Đường dẫn truy cập

Philippines điều tra thông tin Trung Quốc xả thải ra Biển Đông


Lực lượng tuần duyên Philippines theo dõi các tàu dân quân Trung Quốc ở Biển Đông.
Lực lượng tuần duyên Philippines theo dõi các tàu dân quân Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm 13/7 ra lệnh cho quân đội điều tra thông tin trong báo cáo của một công ty công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ rằng hàng trăm tàu Trung Quốc đã xả thải vào các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, theo Reuters.

Trung Quốc vốn vẫn luôn duy trì sự hiện diện thường xuyên của lực lượng tuần duyên và tàu cá ở Biển Đông để khẳng định yêu sách yêu sách chủ quyền, nơi Philippines, Brunei, Đài Loan, Việt Nam và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền.

Trước đó hôm 12/7, công ty phân tích hình ảnh vệ tinh dựa trên công nghệ AI, Simularity, công bố các hình ảnh vệ tinh đã chụp trong khoảng thời gian 5 năm, trong đó cho thấy những thiệt hại do chất thải vệ sinh từ con người không được xử lý từ các tàu của Trung Quốc gây ra.

“Trong khi chúng tôi đang chờ xác nhận và xác minh những chất thải này có được xả ra hay không, chúng tôi coi những hành động vô trách nhiệm như vậy, nếu có, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển trong khu vực”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói.

“Bất chấp các tuyên bố chủ quyền và lợi ích xung đột của các quốc gia ở Biển Đông, tất cả các quốc gia phải có trách nhiệm quản lý tài nguyên và môi trường của chúng ta”, Bộ trưởng Lorenzana nói thêm.

Tại một diễn đàn hôm 12/7, bà Liz Derr, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty Simularity, cho biết chất thải có thể đe dọa đến nguồn cá.

“Nó khủng khiếp đến mức bạn có thể nhìn thấy nó từ trên không gian”, Reuters dẫn lời bà Derr nói.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa trả lời yêu cầu bình luận của báo chí về báo cáo của Simularity.

Theo Reuters, Philippines gần đây đã trở nên mạnh miệng hơn sau khi hàng trăm tàu cá mà nước này cho là của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc xuất hiện ở khu vực gần Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG