Vịnh Subic, khu vực nhìn ra Biển Đông, 6/8/13
Đơn vị đặc nhiệm của Hải quân Philippine tuần tra ngoài khơi Vịnh Subic, khu vực nhìn ra Biển Đông, 6/8/13
Các giới chức Philippin cho hay họ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với Hoa Kỳ vào ngày thứ tư tới để bàn về việc thực hiện các chuyến thăm thường xuyên hơn của quân đội Hoa Kỳ trong khuôn khổ một kế hoạch đề phòng Trung Quốc xâm phạm lãnh hải mà Manila nhận chủ quyền trong vùng biển Hoa Nam. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain gửi về bài tường thuật.

Các giới chức nói có sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ có nghĩa là thêm các cuộc thao diễn quân sự và thêm thiết bị sẵn sàng để sử dụng tại các căn cứ của Philippin.

Họ cho rằng sự kiện này sẽ giúp hỗ trợ cho vị thế “phòng vệ khả tín tối thiểu” của Philippin. Giới hữu trách nói sách lược nhắm mục đích bổ sung cho các nỗ lực ngoại giao để đối phó với các vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc trong vùng biển Hoa Nam.

Các giới chức Philippin cho biết họ muốn nhìn thấy các vụ bố trí luân phiên gia tăng bắt đầu trước năm 2016, là lúc Tổng thống Benigno Aquino rời chức.

Mặc dầu quân đội Philippin đang trải qua một chương trình hiện đại hóa, mức chi dành cho quân đội vẫn còn thua xa một số ngân sách quốc phòng nhỏ nhất trong khu vực.

Philippin là nơi tiếp nhận các căn cứ Hoa Kỳ từ gần 100 năm cho đến khi áp lực trong nước đòi đóng cửa các căn cứ này vào năm 1991.

Ông Carl Baker, giám đốc chương trình tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược ở thủ đô Washington, nói rằng lần này, sự chống đối của công chúng “sút giảm một cách đáng kể.”. Ông cho biết:

“Số người ủng hộ chương trình ngày càng tăng thêm nhiều và có lẽ do động cơ chính trị nhiều hơn, trong bối cảnh những việc mà Trung Quốc đã làm.”

Ông Baker nêu ra những vụ đụng độ tỷ như việc Trung Quốc có mặt ở bãi cạn Scarborough, địa điểm của một vụ đối đầu căng thẳng hồi năm ngoái giữa các tầu của Philippin và Trung Quốc có liên quan đến việc đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển mà Philippin nhận chủ quyền. Philippin đã nhượng bộ và các tầu thuyền của Trung Quốc còn ở lại bãi cạn, nơi ngư dân Philippin nói là họ đã bị đẩy lui.

Philippin đã để mất bãi Mischief về tay Trung Quốc vào giữa thập niên 1990. Hồi tháng 5 năm nay, các giới chức nói một tầu chiến và một số tầu hải giám của Trung Quốc đã đến gần bãi cạn Thomas số 2, cũng nằm trong vùng biển mà Philippin nhận chủ quyền.

Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi được” đối với phần lớn vùng biển Hoa Nam giàu tài nguyên. Philippin, Việt Nam, Ðài Loan, Malaysia và Brunei cũng nhận chủ quyền toàn bộ hay từng phần ở đó.

Kế hoạch dự chi 1,8 tỷ đôla cho quân đội của Philippin đang hướng tới các quân cụ mới gồm 12 phản lực cơ chiến đấu, hai tàu chiến và một dàn radar thám thính trên không. Tuần này, Philippin đã chính thức nhận một chiến hạm loại Hamilton thứ nhì từ tập hợp các thiết bị đã sử dụng của Hoa Kỳ. Các giới chức nói đưa thêm các chuyến thăm của Hoa Kỳ vào chương trình này sẽ đem lại cho sách lược của họ một sự tăng cường cần thiết.

Tuy nay dường như có sự ủng hộ của công chúng đối với việc tăng thêm các chuyến thăm của quân đội Hoa Kỳ, ông Baker nói sự kiện này có thể dễ dàng thay đổi bởi vì Hoa Kỳ sẽ khó mà đáp ứng được với những trông đợi của Philippin. Ông nói:

“Ðiều mà họ sẽ vấp phải khó khăn là chứng tỏ thiện chí thực sự tạo được sự phòng vệ các khu vực đó bởi vì nó sẽ khơi lại lập luận xưa cũ của Hoa Kỳ … Ðiều đích xác mà Hoa Kỳ cam kết bảo vệ là gì? Và đó là chi tiết mà thông điệp sách lược trở nên hơi mơ hồ một chút.”

Hai nước đã ký một hiệp ước phòng vệ hỗ tương vào năm 1951, theo đó nước nọ sẽ bảo vệ cho nước kia trong một số loại hình tấn công. Tuy nhiên, Hoa Kỳ khẳng định tính trung lập về những vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng biển Hoa Nam và nói rằng đó là một vấn đề để các nước trong vùng phải giải quyết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG